Tinh thần khởi nghiệp của thanh niên người Thái
Lai Châu là một tỉnh thuần nông, tỷ trọng lao động nông lâm nghiệp chiếm 86,3% trong cơ cấu việc làm của tỉnh. Việc đẩy mạnh phát triển khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên gắn liền với xây dựng nông thôn mới ở (tỉnh Lai Châu) có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Là sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt nam, năm 2018 sau khi ra trường, Lò Văn Vượng sinh năm 1996, dân tộc Thái ở xã Mường Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã nhiều lần khởi nghiệp thất bại. Không chán nản với những thất bại đó, Vượng vực lại tinh thần. Qua tham khảo, tìm hiểu, anh quyết định tận dụng lợi thế đất đai của gia đình trồng dâu tây để phát triển kinh tế.
Với 1 ha đất, Vượng trồng hơn 30 nghìn cây dâu, để trồng dâu tây có kết quả tốt Vượng đã áp dụng khoa học công nghệ lắp đặt hệ thống nước tưới nhỏ giọt cho vườn dâu tây.
Hiện nay, vườn dâu của Vượng vẫn chưa được thu hoạch, nhưng với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, mô hình trồng dâu tây trên cơ sở kiến thức đã được học ở trường được Vượng thực hiện sẽ thành công và tiếp tục mở rộng quy mô trong thời gian tới.
Anh Lò Văn Vượng chia sẻ: "Sau khi những dự án khởi nghiệp của em thất bại, em không nhụt trí, em nghĩ mình cần nỗ lực hơn nữa, phải tìm được những sai sót đã mắc phải ở những dự án trước để tìm ra những giải pháp hoàn thiện ở các dự án tiếp theo".
Đến thời điểm hiện tại, sau khi tìm hiểu thị trường, Vượng cảm thấy khó khăn nhất trong phát triển mô hình trồng dâu tây là khi thu hoạch và chế biến sau thu hoạch và quan trọng nhất là thị trường tiêu thụ. Và khi khởi nghiệp chỉ là cá nhân tự làm, tự phát, chưa có sự liên kết giữa các đoàn viên và sự quan tâm từ chính quyền địa phương nên nhiều chính sách ưu đãi chưa đến được với những thanh niên đang khởi nghiệp. Thanh niên khởi nghiệp cũng chưa tiếp cận được với nguồn vốn của các nhà đầu tư.
Anh Đỗ Văn Tuấn, Bí thư Huyện đoàn Than Uyên chia sẻ: Trong quá trình xây dựng các sản phẩm khởi nghiệp, đoàn viên thanh niên huyện Than Uyên còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các sản phẩm của thanh niên huyện Than Uyên được tiếp cận công nghệ 4.0, nhưng chỉ tập trung chủ yếu vào việc buôn bán nhỏ lẻ chưa có một kênh riêng chính thức để phân phối sản phẩm theo chuyên nghiệp.
Độ tiếp cận khoa học kỹ thuật của đoàn viên thanh niên còn nhiều hạn chế, chưa ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế như mái che, nhà màng, công nghệ tách thuỷ phần đối với mật ong, công nghệ tưới nhỏ giọt đối với các sản phẩm nông nghiệp nên chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu.
Anh Lò Văn Vượng chia sẻ thêm, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ dành sự quan tâm đặc biệt tới các đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp. Có nhiều chính sách, thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia đầu tư vào địa phương, tạo điều kiện cho thanh niên được tiếp cận với khoa học kỹ thuận tiên tiến sau chế biến và thu hoạch, để trên con đường khởi nghiệp của mình, thanh niên sẽ không đơn độc.