Sử thi Ê Đê - Di sản văn hóa của Tây Nguyên
Sử thi và câu chuyện truyền thống qua tiếng khan, tiếng kư ứt (đàn dọc) và tiếng chiêng là một phần quan trọng của lịch sử, truyền thống và tâm hồn của người Ê Đê, giúp họ duy trì và bảo tồn văn hóa của mình. Người Ê Đê có câu: “Thiếu tiếng chiêng, tiếng kư ứt, tiếng khan… như cuộc sống thiếu cơm, thiếu muối …”
Lịch sử đã lùi xa nhưng các di sản của văn hóa Tây Nguyên vẫn còn đó. Khi không gian văn hóa Tây Nguyên vang ngân tiếng đàn đá, khi các dàn cồng chiêng hòa nhịp với âm hưởng của núi rừng, rượu cần trong các ché cổ đã thấm, đã ngấm say lòng người, cũng là lúc các thế hệ nghệ nhân thay nhau diễn xướng trong không gian truyền thống đậm chất sử thi.
Theo các tài liệu nghiên cứu, lượng sử thi Tây Nguyên khá phong phú, riêng dân tộc Ê Đê đã có gần 80 sử thi, nổi bật là các sử thi như Đam San, Đăm Di, Khinh Dú, Đăm Đơ Roăn, Y Prao, Mhiêng, Đăm Di đi săn, Đăm Tiông, Đăm Trao – Đăm Rao… Người Ê Đê gọi sử thi là "klei khan”. Klei nghĩa là lời, bài; khan nghĩa là hát kể. Hát kể klei khan không phải là hát kể thông thường mà bao gồm ý nghĩa ngợi ca. Thực chất đây là một hình thức kể chuyện tổng hợp được thông qua hát kể. Hát kể sử thi là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đã có từ lâu đời của cộng đồng người Ê Đê, được tồn tại bằng hình thức truyền miệng từ đời này qua đời khác.
Mỗi tác phẩm sử thi Ê Đê là một câu chuyện dài. Trong câu chuyện sử thi có mối quan hệ liền mạch giữa thế giới con cháu đang sống và cha ông đã mất, giữa quá khứ với hiện tại, giữa thế giới hữu hình và vô hình. Đồng thời, phản ánh xã hội cổ đại của người Ê Đê, cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng bình đẳng, giàu có; phản ánh quyền lực gia đình mẫu hệ, đề cao vai trò của người phụ nữ trong quản lý và bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Sự hình thành và thực hành sử thi trải qua một quá trình lâu dài, mà trong đó công đầu tiên và lớn nhất phải kể đến hoạt động sáng tạo của các nghệ nhân hát sử thi. Họ là người am hiểu sâu sắc về cộng đồng, văn hóa của dân tộc mình và có trí nhớ tuyệt vời để hát kể những câu chuyện sử thi kéo dài nhiều đêm. Trong quá trình hát kể sử thi, họ đã vận dụng và sáng tạo nên những câu chuyện về người anh hùng, về văn hóa, đời sống xã hội của cộng đồng, dân tộc.
Người Ê Đê gọi nghệ nhân hát kể sử thi là “pô khan”. Họ là những nghệ nhân có giọng hát vang, khỏe, biết nhiều làn điệu của thể loại hát nói (lời nói vần - klei duê), để vận dụng cho phù hợp với các hoàn cảnh, các nhân vật trong tác phẩm, biết cách “diễn” bằng động tác, bằng nét mặt như diễn viên trên sân khấu.
Là một trong những nghệ nhân hát kể sử thi hiếm hoi của người Ê đê ở Đắk Lắk, nghệ nhân ưu tú Y Wang HWing ở buôn Triă, xã Ea Tul (huyện Cư Mgar) chia sẻ, đối với đồng bào Ê Đê, hát kể sử thi là sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, được truyền miệng từ đời trước đến đời sau. Ngày xưa, hầu như buôn làng nào cũng có nghệ nhân kể khan, nhiều buôn có đến 2 - 3 người.
“Trước đây, với bà con đồng bào dân tộc Ê Đê, thiếu cồng chiêng, vắng những đêm kể sử thi chẳng khác nào cuộc sống thiếu cơm, thiếu muối. Nhưng nay, không gian diễn xướng sử thi Tây Nguyên bị thu hẹp, thậm chí mất đi, số lượng nghệ nhân biết kể sử thi dần về với tổ tiên”, Nghệ nhân Y Wang HWing nói.
Một buổi hát kể sử thi cũng còn phải kể đến người thưởng thức, bối cảnh diễn xướng trong không gian gắn liền với văn hóa của cộng đồng như trong nhà rông, trên nhà rẫy. Mỗi một nghệ nhân hát kể lại thêm thắt, sáng tạo và tái tạo theo tư duy và khả năng riêng của mình tạo nên một dị bản sử thi, dựa vào những mẫu hình ngôn từ và chủ đề truyền thống chính của cốt truyện sử thi.
“Vào những đêm lạnh, bên bếp lửa bập bùng, ché rượu cần và bà con trong buôn quây quần, nghệ nhân sẽ kể khan theo nhu cầu của người nghe. Khi nghe khan, người nghe có thể tự do ngắt lời người hát kể để nhờ giải thích những chỗ khó hiểu”, nghệ nhân Y Wang nói.
Điểm chung của những nghệ nhân kể khan là những người có khả năng hát - kể, có trí nhớ và khi được nghe nhiều, sử thi đã “ngấm” vào mình, họ bắt đầu tham gia hát kể cho mình, cho cộng đồng. Và cứ như vậy, sử thi đã được hình thành, được diễn xướng, được lưu truyền từ đời này sang đời khác bằng những lời hát kể của các nghệ nhân, những “báu vật sống” giữ gìn lịch sử, văn hóa của cộng đồng.
Ngày nay, trước sự tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, sử thi Tây Nguyên nói chung, sử thi của dân tộc Ê Đê nói riêng đang đối mặt với nguy cơ bị thất truyền. Trước thực tế này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để bảo tồn, phát huy giá trị của sử thi Ê đê.
Ông Y Kô Niê, Phó Trưởng đoàn ca múa dân tộc thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk hy vọng, thông qua những chương trình, dự án chính sách dân tộc của Nhà nước; các Chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang tiếp tục được triển khai, với những mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung hỗ trợ đầu tư cụ thể, toàn diện cho công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS; với chính sách hỗ trợ động viên kịp thời những nghệ nhân dân gian... sẽ tạo ra nhiều cơ hội để các địa phương giữ gìn, lan tỏa được bản sắc văn hóa truyền thống.