Kinh tế

Giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững

Trà Diễm 11/10/2023 - 15:38

Tỉnh Bình Phước đã xác định nâng cao hiệu quả chăm sóc y tế cho nhân dân là chương trình ưu tiên, đột phá trong chiến lược xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bình Phước có ba huyện giáp biên giới Campuchia gồm Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Bù Đốp, với đường biên dài hơn 260km, dân số hơn 1 triệu người, trong đó khoảng 20% là đồng bào dân tộc thiểu số.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu, đơn vị, địa phương tập trung huy động nguồn lực thực hiện chính sách, dự án góp phần giảm hộ nghèo dân tộc thiểu số nhanh và bền vững.

Cùng với đó, các đơn vị, địa phương thực hiện lồng ghép nguồn vốn, nội dung hỗ trợ như đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt phân tán, chuyển đổi nghề, thông qua các dự án gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc và miền núi; nguồn đầu tư công năm 2023; nguồn vận động Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh năm 2023; nguồn vận động hợp pháp khác theo quy định.

binh-phuoc-tao-sinh-ke.jpg
Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Bình Phước đã giải quyết việc làm cho hơn 38.400 lao động. Ảnh: Báo Dân tộc

Chương trình nhằm hỗ trợ nông cụ, xây dựng, sửa chữa nhà ở, đầu tư hạ tầng xã hội, cung cấp con giống, tạo sinh kế nhằm giúp hơn 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn thoát nghèo trong năm 2023.

Cụ thể, từ chương trình đầu tư, chuyển giao kỹ thuật cho hệ thống trạm y tế cấp xã đã giúp địa phương kéo giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con. Đến nay, Bình Phước đã xây dựng được mạng lưới y tế cơ sở toàn diện, đáp ứng những nhu cầu cơ bản, thiết yếu về khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Cùng đó, tỉnh thực hiện các chương trình mục tiêu y tế-dân số như phòng, chống suy dinh dưỡng, phòng, chống các dịch bệnh được triển khai hiệu quả. Hiện, số bác sĩ/vạn dân đạt hơn 8,6%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 9%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 94%. Bình Phước thực hiện nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ viện phí cho đồng bào khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế công, kiểm soát dịch bệnh, giúp đồng bào yên tâm bám thôn bản, ổn định cuộc sống.

Trong hoạt động phát triển kinh tế, tỉnh chọn những địa phương còn khó khăn, chậm phát triển để triển khai. Ông Văn Công Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp cho biết: Địa phương đã chủ động rà soát, nắm chắc hoàn cảnh, trình độ, khả năng sản xuất, phong tục tập quán của đồng bào ở từng khu vực để triển khai hỗ trợ, phát triển các mô hình sản xuất phù hợp. Triển khai hỗ trợ dân nghèo về đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt (đào giếng, khoan giếng, tặng bồn nước, máy bơm), kéo điện, vay vốn, đào tạo nghề, hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt, nông cụ, phương tiện đi lại và tạo việc làm...

Để hiệu quả việc triển khai thuận lợi, các hình thức hỗ trợ phù hợp nhu cầu, khả năng, nguyện vọng của bà con, giúp đồng bào thay đổi cách nghĩ, cách làm ăn, nếp sống, nếp sinh hoạt, từ đó tự vươn lên thoát nghèo. Từ kinh nghiệm thực tế, huyện Bù Đốp đã xây dựng, phát triển nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như trồng tiêu, chăn nuôi gia súc, gia cầm... gắn với triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người DTTS làm nòng cốt, phát triển phong trào.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Bình Phước đã giải quyết việc làm cho hơn 38.400 lao động; đào tạo nghề cho hơn 6.300 người. Năm 2022, Bình Phước có hơn 2.200 hộ thoát nghèo, trong đó chương trình giảm 1.000 hộ dân tộc thiểu số đã giảm được 1.013 hộ. Hiện vùng đồng bào dân tộc thiểu số chỉ còn dưới 1% hộ nghèo và gần 1,1% hộ cận nghèo.

Trà Diễm