Phát triển - Hội nhập

Cuộc sống ấm no của người Dao ở phên dậu Mường Lát

Thanh Phương 18/10/2023 - 08:58

Cuộc sống của người dân tộc ở phên dậu Mường Lát (Thanh Hóa) ngày được đổi thay nhờ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Hạ tầng cơ sở được đầu tư, ngay cả ở những bản làng xa xôi nhất cũng được tiếp cận điện sáng, sóng điện thoại, ti vi, đường bê tông tới tận ngõ...

Nửa cuối tháng 10/2023, chúng tôi có dịp tìm về bản Con Dao, xã biên giới Quang Chiểu (huyện Mường Lát, Thanh Hóa), nơi tập trung đông đảo đồng bào người Dao sinh sống. Trước đây, bản Con Dao gần như bị cô lập với bên ngoài do giao thông đi lại khó khăn.

Trong những năm qua, từ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng với việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719, cuộc sống của người dân đang đổi thay từng ngày. Nhờ đó mà các hủ tục lạc hậu dần được đẩy lùi, bà con chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tích cực tham gia vào công tác đấu tranh chống các loại tội phạm xuyên biên giới.

Bản Con Dao cách trung tâm xã Quang Chiểu chừng hơn 7 km. Trước đây các hộ dân vẫn duy trì cuộc sống theo hướng tự cung, tự cấp, kinh tế chủ yếu chỉ dựa vào cây lúa, sắn và chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún.

Theo người dân địa phương cho biết, trước đây, con đường vào bản chủ yếu là đường đất, nhỏ hẹp, mùa mưa việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Vì vậy hoạt động giao thương rất hạn chế, sản phẩm nông nghiệp của bà con làm ra cũng khó tiêu thụ. Cuộc sống từ đời này sang đời khác luôn quẩn quanh trong đói nghèo, lạc hậu.

a1nguoidao.jpg
Cuộc sống người Dao ở Mường Lát ngày một ổn định
a2nguoidao.jpg
Đường bê tông tới tận nhà

Từ năm 2021, được sự quan tâm của Nhà nước, con đường vào bản được cứng hóa, mặc dù bề rộng của đường không lớn nhưng cũng đủ cho các phương tiện giao thông lưu thông dễ dàng. Điểm trường được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, bà con trong bản đã nâng cao nhận thức nên 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Tháng 3/2023, người dân vui mừng, phấn khởi khi bản đã được đóng điện lưới quốc gia.

Từ ngày có đường, điện, người dân có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật, dần nâng cao nhận thức, tích cực học hỏi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế. Cả bản có 55 hộ, trong đó 52 hộ vay vốn phát triển chăn nuôi và sản xuất, kinh doanh, với tổng số tiền vay hơn 4 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm, không còn hộ đói.

Ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu cho biết, bản Con Dao là một trong hai bản người Dao trong xã. Những năm gần đây, cuộc sống của người dân đang dần được cải thiện, bà con tích cực chuyển đổi giống, cây trồng, vật nuôi, vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế.

a3nguoidao.jpg
Người dân được thụ hưởng nước sạch

Sự đổi thay ở bản Con Dao không chỉ dừng lại ở cơ sở vật chất mà ngay trong nhận thức của bà con về xóa đói giảm nghèo và kế hoạch hóa gia đình đều có sự tiến bộ rõ rệt. Để phát triển kinh tế bền vững, xã tuyên truyền, động viên bà con tập trung vào trồng rừng, vừa góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, vừa tạo môi trường thuận lợi cho phát triển chăn nuôi.

Bí thư huyện ủy Hà Văn Ca chia sẻ, trước đây, mảnh đất biên cương Mường Lát, nơi tận cùng xứ Thanh này bị bao trùm bởi đói nghèo, ma túy và những hủ tục lạc hậu. Nhiều cái "không" về cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh còn thấp kém, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán sản xuất còn lạc hậu làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân càng khó khăn thêm.

a4nguoidao.jpg
Đưa các loại giống mới vào sản xuất.

Bước sang nhiệm kỳ 2020 - 2025, vững tin với truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, nhất trí và những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của những nhiệm kỳ trước, toàn huyện quyết tâm thực hiện 27 chỉ tiêu chủ yếu; 3 chương trình trọng tâm.

Quy hoạch lại vùng sản xuất, để phát triển nông, lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng; phát triển một số cây trồng chủ lực gỗ lớn như lát, trẩu, thông... và các loại cây ăn quả như đào, mận, chuối; rau, củ, quả, các cây dược liệu, gắn với phát triển chăn nuôi. Huy động nguồn lực tổng hợp để thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững.

a5nguoidao.jpg
Bí thư Huyện ủy Mường Lát Hà Văn Ca (bên trái) trao đổi với PV

Đồng thời, thực hiện tốt 2 khâu đột phá là: Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, vai trò quản lý của Nhà nước trong chỉ đạo tuyên truyền làm thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp và công tác đánh giá cán bộ, công chức hàng năm; tập trung quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng; sử dụng nguồn lực đầu tư có trọng điểm các công trình hạ tầng quan trọng như giao thông, thủy lợi, cấp nước sạch và các khu tái định cư gắn với xây dựng các bản nông thôn mới.

Trong nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm tạo chuyển biến tích cực. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 25,02 triệu đồng, bằng 100,08% mục tiêu đại hội; Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 ước đạt 39,3%.

Có thể khẳng định, các chính sách, chương trình mục tiêu, dự án được đầu tư trên địa bàn huyện Mường Lát đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Từng bản làng nghèo, từng số phận đặc biệt khó khăn đang giảm dần, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào đang ngày càng cải thiện, khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền đang được nỗ lực từng bước thu hẹp...

a6nguoidao.jpg
Người dân Mường Lát an cư lạc nghiệp

Theo đó, mục tiêu chung đến năm 2030, xây dựng và phát triển huyện Mường Lát trên cơ sở phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên và mỗi người dân, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và các địa phương, đơn vị trong tỉnh; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu; phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap, có một số sản phẩm đặc sản.

Khôi phục, bảo vệ và đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm sản; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao.

Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố; quốc phòng - an ninh được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; phấn đấu đến năm 2030 thoát khỏi huyện nghèo và đến năm 2045 thì kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người đạt mức bình quân của các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Phương