Văn hóa

Như Thanh bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Thành Phan 19/10/2023 - 15:42

Huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá là vùng đất có bề dày về lịch sử cũng như văn hóa. Đây là nơi sinh sống của 4 dân tộc Kinh, Thái, Mường, Thổ. Tuy sống cộng cư, song đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong huyện vẫn còn gìn giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.

Tiêu biểu, đồng bào dân tộc Thái có lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy (thôn Rộc Răm, xã Xuân Phúc); Sết Boóc Mạy (thôn Mó 1, xã Cán Khê); người Mường thôn Bái Đa 1, xã Phượng Nghi có Lễ hội mừng cơm mới, thường diễn ra sau khi mùa màng đã xong nhằm bày tỏ lòng biết ơn với trời đất, tổ tiên, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Hiện nay, lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy - “Hát múa ăn mừng dưới cây bông” đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội không chỉ thu hút cộng đồng dân tộc Thái mà đồng bào dân tộc Mường sinh sống ở thôn Rộc Răm cũng cùng tham gia, tạo nên sự gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng. Thông qua lễ hội, đồng bào dân tộc nơi đây gửi gắm ước vọng mưa thuận gió hòa, cầu thần linh che chở để bình an, khỏe mạnh.

nt.jpg
Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy của đồng bào dân tộc Thái thôn Rộc Răm đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngoài lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy (xã Xuân Phúc), lễ hội Sết Boóc Mạy của Nhân dân thôn Mó 1, xã Cán Khê là một hoạt động tín ngưỡng dân gian đặc sắc được lưu truyền từ thời xa xưa.

Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội là dịp tái hiện lại một phần trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Thái từ thời khai thiên lập mó đến nay thông qua những làn điệu dân ca giao duyên, những âm thanh vang vọng khắp núi rừng của tiếng trống, tiếng cồng chiêng, tiếng khua luống... hòa quyện với nhau.

Đặc sắc hơn nữa là người dân tộc Thái từ thời xa xưa đã tự tạo cho mình một niềm tin hướng thiện là sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc và họ đã dày công vun đắp mà tạo nên. Lễ hội đang trong quá trình làm hồ sơ đệ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Khu di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh Phủ Na ở xã Xuân Du (Như Thanh) có Lễ hội truyền thống Phủ Na diễn ra vào tháng 8 âm lịch hàng năm. Phủ Na hay còn gọi là Na Sơn động phủ, nằm ở chân dãy núi Nưa. Phủ Na là một trong những trung tâm tín ngưỡng lớn thờ Mẫu Thượng Ngàn, Đức Thánh Tản Viên, Mẹ Âu Cơ - một trong những tục thờ thần bản địa xuất hiện từ rất sớm trong các cộng đồng dân cư ở Việt Nam.

Ngoài ra, đây còn là vùng đất linh thiêng - nơi nữ Anh hùng Triệu Thị Trinh dấy binh đánh quân xâm lược Đông Ngô (năm 248). Tại đây, bà đã dừng chân để chiêu mộ binh lính, tập kết quân lương, luyện tập nghĩa sĩ, luận bàn kế sách hành quân đánh giặc.

Bên cạnh hoạt động tế lễ, các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi trò diễn dân gian cũng được địa phương tổ chức với sự tham gia sôi nổi của đồng bào các dân tộc Kinh, Mường trên địa bàn xã Xuân Du làm nên nét đẹp văn hóa trong lễ hội.

Không chỉ gìn giữ các lễ hội truyền thống, hiện nay, bà con Như Thanh vẫn còn gìn giữ nhiều giá trị văn hóa riêng biệt và đặc sắc như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên; trang phục, tín ngưỡng thờ thổ địa; đám cưới; lễ làm vía, lễ cầu mùa; các món ăn ẩm thực... Nhiều di tích lịch sử, điểm tham quan hấp dẫn trên địa bàn các xã, thị trấn có đồng bào DTTS sinh sống như: Di tích lịch sử quốc gia Lò cao kháng chiến Hải Vân; đền Đức Ông Khe Rồng (thị trấn Bến Sung); đền thờ Bạch Y công chúa (xã Phú Nhuận); Vườn quốc gia Bến En (nằm trên địa bàn huyện Như Thanh, Như Xuân)... đã và đang được đầu tư, tôn tạo xứng tầm, thu hút du khách tham quan, vãn cảnh.

Thời gian qua, huyện Như Thanh luôn quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả các quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nhiệm vụ bảo tồn văn hóa DTTS. Đầu tư hạ tầng cho các điểm du lịch cộng đồng, khôi phục nếp nhà sàn, phong tục tập quán, đời sống dân tộc Thái và Mường; Thành lập các câu lạc bộ bảo tồn, gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện; Huy động sự tham gia của các nghệ nhân dân gian, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia tổ chức, điều hành các hoạt động văn hóa, bảo đảm tốt nhất quyền công dân trong sáng tạo, thực hành và thụ hưởng thành quả văn hóa.

Thành Phan