Người “giữ lửa” và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Ê Đê
Danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” là Nhà nước ta dành phong tặng cho những người có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Điển hình trong những người có công đóng góp tích cực trong việc sưu tầm, bảo tồn và truyền dạy văn hóa, ông Y Djuan Mjâo, đã vinh dự được nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cư M’gar, ngay từ nhỏ, Nghệ nhân Y Djuan Mjâo (sinh năm 1958, người dân tộc Ê Đê, buôn M’Ngoan, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) đã được tiếp xúc, yêu thích cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc và nuôi dưỡng tình yêu ấy đến tận bây giờ. Lúc sinh thời, cha ông đã dạy con trai mình những nhịp chiêng đầu tiên. Sống dưới những ngôi nhà dài truyền thống, những điệu hát kưt, kể khan, tiếng chiêng, tiếng cồng trong những lễ hội đó đều không thể vắng.
Các bài chiêng và sinh hoạt đánh chiêng vẫn giữ nguyên dáng vẻ dân gian, mộc mạc, tinh tế và sâu lắng nơi đại ngàn hùng vĩ. Âm thanh của các loại nhạc cụ truyền thống càng ngấm vào máu thịt của ông.
Nghệ nhân Y Djuan Mjâo tâm sự: “Từ nhỏ cái tai đã biết nghe tiếng cồng tiếng chiêng, điệu hát Khan của ông bà, cha mẹ. Lớn lên, tôi thích cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc và điệu hát truyền thống như là một lẽ tự nhiên, như hơi thở vậy.
Ngày đó, đàn ông trong buôn hầu như gia đình nào cũng có chiêng và người biết chơi chiêng. Cứ mỗi dịp lễ hội là vui lắm. Chính vì đó, nên muốn học đánh chiêng, tôi chỉ được học vào các buổi tối, sau vụ thu hoạch. Nhưng để học được cái hồn, cái cách diễn tấu là phải học qua các dịp lễ hội của buôn làng, sau đó tôi được thực hành, nghe, hiểu và cảm nhận…”.
Sau khi lập gia đình, ông Y Djuan Mjâo chuyển đến buôn M’ngoan. Dù ở mảnh đất mới nhưng vẫn được sống giữa buôn làng, với những nét văn hóa truyền thống mà thế hệ trước để lại, ông đã tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa phi vật thể của người Ê Đê tại địa phương. Đến nay, ông Y Djuan Mjâo đã truyền dạy cho hàng chục con em trong gia đình, buôn làng.
Không chỉ học và truyền dạy trong đồng bào Ê Đê và lớp trẻ ở địa phương, ông còn tham gia giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với nhiều tầng lớp nhân dân, đồng bào ở nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước.
Ông cho biết: “Ngoài vùng Tây Nguyên rộng lớn này, tôi đã đi rất nhiều nơi, từ Nam ra Bắc như Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, ra tận Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang… Mỗi chuyến đi đều cho tôi trải nghiệm về cuộc sống, con người, văn hóa vùng đất nơi tôi đặt chân đến và càng thấy thêm yêu, thêm trân trọng truyền thống văn hóa đặc sắc của quê hương đất nước mình”.
Từ kinh nghiệm bản thân, ông luôn bắt đầu truyền dạy bằng việc để học trò nghe một bài hòa tấu chiêng, giới thiệu về bài chiêng và ý nghĩa của nó; sau đó mới chỉ cách đánh từng chiêng, bởi mỗi chiêng có một cách đánh và tiết tấu khác nhau…
Sau những cố gắng của mình, niềm mong mỏi của nghệ nhân Y Djuan là có thể đào tạo được lớp trẻ kế thừa truyền thống dân tộc, cho dù đi đến đâu vẫn có thể phát huy được như ông. Với không gian mở, lớp trẻ thấy hào hứng khi được chạm vào từng chiếc chiêng, cảm nhận được thanh âm mang hơi thở của dân tộc mình.
Ông Nguyễn Văn Vỹ, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Năng cho biết: “Các nghệ nhân trên địa bàn huyện nói chung và các nghệ nhân vừa được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú nói riêng trong đó có Nghệ nhân Y Djuan Mjâo, đã đóng góp rất nhiều trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trên địa bàn”.
Kịp thời động viên, tôn vinh các nghệ nhân đã có nhiều đóng góp, cống hiến tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, thể hiện thực hành di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.
Với 42 năm trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, ở loại hình ngôn ngữ và nghệ thuật trình diễn dân gian, nghệ nhân Y Djuan Mjâo đã được nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Ưu tú” năm 2022 (theo Quyết định số 1021/QĐ-CTN ngày 9/9/2022 của Chủ tịch nước).
“Tôi thấy rất hạnh phúc vì đã được công nhận danh hiệu này. Vì vậy tâm nguyện của tôi là gìn giữ và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống mà ông cha ta để lại. Thế nên dù cho có phải bỏ ra nhiều công sức, tôi cũng sẽ tiếp tục cố gắng để những tinh hoa văn hóa của tổ tiên không bị lãng phai đi.
Không những bản thân tôi nỗ lực, cố gắng mà tôi cũng mong muốn tất cả mọi người đều góp phần lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc như tiếng cồng, tiếng chiêng đến muôn thế hệ sau”. Nghệ nhân Y Djuan Mjâo vui mừng nói.
Theo nhịp chiêng, những câu chuyện ẩn chứa trong mỗi tiếng chiêng, là sự đoàn kết, gắn bó của người dân… cùng những tín ngưỡng, tâm linh thể hiện mong ước, khát vọng về cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc của con người.
Khi văn hóa là một chỉnh thể luôn vận động trong sự phát triển, thì tri thức dân gian là một bộ phận gắn liền của mỗi văn hóa tộc người. Việc hình thành ý thức tự giác tìm hiểu, sẽ xây dựng được tinh thần đoàn kết dân tộc và bảo vệ di sản văn hóa tại địa phương. Từ đó, giáo dục thế hệ trẻ có lòng yêu quê hương, đất nước, giữ gìn và phát huy tốt giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình.