Văn hóa

Đầm ấm lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer

H. Thanh 15/10/2023 - 09:09

Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer, cộng thêm tính cần cù, chịu khó, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của đồng bào, giờ diện mạo của mỗi phum, sóc Khmer ngày càng tươi sáng. Những ngày này, bà con Khmer ở khắp nơi đều đổ về các ngôi chùa để dự một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của dân tộc mình. Đó là Lễ Sene Đolta.

Lễ Sene Dolta của người Khmer có ý nghĩa như lễ Vu Lan báo hiếu của người Việt, khi con cháu về chăm sóc mộ phần ông bà, tổ tiên để thể hiện lòng hiếu thảo. Năm nay, lễ diễn ra từ ngày 29/8 đến mùng 1/9 âm lịch (nhằm ngày 13 - 15/10 dương lịch), nhưng từ đầu tháng 10 người Khmer đã bắt đầu đến chùa phụ việc công quả hay dâng cơm cúng ông bà.

Trong 3 ngày lễ Sen Dolta, ngoài cúng ở nhà, mọi nghi thức quan trọng đều diễn ra tại chùa. Dưới mái chùa chung của cả phum, sóc, mọi người đều hướng lòng thành kính về Đức Phật, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên và đặt hy vọng vào những điều tốt đẹp.

Trên bàn thờ mỗi gia đình đồng bào Khmer thường bày nhiều món ăn để dâng cúng ông bà, tổ tiên. Tùy theo điều kiện kinh tế, mỗi gia đình sẽ có cách chuẩn bị khác nhau nhưng lễ vật thường là những món ăn bình dị, gần gũi mang đặc trưng của người Khmer.

1444733458-le-sene-dolta2.jpg
Chuẩn bị những món ăn cho ngày lễ

Chị Thị Vet, ngụ ấp Con Trăn, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết vào lễ Sen Dolta, lễ phẩm mà gia đình chị chuẩn bị thường là những món ăn mà người quá cố khi còn sống thích, các loại bánh, trái cây, trà nước.

“Năm nay gia đình tôi tranh thủ cúng ông bà tại nhà xong, sau đó qua chùa Kà Ốt để lễ Phật cầu nguyện cho ông siêu thoát để phù hộ cho mình mạnh giỏi làm ăn", chị Thị Vet cho biết.

Mặc dù, lễ Sen Dolta năm nay không diễn ra tưng bừng, náo nhiệt như Tết mừng năm mới Chôl Chnăm Thmây nhưng mang đậm những sắc thái tín ngưỡng đặc trưng văn hóa của người Khmer, thể hiện truyền thống “Cây có cội, nước có nguồn” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Trong 3 ngày lễ Sen Dolta, ngoài cúng ở nhà, mọi nghi thức quan trọng đều diễn ra tại chùa. Dưới mái chùa chung của cả phum, sóc, mọi người đều hướng lòng thành kính về Đức Phật, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên và đặt hy vọng vào những điều tốt đẹp.

le-sene-dolta-truyen-thong-hieu-nghia-cua-dong-bao-khmer-20231014094553.jpg
Lễ Sen Dolta của đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh

Với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, địa phương, đồng bào Khmer đời sống tinh thần, vật chất tiếp tục có bước khởi sắc. Hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh, hộ nghèo giảm mạnh, hộ khá giàu tăng lên từng năm.

Những ngày này đồng bào Khmer có thêm nhiều niềm vui khi được các đoàn công tác của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội, các lực lượng đến thăm, tặng quà và cùng đồng bào tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa.

Những ngày qua, nhiều hộ đồng bào Khmer xã Viên Bình, huyện Trần Đề, Sóc Trăng vui mừng khi được Nhà nước quan tâm hỗ trợ và bàn giao nhà ở cho hộ nghèo. Là một trong những hộ dân được hỗ trợ nhà ở từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719, ông Thạch Sương ở ấp Trà Ông (xã Viên Bình, huyện Trần Đề) vui mừng nói: “Khi được chính quyền xét hỗ trợ nhà ở cho gia đình với số tiền 44 triệu đồng và được tạo điều kiện cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng, các con góp thêm chút ít để cất được căn nhà khang trang.

Mùa Sene Dolta năm nay, gia đình tôi có ngôi nhà “3 cứng” không còn lo lắng khi tới mùa mưa phải lấy xô, chậu hứng nước trong nhà do mái bị dột nhiều nơi. Có nhà mới rồi, giờ đây, vợ chồng tôi chăm chỉ làm ăn để chăm lo cho cuộc sống”.

dscn5096.jpg
Hỗ trợ xây nhà cho những hộ gia đình nghèo

Chia sẻ về niềm vui khi có nhà mới, chị Thạch Thị Nga ở ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp (huyện Châu Thành, Sóc Trăng) không khỏi xúc động. Chị nói: “Gia đình không có ruộng đất, sinh sống chủ yếu bằng nghề buôn bán nhỏ, thu nhập bấp bênh. Bao năm qua sống trong căn nhà dột nát mà không có tiền sửa nhà. Khi được tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà mới, tôi mượn thêm tiền từ người quen và tích cóp được thêm được 40 triệu đồng để cất được căn nhà kiên cố, khang trang. Lễ Sene Dolta năm nay, gia đình vui hơn vì có nhà mới để chuẩn bị các đồ lễ mang lên chùa thể hiện lòng thành kính với ông bà, tổ tiên!”

Thực hiện chính sách chăm lo đời sống tinh thần cho người dân Khmer và để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào phật tử, từ những ngày đầu tháng 9 cho đến ngày diễn ra lễ Sen Dolta, các cơ quan, đoàn thể đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm, tặng quà cho các điểm chùa, gia đình chính sách, cán bộ hưu trí... tại các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.

Đại đức Tiên Cương, trụ trì chùa Trà Phọt, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang chia sẻ: “Được sự quan tâm của các cấp chính quyền nên các phật tử ai cũng có việc làm, con cháu đi học được hỗ trợ hơn 1 triệu đồng/1 tháng từ các chương trình khuyến học. Còn nhà chùa được quan tâm trùng tu, và được thụ hưởng các chính sách từ cụ thể hoá theo Chỉ thị 19- CT/TW của Ban Bí thư. Sư sãi và phật tử luôn tin tưởng vào chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, cùng đoàn kết xây dựng cuộc sống mới.

Dịp lễ Sen Dolta, được các cấp chính quyền quan tâm thăm hỏi, tặng quà sư sãi và phật tử phấn khởi lắm, góp thêm sự ấm áp, nghĩa tình cho một mùa báo hiếu của đồng bào Khmer”.

z4777690197215-babd8732cf0d790e3aa2477a9190948e-2622.jpg
Trao quà cho gia đình chính sách và người có uy tín là đồng bào Khmer

Phấn khởi đón lễ Sene Dolta năm 2023, Anh Dương Minh Na, ngụ ấp Núi Trầu, xã Hòa Điền, Kiên Giang chia sẻ: Được hưởng các chính sách, hỗ trợ của Nhà nước cùng với nỗ lực vươn lên, đến nay đời sống của gia đình anh thay đổi rõ rệt. Khởi nghiệp từ 20 công đất ruộng. Trước đây làm lúa khó khăn, năng suất thấp, cuộc sống gia đình anh thiếu trước hụt sau.

Được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền xã, năm 2022, anh Na được vay 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò thịt. Nhờ anh cần mẫn chăm sóc nên đàn bò phát triển, sinh trưởng tốt.

Đến nay, đàn bò của gia đình anh có 4 con. Mỗi năm bò mẹ đẻ 1 lần được 2 con, anh Na bán giá 10 triệu đồng/con. Anh làm lúa 2 vụ/năm. Từ làm lúa và nuôi bò, gia đình anh có lợi nhuận hơn 200 triệu đồng mỗi năm, kinh tế gia đình ổn định.

Anh Na chia sẻ: “Được xét cho vay vốn nên tôi luôn cố gắng làm ăn. Vừa làm vừa dành dụm, tiết kiệm nên đến nay gia đình có thu nhập khá hơn. Tôi luôn biết ơn Đảng và Nhà nước cũng như chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình”.

Hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục có bước phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của bà con được quan tâm chăm lo, các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục được giữ vững ổn định.

Với sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, bà con Khmer ở các phum, sóc các tỉnh Nam bộ đang có một lễ hội rộn ràng niềm vui. Mong rằng, đó sẽ là nguồn động lực để đồng bào Khmer tiếp tục gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

H. Thanh