Đời sống

Tích cực thực hiện hỗ trợ xây mới, sữa chữa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Khánh Uyên 10/10/2023 - 07:10

Mấy năm gần đây, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện nhiều Đề án, Kế hoạch nhằm giúp các hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhà ở ổn định, an toàn, có khả năng chống chịu các tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

1e4b3330f07d1923406c.jpg
Ông Lý Phonl (thứ 4 từ trái qua) ấp Đào Viên (xã Viên Bình, huyện Trần Đề) vui mừng trong căn nhà hỗ trợ cho hộ nghèo DTTS. Ảnh: Khánh Uyên

Căn cứ Kế hoạch số 147/KH - UBND ngày 13/10/2022 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện nội dung số 2 về hỗ trợ nhà ở thuộc Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn l: từ năm 2021 đến năm 2025.

Sóc Trăng có 3.099 hộ có nhu cầu hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I từ 2021 đến năm 2025; thời gian thực hiện cụ thể là năm 2022 là 623 hộ; năm 2023 khoảng 900 hộ; năm 2024 dự kiến khoảng 900 hộ; với tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước là trên 137 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương là trên 124 tỷ đồng, ngân sách địa phương là trên 12,4 đồng.

Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, nguyên tắc hỗ trợ của đề án là hỗ trợ đến từng hộ gia đình; bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng theo các quy định của chương trình. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số và hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng. Huy động nhiều nguồn vốn để thực hiện, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm theo nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở.

Sau khi được xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng), tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên, đảm bảo an toàn khi xảy ra bão, giông lốc. UBND tỉnh thống nhất không thực hiện thiết kế mẫu nhà ở điển hình. Tùy theo điều kiện cụ thể, người dân có thể xây dựng nhà ở theo kinh nghiệm, truyền thống, phong tục tập quán, phù hợp với điều kiện kinh tế, sinh hoạt của gia đình, nhưng phải đảm bảo tiêu chí tối thiểu về diện tích, chất lượng theo quy định.

Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) là huyện có đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm trên 53%), có hơn 200 hộ được thụ hưởng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài nguồn vốn được hỗ trợ, từng gia đình có thể đối ứng thêm chi phí để xây nhà khang trang hơn.

capture.png
Bà Thạch Thị Phal ở ấp Nước Mặn, xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng vui mừng được hỗ trợ nhà ở từ đề án. Ảnh: Khánh Uyên

Ông Thạch Văn Mến, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Trần Đề cho biết: “Hiện nay, 10 xã, thị trấn có người dân thiểu số được thụ hưởng chương trình đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện, dự kiến khoảng 60 căn nhà được xây dựng hoàn thành trong năm nay.

Thời gian qua, Phòng Dân tộc đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể của huyện thẩm định danh sách các hộ được thụ hưởng, khảo sát thực tế để đảm bảo các hộ nghèo được hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.

Sắp tới, Phòng Dân tộc huyện sẽ thành lập đoàn đi kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.

Là một trong những hộ dân được hỗ trợ nhà ở từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Lý Phonl ấp Đào Viên (xã Viên Bình, huyện Trần Đề) vui mừng nói: “Được Nhà nước quan tâm hỗ trợ để xây dựng nhà mới, tôi và gia đình rất cảm động và biết ơn. Bây giờ gia đình tôi không còn lo lắng khi tới mùa mưa phải lấy xô, chậu hứng nước trong nhà do mái bị dột nhiều nơi. Có nhà mới rồi giờ đây, vợ chồng tôi chăm chỉ làm ăn để chăm lo cho cuộc sống”.

Theo bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: "Việc thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là cần thiết, phù hợp với thực trạng về nhà ở và mong muốn của người dân; đồng thời, Chương trình thể hiện được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân, cụ thể là chăm lo chỗ ở cho các hộ nghèo, cận nghèo tại các huyện nghèo. Từ đó, người dân an tâm lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo”.

Thời gian qua, những chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Sóc Trăng đã phát huy hiệu quả, nhiều hộ Khmer ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện thoát nghèo. Cuộc sống của bà con Khmer hôm nay được đổi thay từng ngày đã minh chứng cho việc triển khai thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Giờ đây, đời sống của đồng bào Khmer Sóc Trăng được nâng lên, bộ mặt làng quê khang trang, đồng bào ngày càng hòa nhập tốt hơn với sự phát triển của xã hội.

Khánh Uyên