Cà đắng nấu da trâu - Món ăn ngon, độc đáo của đồng bào Tây Nguyên
Đồng bào các dân tộc K’Ho, Chu Ru, Mơ Nông, Ê Đê... là những "cư dân cổ" của đại ngàn Tây Nguyên. Cuộc sống "săn bắt hái lượm" của họ thời xa xưa chủ yếu dựa vào rừng và những thứ từ tự nhiên. Nhưng không phải vì thế mà ẩm thực của họ thiếu đi phần độc đáo và đa dạng. Ngược lại, những tộc người này đã tạo ra rất nhiều món ăn đặc sắc. Ví dụ như món cà đắng nấu với da trâu chẳng hạn. Đây là một món ăn ngon, bổ dưỡng dùng để nấu trong các bữa ăn hàng ngày và không thể thiếu trong các dịp lễ, tết hoặc tiếp khách quý.
Cà đắng là một loại cây họ cà nhưng là cây mọc tự nhiên, cao quá đầu người, thân có gai, hoa màu tím, quả to bằng đầu ngón tay và có mầu xanh. Cây ra hoa kết trái từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch, nhưng rộ nhất là từ tháng 5 trở đi.
Xưa loại cây này thường mọc trên sườn đồi hay bìa rừng. Nhưng giờ đây, để cho tiện thu hoạch và sử dụng, đồng bào mang về trồng xen kẽ trong những rẫy cà phê, hồ tiêu và vườn nhà.
Lý giải về nguồn gốc món ăn cà đắng nấu da trâu, nhiều người già ở Tây Nguyên cho biết, do sống giữa chốn rừng sâu, nước độc, với khí hậu khắc nghiệt, bệnh tật có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nên đồng bào rất chú trọng đến các gia vị bổ trợ mang tính cay, nóng để chế biến thành món ăn. Món cà đắng nấu với da trâu là một thí dụ điển hình cho sự kết hợp giữa những hương vị của núi rừng. Và đồng thời món ăn này cũng có thể giúp cơ thể con người không bị thống phong, thấp khớp hay đau nhức xương.
Ban đầu, đây chỉ là một món ăn dân dã, phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Ngày nay, cà đắng nấu da trâu trở thành một món ăn đặc sản, ngon, độc đáo, được sử dụng không chỉ trong các bữa ăn hàng ngày mà còn là món không thể thiếu trong các dịp như lễ hội, tết hoặc để đãi khách quý từ phương xa đến.
Ngoài nấu với da trâu, đồng bào còn sử dụng cà đắng để chế biến thành rất nhiều món ăn khác, như: Cà đắng nấu cá khô, cà đắng om ếch, cà đắng phơi khô...
Để chế biến món cà đắng nấu da trâu, trước tiên người ta mang miếng da trâu khô hoặc tươi ra thui cho cháy sém rồi dùng chày hoặc vật nặng đập cho mềm lại (nếu là da khô). Sau khi làm sạch, da trâu được đem đi luộc nhiều lần cho đến khi nước trong thì vớt ra thái mỏng vừa miếng, rồi ninh đến khi nhừ (có thể ninh với nước xương nếu có điều kiện).
Cà đắng và cà ngọt tỷ lệ tùy theo khẩu vị của từng gia đình. Sau khi cà được hái về sẽ được sơ chế bằng cách luộc sơ rồi giã với ớt hiểm và một số gia vị khác như sả, tỏi, hành, tiêu, lá ngò gai, lá é, lá quế và lá ngót rừng… Sau đó cho vào ninh cùng với da trâu khoảng một tiếng rồi cho thêm gia vị như muối, bột nêm, bột ngọt ... là dùng được.
Bà K' Deo người dân tộc K'Ho, gần 60 tuổi, trú tại tổ dân phố Ko Ya, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Các dân tộc ở Tây Nguyên còn món cà đắng phơi khô nấu xương đầu heo, nấm mèo và đậu đen để dùng trong các dịp quan trọng. Còn ngày thường chỉ với vài trái cà đắng cắt nhỏ, một trái cà chua rừng, một miếng chanh, vài lá ngò gai, ớt rồi giã trong ống nứa đã có một món ăn với hương vị đặc trưng để phục vụ cho bữa ăn khi đi làm rẫy”.
Từ món ăn độc đáo nói trên, có thể thấy khả năng sáng tạo của đồng bào Tây Nguyên. Họ luôn biết tận dụng những gì mà "Mẹ rừng" hay thiên nhiên ban tặng. Từ những kinh nghiệm dân gian quý báu, họ đã biến những cây, những lá, những quả tưởng như vô danh mọc tràn lan khắp thưng núi, sườn đồi thành những món ăn đặc sắc và không kém phần bổ dưỡng.
Không những thế, những cà đắng nấu da trâu hay cà đắng nấu cá khô, cà đắng om ếch... dần vượt thoát ra khỏi phạm trù của một món ăn mà trở thành nét văn hóa ẩm thực độc đáo của rất nhiều tộc người trên đất Tây Nguyên.