Phát triển - Hội nhập

Yên Bái quan tâm phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Mạnh Cường 15/10/2023 - 07:23

Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Yên Bái, tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,1%, số thôn có nhà văn hóa đạt 96,8%; đã có 13 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn...

302089_img_8894.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy gặp gỡ, trao đổi với đồng bào người Tày thôn Thủy Văn, xã Phan Thanh, huyện Lục Yên về thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Từ năm 2010 trở về trước, cuộc sống của đồng bào Dao ở thôn Khe Đát, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm trên 50%, cơ sở vật chất "điện, đường, trường, trạm" nhiều thiếu thốn. Đồng bào còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, các hủ tục lạc hậu chưa được đẩy lùi, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng vẫn diễn ra; đói nghèo, ốm đau, bệnh tật cứ luẩn quẩn.

Từ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, nay thôn Khe Đát đã khoác lên mình diện mạo mới. Các chương trình, dự án như: chương trình xoá đói giảm nghèo, chương trình xoá nhà dột nát cho hộ nghèo và đặc biệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã giúp người dân không chỉ được hưởng lợi mà còn làm thay đổi tư duy nhận thức, cách nghĩ, cách làm.

Ông Đặng Hồng Quân - người có uy tín tại thôn Khe Đát, cho biết: Lúc đầu triển khai các chương trình gặp vô vàn khó khăn vì dân không hiểu, cán bộ, đảng viên còn lúng túng. Tuy nhiên, sau khi được tập huấn, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện từng hạng mục, dần dần người dân đã hiểu ra và đồng tình ủng hộ, đóng góp ngày công lao động, hiến đất, hiến kế, góp tiền mở đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới….

"Từ một làng quê nghèo, đến nay, Tân Đồng đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhân dân đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Số hộ nghèo, cận nghèo giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Bà con người Dao Tân Đồng cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số để được cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay”, ông Đặng Hồng Quân phấn khởi nói.

Không chỉ người Dao thôn Khe Đát, xã Tân Đồng mà đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái đều nhận được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án.

Tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã xác định trọng tâm là thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực, ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Đến nay, tỷ lệ giảm nghèo bình quân của huyện đạt trên 8,44%/năm; tổng số hộ nghèo còn 6.344 hộ, chiếm 48,28%; số hộ cận nghèo là 1.452 hộ, chiếm 11,05%.

"Điều rất đáng mừng là nhờ những nghị quyết và chính sách rất kịp thời của tỉnh, người dân Mù Cang Chải đã từng bước hình thành tư duy kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, biết phát triển nông nghiệp gắn với du lịch và giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc; chỉ số hạnh phúc của người dân năm 2022 đạt 51,3%, tăng 12,1% so với đầu nhiệm kỳ”, Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên chia sẻ.

302110_anh_tt.jpg
Đồng bào Mông ở xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu đã phát triển diện tích trồng cây khoai sọ theo hướng hàng hóa, xây dựng sản phẩm OCOP khoai sọ Trạm Tấu

Giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Yên Bái đã được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ triển khai thực hiện cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia với tổng vốn đầu tư phát triển trung ương hỗ trợ trên 2.552 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% vốn đầu tư toàn tỉnh.

Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Yên Bái được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trên 1.384 tỷ đồng, chiếm 54% tổng vốn đầu tư ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.

Việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò chủ thể của người dân. Đến nay, Yên Bái đã thực hiện 218 công trình, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giao thông, thủy lợi, giáo dục, văn hóa; đã thực hiện và giải ngân gần 400 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch; nguồn vốn sự nghiệp thực hiện đạt 31 tỷ đồng, bằng 10% kế hoạch, tập trung thực hiện hỗ trợ nước phân tán, mua sắm nông cụ máy móc, phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch...

Hết năm 2022, toàn tỉnh còn 28.433 hộ nghèo, chiếm 12,92%. Toàn tỉnh có 13 xã khu vực III và 7 xã khu vực II được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của cả tỉnh lên 99 xã.

Ông Trần Xuân Thủy - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cung cấp một số con số thống kê để cho thấy hiệu quả đầu tư của các chương trình trên địa bàn Yên Bái: Tính riêng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,1%, số thôn có nhà văn hóa đạt 96,8%; 13 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 95,5%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 97,6%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được nghe đài phát thanh đạt 99,4%.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Yên Bái đặt mục tiêu đến 2025 phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo trong các dân tộc thiểu số, tỷ lệ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm bằng 1,5 lần so với mức giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh.

Yên Bái cũng phấn đấu đến hết năm 2025 có 35/59 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới; 100% đường đến trung tâm các xã ô tô đi lại được 4 mùa và cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối từ trung tâm xã tới các thôn.…

Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng mục tiêu của Chương trình đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư, nhất là người dân tộc thiểu số nhằm chuyển biến nhận thức trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là hộ dân tộc thiểu số nghèo.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nắm bắt tình hình tiến độ triển khai để kịp thời cùng với địa phương chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình. Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún, các dự án sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả nhằm đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân của Chương trình.

Đồng thời, chỉ đạo thực hiện tốt việc triển khai chương trình cho vay các đối tượng chính sách, đặc biệt là các chính sách vay vốn cho hộ dân tộc thiểu số là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… nhằm góp phần hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin từ việc tổ chức triển khai thực hiện đến việc kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành.

Cùng với việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Yên Bái cũng cần quan tâm thực hiện tốt các đề án, chính sách của Trung ương, của tỉnh đã ban hành, nhất là các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc.

Mạnh Cường