a22-1-.jpg
Văn hóa

Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Brâu nơi 3 biên

Văn Hà 17/10/2023 - 14:25

Người Brâu sống tại thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) còn lưu giữ kho tàng văn hóa rất phong phú và đa dạng. Những năm qua, với sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng người Brâu nơi đây đã tích cực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của riêng của dân tộc mình, cùng chung tay xây đời sống ấm no, hạnh phúc nơi biên giới.

Đặc sắc văn hóa của người Brâu

Theo các tài liệu nghiên cứu, Brâu (còn gọi là Brao) là DTTS ít người ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung, nói ngôn ngữ Môn Khơ me, ngữ hệ Nam Á. Tổ tiên của người Brâu ở vùng Nam Lào và Đông Bắc Campuchia và một số ít ở Việt Nam.

Tại tỉnh Kon Tum, dân tộc Brâu sống tập trung chủ yếu tại xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi. Dân tộc Brâu là chủ nhân của nhiều giá trị văn hóa cổ truyền, đặc biệt là âm nhạc dân gian.

Theo đó, người Brâu không chỉ là những cư dân say mê âm nhạc, mà còn có khả năng thẩm âm và trình diễn nhiều loại nhạc cụ, đặc biệt là cồng chiêng. Khác xa với những dân tộc khác, cồng chiêng của người Brâu đặc sắc là những bộ chiêng đồng nổi tiếng với 3 loại có thang âm khác nhau là Goong, Mam và Tha.

a11-1-.jpg
Người Brâu ở thôn Đăk Mế say mê với nhạc cụ truyền thống

Ngoài việc bảo tồn, lưu truyền các giá trị của cồng chiêng, người Brâu còn bảo tồn các nhạc cụ, chế tạo và sử dụng các nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là đàn klông pút. Họ còn tích cực truyền dạy cho con cháu lưu giữ các điệu nhạc dân gian, hát ru, hát mừng lễ hội, lứa đôi nên chồng vợ.

Nghệ nhân dân gian A Mưu (thôn Đăk Mế) cho biết, đoàn nghệ nhân của người Brâu làng thường xuyên được giới thiệu và phục vụ khách du lịch từ khắp mọi miền tổ quốc. Cả thôn có 1 đội nghệ nhân cồng chiêng và 1 đội múa xoang và đang bảo quản 2 bộ cồng chiêng quý (gồm chiêng Tha và chiêng Goong).

Theo nghệ nhân A Mưu, bên cạnh âm nhạc dân gian, cộng đồng người Brâu ở thôn Đăk Mế cũng có nền ẩm thực phong phú, bao gồm đồ ăn, thức uống và đồ hút. Một số món ăn đặc trưng của người Brâu là gà nướng, cơm lam, các món ăn chế biến từ đọt mây, nguyên liệu tự nhiên đã và đang được truyền dạy, giới thiệu trong các cuộc liên hoan ẩm thực địa phương.

a22-1-.jpg
Đoàn nghệ nhân của người Brâu làng thường xuyên được giới thiệu và phục vụ khách du lịch từ khắp mọi miền Tổ quốc

“Điểm nhấn trong ẩm thực của người Brâu là sử dụng và kết hợp các loại gia vị tạo nên hương vị cay, chua, ngọt đặc trưng hấp dẫn và mang bản sắc tộc người. Rượu cần Brâu nổi tiếng thơm ngon, do những người phụ nữ chế biến với quy trình chặt chẽ và bí quyết riêng, tạo nên hương vị đặc trưng do men lá tạo thành, hiện đang được chú ý khôi phục, bảo tồn và quảng bá. Sản phẩm Rượu ghè men lá của đồng bào Brâu đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh”, nghệ nhân A Mưu khoe.

Ngoài ra, trang phục cổ truyền của phụ nữ Brâu mang nhiều đặc sắc và giá trị độc đáo. Đó là những loại váy quấn và áo ngắn tay, khoét cổ, mặc theo kiểu choàng qua đầu; của nam giới là khố, áo, tấm choàng. Trang sức của nữ giới là khuyên tai, chuỗi hạt cườm đeo ở cổ, vòng đeo tay, khuyên tai bằng xương, ngà voi hay bạc...

Bảo tồn, phát huy văn hóa

Theo già Y Pan – Người có uy tín tại thôn Đăk Mế kể rằng, vào năm 1991, làng Brâu truyền thống đã bị cháy và dân làng đã tìm nơi ở mới, định cư tại thôn Đăk Mế hiện tại. Nhà rông của dân tộc Brâu tại nơi ở mới hiện đã được nhà nước hỗ trợ phục dựng đảm bảo cuộc sống sinh hoạt cho người dân, đồng thời gìn giữ bản sắc truyền thống.

a3-2-.jpg
Nhà rông của dân tộc Brâu tại nơi ở mới hiện đã được nhà nước hỗ trợ phục dựng đảm bảo cuộc sống sinh hoạt cho người dân, đồng thời gìn giữ bản sắc truyền thống

Tổng quan cấu trúc của ngôi làng mới cũng đã ít nhiều có sự thay đổi so với ngày xưa, trong đó giữa làng vẫn là nhà Rông “mẹ” dùng để tổ chức các nghi lễ quan trọng, hai bên là 2 nhà Rông “con” dành cho các hoạt động cộng đồng, văn hóa truyền thống. Đối với nhà dân xung quanh được xây dựng theo ô bàn cờ, bao quanh trung tâm là các nhà rông tạo sự thuận lợi trong sinh hoạt, gắn kết cộng đồng.

“Trong truyền thống, người Brâu không có nghề dệt vải. Đã có một thời người dân phải dùng trang phục được may từ vỏ cây đập dập, ngâm nước. Sau này, một thời gian dài trang phục được mua từ các tộc người khác, trong đó, váy mua từ người Lào, còn áo khố từ người Xơ Đăng, Gia rai, Ba Na.

Sau này khi được Nhà nước hỗ trợ mở các lớp dạy nghề truyền thống, người Brâu chúng tôi mới biết tự tay đan, dệt những tấm thổ cẩm cho riêng mình”, già Y Pan cho biết.

Bà Võ Thị Thu Hà – Phó Chủ tịch UBND xã Bờ Y cho biết, các chính sách hỗ trợ của nhà nước đã góp phần nâng cao đời sống của cộng đồng người Brâu. Ngoài ra còn tác động tích cực với đối tượng thanh thiếu niên hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ đó tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân tham gia.

“Hiện cộng đồng dân tộc Brâu sinh sống tại thôn Đăk Mế với 174 hộ/546 khẩu (chiếm 6,4% dân số toàn xã), trong đó chỉ còn 6 hộ nghèo (chiếm 6,9% tổng số hộ nghèo toàn xã); 100% hộ dân được hỗ trợ sản xuất (cây, con giống), hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo bền vững”, bà Hà cho biết thêm.

Với đặc điểm là dân tộc thiểu số rất ít người ở Việt Nam, người B’râu được Đảng, Nhà nước quan tâm, có những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển và bảo tồn văn hóa.

Đặc biệt là với Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số rất ít người Brâu tỉnh Kon Tum đến năm 2025, giai đoạn 1 từ năm 2018-2020 đã hỗ trợ đầu tư sửa chữa, xây dựng nhà Rông, phục hồi, tổ chức nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng người Brâu trên địa bàn tỉnh.

Văn Hà