Tiêu điểm

Phụ nữ dân tộc thiểu số lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

Hải Thanh 15/10/2023 07:59

Phát huy những giá trị tài nguyên bản địa, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đã khởi nghiệp với niềm đam mê, nhiệt huyết, khát khao, tinh thần đổi mới sáng tạo. Nhiều dự án khởi nghiệp của các chị đã được vinh danh tại vòng chung kết cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2023.

Ngày 14/10 tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Lễ trao giải thưởng Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự buổi Lễ.

bbbthu-tuong-1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ trao giải

Đây là hoạt động thường niên nhằm khuyến khích phụ nữ ở mọi tầng lớp, lứa tuổi tích cực tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; các tổ hợp tác/hợp tác xã, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Khẳng định những đóng góp to lớn của phụ nữ thông qua hoạt động khởi nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao chủ đề của cuộc thi năm nay. Theo Thủ tướng, cuộc thi không chỉ thúc đẩy khởi nghiệp, mà còn bảo tồn văn hoá truyền thống, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ làm gia tăng giá trị tài nguyên bản địa, giảm thiểu tác động môi trường, mang lại cơ hội việc làm cho cộng đồng địa phương.

Thủ tướng cho biết, ông ấn tượng trước những ý tưởng táo bạo, đổi mới của các đề án khởi nghiệp của phụ nữ, đặc biệt là sự tâm huyết, trăn trở của các chị em đối với việc khôi phục các nghề truyền thống đang mai một; phát huy tài nguyên du lịch của quê hương.

giai-nhat.jpg
Chị Vương Thị Thương (thứ hai, từ phải sang) nhận giải Nhất

"Tôi đặc biệt trân trọng nỗ lực vượt bậc của những phụ nữ miền núi, dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, những phụ nữ xuất phát từ hoàn cảnh rất khó khăn, éo le… nhưng với ý chí, nghị lực phi thường đã vươn lên, vượt qua chính mình, chứng minh một tinh thần khởi nghiệp mãnh liệt và khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Thật ngưỡng mộ, xúc động và tự hào về các chị!", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.

img_7336.jpg.jpg
Trao giải Khuyến khích cho các tác giả phụ nữ khởi nghiệp

Trong số 33 dự án, có 7 dự án của phụ nữ dân tộc thiểu số (chiếm 21,2%). Các dự án khởi nghiệp đều thể hiện sự đam mê, nhiệt huyết, tinh thần đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt các dự án khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của phụ nữ dân tộc thiểu số,... đã và đang góp phần vào tăng trưởng, phát triển kinh tế của địa phương và đất nước.

Trong đó dự án “Phát triển chuỗi giá trị hồng Vành Khuyên treo gió hữu cơ nhằm tạo việc làm và sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc Tày, Nùng vùng biên giới Xứ Lạng” của chị Vương Thị Thương, Giám đốc Hợp tác xã Nông Sản Toàn Thương, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng đạt giải Nhất.

img_7311.jpg.jpg
Trong số 33 dự án khởi nghiệp tham dự vòng chung kết toàn quốc có 07 dự án của phụ nữ dân tộc thiểu số

Dự án Liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gạo bao thai VIETGAP trên địa bàn xã Kim Phượng, Quy Kỳ, Linh Thông, Lam Vĩ, Tân Thịnh, Phúc Chu huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, tác giả Hoàng Thị Tân (tỉnh Thái Nguyên) đạt giải Nhì.

Các dự án đạt giải khuyến khích:

Dự án “Xây dựng chuỗi giá trị hoa hồi, dược liệu dưới tán rừng hồi từ tài nguyên bản địa gắn với sịnh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Tân Văn huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn” của chị Hoàng Bích Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phụ nữ thôn Nà Pái, xã Tân Văn, huyện Bình.

Dự án "Lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc qua sản phẩm bánh khẩu xén, Chí chọp", chị Lò Chúc Chi (tỉnh Điện Biên).

Chị Khà Thị Hạnh đến từ Lai Châu với dự án “Khởi nghiệp mô hình kinh doanh online đa kênh trên các nền tảng mạng xã hội giúp bà con vùng Tây Bắc tiêu thụ nông sản, đặc sản và dược liệu”.

Chị H’Uyên Niê đến từ Gia Lai với dự án “Làng Văn hóa du lịch Jrai”.

Chị Hà Thị Thơm đến từ Hoà Bình với dự án “Bảo tồn và nhân giống cây thuốc bản địa kết hợp phát triển du lịch cộng đồng”.

Với những kết quả đạt được của các chị là minh chứng cho sự tự tin, dám nghĩ, dám làm, mang khát vọng khởi nghiệp của mình vươn cao, vươn xa hơn.

Hải Thanh