Đời sống

Giảm các rào cản về định kiến giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Kim Phượng 13/10/2023 - 14:25

Sau thời gian triển khai, Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức đánh giá kết quả hoạt động năm thứ hai thực hiện dự án, với hai nội dung quan trọng gồm: Giảm gánh nặng công việc chăm sóc không được trả công và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động phát triển sinh kế.

Qua đó, kết quả cho thấy với nội dung giảm gánh nặng công việc chăm sóc không được trả công, đã có hơn 1.300 hộ gia đình được hỗ trợ máy thái rau chuối phục vụ chăn nuôi; 14 điểm trường mầm non được hỗ trợ cải tạo cơ sở vật chất, cung cấp dụng cụ dạy học và chăm sóc bán trú, tạo điều kiện cho hơn 650 trẻ trong độ tuổi được học tập cả ngày tại trường. Như vậy đánh giá ban đầu cho thấy, thời gian phụ nữ dành thực hiện các công việc chăm sóc đã giảm 45 phút mỗi ngày, từ 5 giờ xuống còn 4,2 giờ.

Ở nội dung còn lại là thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động phát triển sinh kế, đã có 21 nhóm phát triển sinh kế với hơn 1.350 thành viên, hỗ trợ vốn và kỹ thuật thực hiện các hoạt động phát triển sinh kế, chăn nuôi và canh tác theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu; 7 mô hình sinh kế tập trung do phụ nữ làm chủ được hỗ trợ vốn vay lãi suất 0% để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

nong-nghiep-tinh-ha-giang-2126-1597304276_1200x0.jpg
Phụ nữ dân tộc thiểu số đã có bước cải thiện đáng kể trong phát triển sinh kế nhờ sự hỗ trợ của tổ chức CARE

Tại 6 xã, thị trấn của huyện Quang Bình, Hà Giang dự án được triển khai với mục tiêu cải thiện đời sống kinh tế cho phụ nữ nông thôn nghèo, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số. Tính đến cuối tháng 5/2023, dự án đã hỗ trợ được 6 tổ nhóm với sự tham gia của 150 phụ nữ dân tộc thiểu số thực hiện mô hình sinh kế nuôi gà, lợn, dê và trồng lạc. Các mô hình sinh kế đang được người dân đón nhận và phát triển tốt, góp phần cải thiện thu nhập, kinh tế hộ gia đình của phụ nữ dân tộc thiểu số.

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố vào tháng 7/2022, xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, dự án "Nâng quyền kinh tế của Phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam" (AWEEV) do chính phủ Canada thông qua CARE Quốc tế tại Việt Nam thực hiện tại 3 xã thuộc huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) và 6 xã thuộc huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) hướng đến hỗ trợ 2.635 phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số với tổng kinh phí thực hiện trên 4,5 triệu đô la Canada.

Theo ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Giang: Dự án AWEEV tại huyện Quang Bình sau 2 năm triển khai, đã thu được nhiều kết quả khả quan, góp phần phát triển kinh tế bền vững, giảm các rào cản về định kiến giới trong việc phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế.

Phó Chủ tịch thường trực Hoàng Gia Long cũng chia sẻ mong muốn Chính phủ Canada cùng Tổ chức CARE Quốc tế tiếp tục quan tâm, xem xét mở rộng địa bàn thực hiện dự án và tài trợ các chương trình, dự án liên quan đến các lĩnh vực địa phương còn nhiều khó khăn.

Tiếp đó, Đại sứ Canada tại Việt Nam, Ngài Shawn Perry Steil nhấn mạnh: Chính phủ Canada sẽ tiếp tục ưu tiên giúp đỡ phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi ở Việt Nam nói chung, Hà Giang nói riêng và mong muốn các đơn vị phối hợp tiếp tục nâng cao trách nhiệm, nỗ lực thực hiện mục tiêu bao trùm của dự án nâng cao quyền phát triển kinh tế để tiếng nói của phụ nữ được nâng lên, phát huy được tính tự chủ của mình.

Mục tiêu trong năm thứ 3, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ các chuỗi mô hình sinh kế, nhất là mô hình sinh kế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, hỗ trợ trang thiết bị giúp phát triển kinh tế của phụ nữ, kéo dài thời gian và mở rộng vùng triển khai thực hiện dự án... Tạo cơ hội cho phụ nữ chính là trao cho họ cơ hội được phát huy trình độ năng lực, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong quyết định các chính sách. Từ đó góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của Việt Nam; tăng trách nhiệm, giảm gánh nặng chăm sóc và nội trợ của phụ nữ; thúc đẩy tiếng nói, vai trò của phụ nữ ở địa phương và cộng đồng.

Kim Phượng