Đời sống xã hội

Say sưa với văn hoá dân tộc

Huyền Linh 17/10/2023 - 08:26

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 13 nghệ nhân, trong đó có 2 người được công nhận là Nghệ nhân nhân dân, 11 người được công nhận Nghệ nhân Ưu tú. Ngoài ra, có rất nhiều cá nhân tâm huyết với văn hoá dân tộc đang tích cực sưu tầm và truyền thụ nét đẹp, bản sắc văn hoá dân tộc trong cộng đồng.

anh-2.-10-10-23-say-sua-voi-van-hoa-dan-toc.jpg
Ông Bàn Xuân Đông, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hoá (Tuyên Quang) hướng dẫn các thành viên trong Câu lạc bộ Bảo tồn văn hoá dân tộc Dao tiền hát Páo dung

Ông Trần Quang Tiến, dân tộc Cao Lan, thôn Đoàn Kết 3, xã Thành Long, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã gần 20 năm nay say sưa truyền dạy cho con cháu những điệu hát, múa của dân tộc Cao Lan. Ngoài ra, ông còn dạy con, cháu chữ viết, tiếng nói của dân tộc mình. Đặc biệt, ông đã thành lập Đội văn nghệ gia đình với 7 thành viên gồm các con, cháu do ông là Đội trưởng.

Đội văn nghệ thường xuyên tập luyện, biểu diễn trong xã, huyện; tham gia các hội thi, liên hoan, hội diễn cấp tỉnh, toàn quốc và đạt nhiều giải cao.

Ông Trần Quang Tiến chia sẻ: Người Cao Lan không thể thiếu điệu hát Sình ca hay các điệu múa như xúc tép, múa bồ câu… vào những dịp lễ, Tết. Đó là bản sắc văn hoá dân tộc cần được giữ gìn và phát huy. Vì vậy, phải truyền dạy lại cho con cháu mình, để các cháu có ý thức, cùng nhau gìn giữ.

Nhiều năm qua, các nghệ nhân, những cá nhân tâm huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã say mê nghiên cứu, sưu tầm và trao truyền bản sắc văn hoá dân tộc trong cộng đồng. Với nhiều cách làm khác nhau, mỗi người đã và đang đóng góp tích cực vào việc phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, để những bản sắc ấy không bị mai một theo thời gian.

Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Đức, phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) là một trong những “kho báu” sống về Then Tày. Không chỉ sưu tầm Then cổ, viết sách, ông còn sáng tác những bài Then mới ca ngợi quê hương đổi mới, tình cảm giữa con người với con người, những đổi thay trong cuộc sống… Đặc biệt, ông dành nhiều thời gian tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn đánh đàn Tính, hát Then cho các câu lạc bộ ở các địa phương trong tỉnh, nhất là cho các em học sinh trong trường học.

Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Đức chia sẻ: Việc truyền dạy hát Then, đánh đàn Tính trong trường học có vai trò rất quan trọng. Vì qua đó giúp các em học sinh biết trân trọng và giữ gìn văn hoá dân tộc, đặc biệt là tích cực lan toả văn hoá đó trong cuộc sống. Nhiều cá nhân tâm huyết với văn hoá dân tộc đã trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào văn hoá, văn nghệ ở địa phương. Từ đó, có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trên địa bàn.

anh-1-10-10-23-nghe-nhan-say-sua-voi-van-hoa-dan-toc.jpg
Nghệ nhân dân gian Hoàng Lục Thái, dân tộc Sán Dìu, xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) truyền dạy hát Soọng cô cho các cháu

Nghệ nhân dân gian Hoàng Lục Thái, dân tộc Sán Dìu, xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương cho biết: Từ nhỏ ông đã say mê với điệu hát Soọng cô của dân tộc mình. Vì vậy, ông đã tìm hiểu và được các ông, các bà truyền dạy cho điệu hát Soọng cô. Bên cạnh đó còn được học chữ viết, tiếng nói dân tộc.

Giờ đây, để lớp trẻ hiểu hơn về những nét đẹp đó của dân tộc mình, ông Thái đã tự mở lớp dạy cho các con, các cháu, kể cả các cháu ở những địa phương khác đến học ông cũng nhiệt tình giúp đỡ. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia phong trào văn hoá, văn nghệ ở địa phương, thường đi giao lưu, biểu diễn tại các liên hoan, hội diễn và đạt nhiều giải cao.

Bằng những cách làm phong phú, đa dạng, phù hợp với thực tiễn ở địa phương, các nghệ nhân, các cá nhân tâm huyết trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vẫn đang tích cực sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy nét đẹp, bản sắc văn hoá dân tộc trong cộng đồng.

Huyền Linh