Văn hóa

Độc đáo lễ xin dâu của người Pà Thẻn

LH 19/10/2023 - 15:51

Trong cuộc đời của mỗi con người, dù thuộc bất cứ dân tộc nào thì ngày cưới luôn là ngày trọng đại nhất. Và người Pà Thẻn cũng không ngoại lệ.

Pà Thẻn thuộc nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, cư trú chủ yếu tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình, tỉnh Hà Giang và các huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn, Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Theo số liệu Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019, dân số người Pà Thẻn là 8.248 người.

anh-11.png
Thầy cúng sắp xếp lại đồ lễ xin dâu

Một yếu tố không thể thiếu trong tục cưới hỏi truyền thống của người Pà Thẻn, chính là sính lễ của gia đình nhà trai. Lễ vật xin dâu nhà trai mang sang nhà gái gồm rượu, bạc trắng, gạo, lợn, gà. Số lượng mỗi loại lễ tùy thuộc vào việc thách cưới của nhà gái, tùy thuộc mỗi địa phương và từng giai đoạn.

Trước kia, lễ vật nhà trai ở huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang mang sang nhà gái gồm có 18 đồng bạc già, 70 lít rượu, 01 đùi lợn trước, 08 con gà trống thiến. Còn ở huyện Bắc Quang, Hà Giang lễ vật thách cưới gồm 15-17 đồng bạc già, 12 lít rượu, 01 đùi lợn sau, 06 con gà trống thiến.

Trong các lễ vật, ngoài việc phải đảm bảo đầy đủ số lượng và chủng loại, người Pà Thẻn rất chú ý đến hình thức trang trí, nhất là chiếc lồng gà. Đối với người Pà Thẻn, chiếc lồng gà không chỉ để nhốt gà, mà được coi là một món lễ vật quan trọng, có giá trị tinh thần sâu sắc và được gọi một cách trân trọng là “kiệu hoa”.

Ngày nay, do giao lưu văn hóa giữa các vùng miền và các tộc người, lễ vật trong đám cưới của người Pà Thẻn cũng ít nhiều thay đổi. Nhà trai không còn mang sang nhà cô dâu bạc trắng, đùi lợn, rượu cũng ít hơn, không có mà chuyển lễ vật thành tiền. Song, lễ vật là con gà trống thiến và việc trang trí chiếc lồng gà cho lễ xin dâu, mang ý nghĩa nhân sinh quan sâu sắc lại càng không thể thiếu trong đám cưới của họ.

Bà Pàn Thị Học (xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) cho biết: “Người Pà Thẻn chúng tôi gọi chiếc lồng gà được trang trí ấy là chiếc lồng hoa. Sau khi mang sang nhà gái, chiếc lồng gà sẽ được đặt lên bàn thờ để cúng tổ tiên. Nếu nhà chú rể không thể làm được chiếc lồng gà đẹp thì nhà cô dâu có thể từ hôn vì cho rằng nhà trai không trân trọng con gái họ”.

anh-2.png
Trong đó, lồng gà “kiệu hoa” là không thể thiếu ngày lễ xin dâu.

Thông thường, đằng họ nhà trai chuẩn bị 8 con gà trống thiến sang nhà gái xin dâu, nhưng nhà gái thường “lại quả” 2 con, nên nhà trai phải làm hai chiếc lồng để mang đi 6 con gà. Một chiếc lồng nhỏ không trang trí nhốt 2 con gà, một lồng to được trang trí nhốt 4 con gà.

Chiếc lồng gà được trang trí bằng vải đỏ, len màu đỏ, xanh, vàng, đồng xu, hạt nhựa. Vải đỏ được quấn quanh lồng và quanh quai xách. Sợi len các màu cuộn thành lọn nhỏ làm những chùm hoa quanh lồng gà, người Pà Thẻn đính ở 4 vị trí cách đều từng đôi chùm len, trên hai quai xách họ cũng đính 4 đôi chùm len.

Ngoài ra, họ còn đính hai đôi đồng bạc ở giữa lồng và giữa hai đôi đồng bạc ở giữa chùm len trên quai xách. Số len còn lại, họ quấn thành vòng tròn trên phần trang trí vải đỏ. Để hoàn thành việc trang trí chiếc lồng gà, người Pà Thẻn phải mất một ngày mới làm xong.

Nói về ý nghĩa nhân văn của chiếc lồng gà, bà Tải Thị Sỷ, 76 tuổi, ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, cho rằng: “Theo quan niệm của người Pà Thẻn, con gái nhà người ta là con gái quý. Do vậy, cần phải đổi lấy vật quý, nên bất kỳ nhà trai đi xin dâu cũng cần phải chú trọng trang trí chiếc lồng gà thật đẹp mắt, thật lộng lẫy. Lồng gà “kiệu hoa” được trang trí công phu, là thứ lễ vật độc đáo mang ý nghĩa nhân sinh quan sâu sắc, nhưng giản dị của người Pà Thẻn.

Theo tục lệ từ xưa đến nay trong đám cưới của người Pà Thẻn, chưa có nhà trai nào đi đón dâu mà không trang trí lồng gà. Nếu không trang trí chiếc lồng gà đổi dâu, nhà gái sẽ đánh giá là nhà trai thiếu tôn trọng gia đình họ, không coi con gái nhà họ có giá trị gì. Khi họ đã tự ái thì họ sẽ không cho đón dâu. Hoặc nếu cho đón, thì nhà trai phải chịu phạt 5 đồng bạc trắng và uống rất nhiều rượu phạt”.

Trong thời điểm nhà trai vào làm lễ xin phép đón cô dâu, hai ông thầy cúng hai họ có vai trò hết sức quan trọng. Ông thầy cúng đại diện cho nhà chú rể, đặt chiếc lồng gà được trang trí lộng lẫy trước bàn thờ nhà cô dâu, làm lễ xin đổi “kiệu hoa” này lấy con gái quý của nhà gái. Chiếc lồng gà là cái cớ để hai ông thầy cúng hai họ nhà trai và nhà gái đối đáp.

Lời đối đáp xoay quanh nội dung trao đổi về hoàn cảnh gia đình hai bên, tính cách và thói quen sinh hoạt, quan trọng hơn cả là hai bên gia đình có dịp nói về chú rể và cô dâu.

Trong lời đối đáp của hai họ vừa thể hiện tình cảm hai họ dành cho nhau, vừa có lời dặn dò, gửi gắm cô con gái quý của nhà gái với nhà trai, vừa có lời hứa sẽ thương yêu con dâu, mà nhà trai phải nói với nhà gái.

Sau hai ngày gặp gỡ, tâm sự, giãi bày và dặn dò nhau, nhà trai đã đón được cô dâu và họ tiến hành các thủ tục chia tay. Chiếc lồng gà được trang trí đẹp, sặc sỡ không chỉ có giá trị vật chất, nó đã hoàn thành sứ mệnh to lớn trong việc kết giao tình cảm đôi lứa bền chặt, tình cảm hai họ thêm gắn bó.

Ngày nay, sự thay đổi diễn ra với tốc độ nhanh chóng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng người Pà Thẻn vẫn luôn giữ được quy định về lễ vật xin dâu độc đáo, đó cũng chính là cách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ Chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

LH