Đoàn kết dân tộc

Tính nhân văn và hòa hợp tôn giáo trong nghi lễ Chôl Chăm Thmây

Thúy Hạnh 19/10/2023 - 08:38

Trong đời sống xã hội của đồng bào Khmer, Chôl Chăm Thmây (hoặc Chol Chnam Thmay) là bước chuyển tiếp từ Bà La Môn giáo sang Phật giáo. Thông qua nghi lễ Chôl Chăm Thmây, Phật giáo đã khéo léo lồng ghép quan điểm dung hòa, xây dựng tính đoàn kết, tránh xung đột giữa các dân tộc và tôn giáo.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đồng bào Khmer có số dân 1.319.562 người, có mặt tại nhiều tỉnh ở Nam Bộ.

1.-13-10-23.jpg
Điệu múa truyền thống của đồng bào Khmer

Chôl Chăm Thmây mang đậm tính nhân văn

Tính nhân văn đặc sắc, được lưu truyền trong dân gian thông qua truyền thuyết Chôl Chăm Thmây, nguồn gốc từ câu chuyện “Ka Bưl Maha Ph’rum”. Nội dung được tóm lược như sau: Trước khi cậu bé 7 tuổi, tên là Thom Ma Bal (được coi là đại diện cho Phật giáo) xuất hiện với sự tài trí hơn người, thông minh cuốn hút được nhiều người. Thông tin về cậu bé Thom Ma Bal khiến Thần bốn mặt Maha Ph’rum (một trong bộ ba tam vị nhất thể của đạo Bà-La-Môn) vốn rất có uy, được tôn sùng rất ghen tị, tức giận.

Thần liền xuống hạ giới để thử tài cậu bé với câu hỏi: Buổi sáng, buổi trưa, buổi tối duyên con người ở đâu? (câu hỏi mang tính kế thừa từ đạo giáo Bà La Môn sang Phật giáo). Nếu sau một tuần mà không trả lời được thì cậu bé phải tự kết liễu đời mình. Ngược lại, nếu cậu bé đúng thì thần sẽ tự cắt đầu.

Sắp tới thời hạn cuối, nhưng cậu bé vẫn không nghĩ ra được câu trả lời. Buồn bã cậu đi vào rừng định kết liễu đời mình. Bỗng nghe hai chim thần In Thri nói chuyện và biết được câu trả lời, cậu bé mừng rỡ quay về.

Tính nhân văn được nói đến ở đây là, mặc dù thấy mình bị thua cuộc nhưng trước khi tự cắt đầu (sự chuyển giao tôn giáo, từ đạo Bà La Môn sang Phật giáo), Thần vẫn quan tâm đến mọi người, dặn dò 7 cô con gái. Thứ nhất, không được vứt đầu ta xuống đất, vì đất sẽ nứt nẻ, khô cằn. Thứ hai, không được vứt đầu ta xuống biển, vì vứt xuống biển thì biển sẽ cạn. Thứ ba, không được vứt đầu ta lên trời, vì vứt lên trời thì trời sẽ không có mưa. Thần Maha Ph’rum cũng dặn thêm, để tránh tai ương cho hậu thế, tốt nhất các ngươi hãy đem đầu ta đặt trong một tòa tháp trên đỉnh núi Prasume (ngọn núi của trung tâm vũ trụ).

Ngoài ra, Thần cũng dặn dò các con gái của mình, hằng năm xuống hạ giới để bảo vệ người dân, giúp họ được bình an với mùa màng bội thu (theo giáo lý Phật giáo là “cứu khổ”, “cứu nạn”). Từ đó, đều đặn hằng năm, một trong 7 người con của Thần Kabul Maha Prum, mang theo đầu 4 mặt của Thần Kabul Maha Prum xuống trần gian để bảo vệ người dân.

Bốn mặt của Thần Kabul Maha Prum, theo quan niệm của người Khmer là tượng trưng cho bốn hướng Đông-Tây-Nam-Bắc, đặt ở trên cao để quan sát và giúp đỡ chúng sinh. Vì thế, đến bất kỳ ngôi chùa nào của người Khmer, cũng đều thấy trên đỉnh cao của cổng, tháp, chùa đều đặt đầu tượng Thần 4 mặt để những người dân có tôn giáo đều cảm thấy yên tâm khi có Thần ở vị trí trung tâm quan sát, che trở. Hiện nay, có ngôi chùa bốn mặt của Thần Maha Ph’rum, với diện tích 65.000m2, cách thành phố Sóc Trăng khoảng 6km có lịch sử gần 500 năm.

17-10-23.png
Đón mừng tết truyền thống của đồng bào Khmer, nhiều người dân nô nức đến chùa

Từ đầu Công nguyên đến thế kỷ XI, đồng bào dân tộc Khmer chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Ấn Độ giáo, thông qua đạo Bà La Môn. Văn hóa dân tộc Khmer mang nhiều nét tín ngưỡng đặc sắc được thể hiện trong các nghi lễ dân gian.

Hầu hết các nghi lễ dân gian của đồng bào Khmer đều gắn tới thời tiết, vụ mùa sản xuất nông nghiệp, như lễ cầu an (có nghi thức cầu mưa), tiễn mùa mưa, đón mặt trời và các lễ hội chính theo lịch cổ truyền của người Khmer như: Đôn ta (lễ báo hiếu ông bà); Đua bò; Óc-om-bok (lễ cúng trăng); Đua ghe ngo; Chôl Chăm Thmây (Vào Năm Mới).

Chôl Chăm Thmây cũng là nghi lễ giao mùa, từ mùa nắng khô chuyển sang mùa mưa. Lễ hội Chôl Chăm Thmây được bắt đầu từ giữa tháng 4 Dương lịch, gồm nhiều nghi lễ truyền thống, trong đó có lễ cầu an.

Sau phần lễ, tới phần hội sẽ không thể thiếu điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Điệu múa cổ truyền thể hiện cá tính chất phác, phóng khoáng, lạc quan, sẵn sàng vượt qua khó khăn, luôn hướng tới tương lai tốt đẹp. Đó cũng là giá trị tư tưởng, ý nghĩa sâu sắc của Tết cổ truyền Chôl Chăm Thmây của đồng bào Khmer.


3.-13-10-23.jpg
Nhân dân đón mừng tết truyền thống của đồng bào Khmer

Nhằm truyền bá ảnh hưởng của mình, Phật giáo lồng ghép câu chuyện “Ka Bưl Maha Ph’rum”. Với quan điểm dung hòa, nhân đạo, bác ái, Phật giáo cho rằng nghi lễ cầu an cho mưa thuận, gió hòa là tôn trọng ý nguyện của Thần Kabul Maha Prum.

Nghi lễ cổ truyền Chôl Chăm Thmây truyền tải thông điệp, khi Phật giáo thay thế vai trò Bà La Môn, là phải đem trí tuệ cho con người. Trí tuệ đó phải được đưa vào cuộc sống để tạo ấm no, hạnh phúc cho mọi người như Bà La Môn đã làm xuyên suốt hơn 1.000 năm qua.

Sự tiếp nhận và phát triển Phật giáo của người Khmer, dựa trên nền tảng của đạo Bà La Môn đã được chắt lọc, hòa quyện và thẩm thấu trong các nghi lễ cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer. Sự mềm mại trong lễ cầu an cũng lý giải vì sao mừng Tết Chôl Chăm Thmây theo Dương lịch (14,15,16/4 hàng năm).

Phát huy tốt vai trò của đạo giáo, trong sự hòa hợp dân tộc

Chôl Chnăm Thmây không chỉ là nghi lễ giao mùa đơn thuần, mà còn là nhân tố gắn kết, ổn định và phát triển xã hội.

Sự chuyển tiếp nền tảng giáo lý của Phật giáo với thông điệp mang giá trị luân lý đạo đức, chuẩn mực đời thường như “Từ bi hỷ xả”, “cứu khổ, cứu nạn”, sự dung hòa, đoàn kết gắn bó. Quan hệ tộc người được hòa quyện chặt chẽ bởi dân tộc và tôn giáo, điển hình của sự giao thoa của ba sắc tộc Kinh, Hoa và Khmer.

Từ thế kỷ XII cho đến nay, khi đồng bào Khmer chuyển sang Phật giáo làm tôn giáo chính thống của mình, nhiều Phật tử người Kinh và người Hoa vẫn đi lễ, thắp hương ở chùa của người Khmer, tạo thành một cộng đồng các dân tộc đoàn kết, gắn bó thân thiết, để cầu mong cho mưa thuận gió hòa trong năm và cầu phúc theo ước nguyện của mình. Đồng thời, cũng là dịp, để mọi người có dịp được gặp nhau chia phúc, chúc mừng, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và bàn chuyện tương lai…

Thực tế cho thấy, vấn đề dân tộc và vấn đề tôn giáo luôn đan xen, hòa quyện. Phát huy tốt vai trò của đạo giáo trong sự hòa hợp dân tộc khi vận dụng khéo léo chính sách ứng xử đúng đắn để giải quyết hài hòa mối quan hệ dân tộc, tôn giáo sẽ góp phần củng cố mạnh mẽ ý thức đoàn kết cộng đồng cùng huyết thống và cùng đức tin tôn giáo trong tâm thức của những tín đồ tôn giáo ở Nam Bộ.

Thời gian trôi đi, thế sự xoay vần, việc kế thừa chuyển giao tôn giáo từ đạo Bà La Môn sang Phật giáo vẫn tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực phấn đấu trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chung sức, đồng lòng giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thúy Hạnh