Kinh tế

Tinh hoa gốm sứ Bình Dương

Lập - Hạnh 13/10/2023 - 21:20

Nhờ chú trọng đầu tư ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nên sản phẩm gốm sứ Bình Dương đang ngày càng khẳng định chất lượng cùng thương hiệu của mình trên thị trường, đưa gốm sứ của dân tộc Việt lên một tầm cao mới.

Phát triển các làng nghề truyền thống

Tỉnh Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo kết quả Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở ngày 1/4/2019, trên địa bàn Bình Dương có khoảng 15 dân tộc, nhưng đông nhất là người Kinh và sau đó là người Hoa, người Khmer và 13 tôn giáo khác nhau.

Phát huy tinh hoa ngàn năm của dân tộc, song hành cùng các làng nghề gốm sứ có truyền thống lâu đời như Bát Tràng, Tràng An, Biên Hoà,… gốm sứ Bình Dương được bình chọn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nổi tiếng trong và ngoài nước.

2.12-10-23-san-pham-hoang-lien.jpg
Chiếc cúp APEC 2006 do công ty TNHH gốm sứ Minh Long chế tác vinh dự làm quà tặng chính thức của Nhà nước dành cho lãnh đạo 21 nền kinh tế tham gia Hội nghị cấp cao APEC 2006 tại Hà Nội

Xuất thân của làng gốm sứ Bình Dương từ người Việt gốc Hoa, với đặc điểm nổi trội chuyên về dòng gốm sứ cao cấp.

Hiện nay, gốm sứ Bình Dương đang triển khai ứng dụng công nghệ vẽ màu trên nhiệt độ 1.250ºC. Đây được coi là thành công duy nhất trên thế giới khi nhiều nhà sản xuất gốm sứ nổi tiếng trên thế giới thường chỉ vẽ màu ở nhiệt độ 850ºC.

Công nghệ nung ở nhiệt độ cao, công nghệ vẽ màu trên sứ, ứng dụng công nghệ nano… đã đem đến cho sản phẩm gốm sứ Bình Dương vẻ đẹp chân thật, tự nhiên. Khi áp dụng công nghệ trên gốm, những đường nét vẽ tay của nghệ nhân sẽ giữ nguyên vẹn trên gốm, sự dịch chuyển của màu sắc tạo cho sản phẩm có độ bóng, những hình ảnh chìm trong lớp men tạo ra chiều sâu của không gian 3 chiều trông rất sống động.

Qua đôi tay khéo léo của người thợ, sự sáng tạo tinh tế đã trở thành loại hình nghệ thuật mang tính dân gian đặc sắc, nhất là khi sử dụng ứng dụng công nghệ, khoa học vào sản xuất. Đôi mắt người thiếu nữ long lanh như biết nói, những cánh hoa tươi, những chú ếch đầy màu sắc như chuẩn bị nhảy ra khỏi chiếc bình... Đây chính là một trong những công nghệ rất khó thực hiện.

Bởi vì, khi vẽ ở nhiệt độ cao, men sẽ bị nóng chảy, cấu trúc màu sắc sẽ bị thay đổi, đường nét trên gốm sứ bị dịch chuyển, khiến cho tác phẩm không thể đạt được đỉnh cao nghệ thuật như mong muốn. Chính vì vậy, tất cả các sản phẩm gốm sứ được sản xuất bởi “thương hiệu” Bình Dương đều được đánh giá rất cao về độ bóng, độ bền cũng như sự đa dạng trong mẫu mã và tinh tế trong thiết kế.

1.12-10-23-om-su.png
Showroom của công ty gốm sứ Phước Dũ Long với diện tích hơn 1.100m2 dùng để trưng bày hơn 6.000 sản phẩm gốm, luôn là điểm đến thu hút khách

Vẻ đẹp của gốm sứ truyền thống Bình Dương còn đảm bảo tiêu chí 4 không: không thời gian, không biên giới, không giới tính, không tuổi tác; và 4 có: có văn hóa, có nghệ thuật, có phong cách và có hồn. Ý thức rất rõ về lòng tự tôn dân tộc nên những người làm nghề luôn dành tâm sức để khắc họa tinh tế trên gốm sứ.

Bên cạnh những nét đẹp văn hóa, hình ảnh quê hương mang đậm bản sắc truyền thống Việt Nam, là hình ảnh các nền văn hóa trên thế giới.

Điều đó giúp cho những sản phẩm luôn giữ được nét đặc trưng truyền thống, nhưng vẫn có phong cách hiện đại trong hội nhập toàn cầu.

Mới đây, để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nghề gốm ở Bình Dương cả vật thể và phi vật thể, nghề gốm ở Bình Dương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 598/Q-BVHTTDL, ngày 3-2-2021 của Bộ VH-TT&DL.

Thay đổi để thích ứng

Trong bối cảnh đại dịch COVID- 19 diễn biến phức tạp vừa qua, đã làm thay đổi đến mọi mặt của đời sống xã hội ở khắp nơi trên thế giới, nhất là đối với kinh tế và thương mại quốc tế. Gốm sứ Bình Dương từ khi hình thành và phát triển cũng có lúc thăng trầm, nhưng vẫn liên tục phát triển, thành công và có nhiều đóng góp quan trọng cho kinh tế, xã hội của địa phương.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, riêng trong tháng 9 năm 2023, tỉnh đã thu hút gần 1,3 tỷ USD vốn FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Để đạt được thành công như ngày hôm nay, ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc công ty gốm sứ Cường Phát, một trong những công ty gốm sứ ở Bình Dương chia sẻ: “Lúc nào cũng phải cải tiến liên tục, nhờ như vậy thì mình mới tồn tại được. Nhất là thời đại bây giờ mình không cải tiến, mà cứ dựa vào tay nghề công nhân thì mình sẽ không chịu nổi”.

Các sản phẩm gốm sứ với những họa tiết điêu luyện, sắc sảo đậm chất văn hóa Việt đã mang lại những giá trị văn hóa, cũng như giá trị kinh tế cao cho tỉnh Bình Dương.

3.12-10-23.jpg
Bộ sản phẩm Hoàng Liên của công ty TNHH gốm sứ Minh Long vinh dự được lựa chọn phục vụ tại tiệc chiêu đãi cấp Nhà nước trong sự kiện trọng đại APEC VIỆT NAM 2017

Gốm sứ không chỉ đẩy mạnh phát triển kinh tế cho tỉnh Bình Dương mà còn góp phần khẳng định được vị thế và lưu giữ được tinh hoa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Với sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng, gốm sứ Bình Dương đã và đang từng ngày phát triển, dần dần chinh phục được các thị trường khó tính như châu Âu và châu Mỹ. Một số công ty lớn có kim ngạch xuất khẩu hàng triệu đô la Mỹ mỗi năm như Minh Long, Phước Dũ Long, Cường Phát, Minh Phát.

Tuy được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhưng trong bối cảnh hội nhập và phát triển, nghề gốm sứ ở tỉnh Bình Dương cũng như các nghề truyền thống khác vẫn đang gặp không ít những thách thức, khó khăn.

Để nghề gốm sứ ở tỉnh Bình Dương được lưu giữ, mãi phát huy được tinh hoa ngàn năm của dân tộc, người yêu nghề rất mong muốn các cấp lãnh đạo sớm triển khai những chính sách trợ lực, những đề án và kế hoạch bảo tồn thiết thực, đưa nghề gốm cất cánh bay cao, bay xa hơn.

Lập - Hạnh