Tiêu điểm

Sức sống mới ở Rào Tre

Hải Thanh 11/10/2023 - 11:11

Những phong tục tập quán lạc hậu dần được loại bỏ, những nếp nhà sàn vững chãi, sạch đẹp được mọc lên, nằm san sát, những con đường nhựa bạt núi, nối với đường mòn Hồ Chí Minh, tạo nên diện mạo mới về cuộc sống của đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh).

Người Chứt là một dân tộc ít người sinh sống tại miền trung Việt Nam. Trước đây, đồng bào sống lang bạt trong các cánh rừng, nguồn thức ăn chủ yếu dựa vào "săn bắt, hái lượm", nhà cửa tạm bợ. Được sự vận động của Bộ đội Biên phòng và các cấp chính quyền, giờ đồng bào đã bỏ cuộc sống lang bạt, về lập làng dựng bản, ổn định cuộc sống tại bản Rào Tre (Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh) - Mảnh đất nằm dưới chân núi Ka Đay. Hiện nay, bản Rào Tre (xã Hương Liên) có 44 hộ/153 nhân khẩu.

Với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã cải thiện cơ sở hạ tầng và đời sống dân sinh của đồng bào dân tộc Chứt. Về cơ bản, đồng bào đã có nhà kiên cố, 100% hộ gia đình có kinh tế vườn, hộ. Bình quân mỗi hộ có 1-2 ha đất lâm nghiệp để sản xuất, 100% hộ dân được sử dụng nước sạch sinh hoạt. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống như điện, đường, trường học, trạm y tế, thủy lợi đều được đáp ứng đầy đủ.

Có được kết quả này là nhờ sự phối hợp kiên nhẫn, trường kỳ giữa chính quyền và Bộ đội Biên phòng. Hàng loạt các chính sách linh hoạt, mềm dẻo được đưa ra nhằm giúp bà con thay đổi nhận thức.

Những năm qua, các cấp, ngành, tổ chức luôn ưu tiên dành nguồn lực từ các chương trình, dự án, chính sách tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn vùng đồng bào sinh sống. Các đơn vị, tổ chức cũng thường xuyên hỗ trợ cây giống, kỹ thuật sản xuất, triển khai các hoạt động sinh kế hỗ trợ đồng bào ổn định sản xuất, đời sống.

76d4100920t41781l0.jpg
Một góc bản Rào Tre

Từ nguồn chính sách hỗ trợ, địa phương đã tập trung cải tạo đồng ruộng, đất canh tác tại khu vực ven sông Ngàn Sâu với diện tích 2,65 ha. Đồng thời, tổ chức làm đất, xây dựng hàng rào, hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... và hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con trồng cỏ, trồng ngô để chăn nuôi bò nái sinh sản.

Ngoài ra, tổ sản xuất sẽ được hỗ trợ 1 máy cày. Bà con dân bản được hỗ trợ mua sắm nông cụ phục vụ sản xuất như cuốc đào, cuốc bàn, cào sắt…. Cùng đó, xây dựng 20 chuồng trại cho 20 hộ dân tham gia dự án. Hiện địa phương đang tìm kiếm nguồn con giống chất lượng để tổ chức bàn giao cho bà con.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Trần Quốc Bảo cho biết, thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Hương Khê đang triển khai một số dự án quan trọng, cấp thiết như: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”; “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”; “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc”; “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn”...

76d4104128t59498l0.jpg
Những ngôi nhà kiên cố giúp bà con người Chứt phần nào vượt qua khó khăn

Các chương trình giúp đồng bào dân tộc được tiếp cận với các chính sách giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, có điều kiện để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND huyện giao hằng năm. Qua đó góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Đến nay, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đạt 32,2 triệu đồng/người/năm; 100% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố…

z4770615593144_7e266a49662fbac39c38088ed4c06ce8.jpg
Cùng với chính sách dân tộc, đồng bào Chứt đã thay đổi trong cách nghĩ cách làm nên đời sống được cải thiện

Từ cuộc sống du canh, du cư, thấy người lạ là trốn vào rừng sâu, cũng như có thói quen ăn hang ở hốc và ngủ trên cây… trông chờ vào sự trợ giúp hoàn toàn của Nhà nước và Bộ đội biên phòng, giờ đây người Chứt đã từng bước làm quen với tập quán định canh, định cư, biết cách làm ăn dần đẩy lùi được đói nghèo, lạc hậu.

Nhiều hộ đã có ý thức, biết rào vườn để trồng ngô, chuối; làm chuồng để nuôi bò, nuôi heo, gà; biết lên rừng kiếm củi, sản vật phụ như lấy mật ong, lấy lá nón, lấy mây, giang về bán; biết xây dựng được mô hình kinh tế tăng gia sản xuất trồng lúa, ngô, cây ăn quả ngắn ngày, dài ngày. Đồng bào Chứt, Bản Rào Tre ngày nay đã thực sự đổi mới tích cực.

Trong bản, ngày càng xuất hiện nhiều hộ gia đình khá giả. Điển hình nhà trưởng bản Hồ Thị Kiên, là một trong những hộ tiên phong sản xuất để phát triển kinh tế. Ban đầu, gia đình chị xoá bỏ cây tạp, cải tạo vườn tược để trồng cây ăn quả các loại như bưởi, ổi... Bên cạnh trồng trọt, chị còn nuôi thêm lợn, gà để tăng thêm thu nhập. Không những đủ ăn mà gia đình chị còn có để bán. Đủ cái ăn, có thêm tiền nên các con chị Kiên được chăm sóc, học hành đầy đủ.

anh-1.jpg
Cánh đồng ven sông Ngàn Sâu nhộn nhịp hơn bao giờ hết bởi tiếng cười nói hồ hởi của bà con dân tộc Chứt khi xuống đồng làm đất, gieo trỉa ngô, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi

Điều kiện kinh tế, chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện, theo đó những hủ tục cũng được bài trừ, thay vào đó bà con hình thành nếp sống văn minh hiện đại. Nếu trước đây, phụ nữ Chứt mỗi kỳ sinh nở đều phải dựng chòi ngoài bìa rừng tự vượt cạn… thì nay, mỗi lần sinh nở, chị em được đưa đến cơ sở y tế để được chăm sóc theo dõi. Đó là một trong những lý do làm cho nhân khẩu người Chứt ở Rào Tre phát triển trong những năm gần đây.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ đội biên phòng, vấn nạn hôn nhân cận huyết thống cũng đang dần được đẩy lùi. Giờ đây, những thanh niên đến tuổi dựng vợ gả chồng đã vượt đỉnh Giăng Màn đi tìm hạnh phúc lứa đôi không còn là chuyện hiếm. Bà con đã hiểu, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là nguyên nhân làm cho nòi giống bị suy kiệt.

Cùng với nhận thức thay đổi, chính quyền địa phương cũng đã mở ra nhiều kênh khác nhau để người Chứt ở Rào Tre tăng cường giao lưu, kết nối với các địa phương khác để đồng bào tăng cường giao thương phát triển kinh tế, mở rộng kết nối để giao lưu văn hóa.

Cùng với những bước thăng trầm trên chặng đường an cư ở Rào Tre, người Chứt đã có những bước tiến dài trên đường hội nhập. Chuyện học sinh người Chứt ở Rào Tre đỗ đại học tưởng chừng như khó nay đã trở thành hiện thực.

Kỳ tuyển sinh năm học 2020 - 2021, Hồ Thị Sương ở bản Rào Tre đỗ đại học như đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về giáo dục ở Rào Tre của người Chứt. Em Sương như là một minh chứng cho sự hội nhập toàn diện của người Chứt ở dưới chân núi Ka Đay, đó cũng là động lực mạnh mẽ cho nhiều thế hệ học sinh ở Rào Tre vươn lên lập thân, lập nghiệp bằng con đường học tập.

tp-chut-1-5692.jpg
Trẻ em ở bản Rào Tre được đến trường, khoẻ mạnh và phát triển tốt hơn.

Đặc biệt, mới đây, cô, trò cùng bà con đồng bào dân tộc Chứt ở xã Hương Liên ai nấy đều phấn khởi bởi từ năm học này con em của mình đã có ngôi trường mới khang trang, thuận tiện cho việc đưa đón trẻ tới lớp, từ đó rèn luyện tính chuyên cần cho trẻ. Công trình có tổng mức đầu tư 1,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 và các nguồn lồng ghép hợp pháp khác.

Hệ thống cơ sở vật chất đủ để dạy học, chăm sóc, nuôi dưỡng cho 12-20 cháu là con em đồng bào dân tộc Chứt trên địa bàn, nhờ đó nâng cao tỷ lệ đưa trẻ đến trường, cải thiện chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non nơi biên cương.

Hải Thanh