Văn hóa

Phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình

Diễm Hồng 09/10/2023 - 14:07

Bản Còi Đá (xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) có 100% dân số là đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều. Trước đây, đời sống bà con trong bản đặc biệt khó khăn, gắn bó với núi rừng quanh năm suốt tháng. Từ khi tận dụng được các thế mạnh về cảnh quan mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này, đời sống của bà con từng bước được cải thiện.

d5fd344df7001e5e4711.jpg
Khung cảnh "Thung lũng tình yêu" bản Còi Đá

Bản Còi Đá có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khe suối uốn lượn cùng những nét văn hóa phong phú, đặc sắc, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, thẩm mỹ, đậm đà bản sắc của dân tộc Bru - Vân Kiều, người dân mộc mạc, dễ gần,... Đây chính là tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Đồng thời, chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS và miền núi nơi đây, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều rất coi trọng các lễ cúng mùa vụ, thờ thần lúa (vị thần quan trọng nhất). Bởi vậy người Bru - Vân Kiều luôn bảo lưu các lễ hội liên quan đến vòng đời cây lúa, là nghi thức tâm linh để tạ ơn trời đất, thần linh đã ban cho đồng bào mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc như lễ hội Trỉa Lúa, lễ hội mừng cơm mới. Đây là hai di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đặc sắc được đồng bào Bru - Vân Kiều ở bản Còi Đá, xã Ngân Thủy gìn giữ và duy trì trong cộng đồng từ xưa đến nay.

Lễ hội Trỉa Lúa (hay còn gọi là lễ hội Lấp Lỗ được tổ chức từ ngày 11 - 14/7 âm lịch). “Lấp lỗ” là một công đoạn cuối của quy trình làm nương làm rẫy: chặt, đốt, cốt, trỉa, nhưng đã được dân bản nâng lên thành lễ hội với ý nghĩa là trước khi đem hạt giống cất giữ trong gùi kín đáo hàng năm ra, trỉa xuống đất cầu mong thần trời, thần nước, thần rừng, thần núi giữ gìn bảo hộ cho sự sinh sôi nảy nở chắc hạt nặng bông có ngày thu hoạch.

Lễ mừng cơm mới được tổ chức sau thời gian thu hoạch, kết thúc một chu kỳ sản xuất để bước vào một vụ mùa mới (tổ chức vào khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch) với ý nghĩa tạ ơn trời đất, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, lúa ngô đầy kho, cuộc sống no đủ. Lễ hội thường được tổ chức theo nhóm, hay từng dòng họ, các sản vật và tiền đều do bà con đóng góp.

Tại buổi lễ, các già làng, trưởng bản thực hiện nhiều phong tục tâm linh, cúng tế các sản vật mà người dân địa phương làm được, như: Gạo, nếp than, dê, trâu, bò… bày tỏ sự biết ơn trời đất, thần lúa đã cho bà con dân bản mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, cuộc sống ấm no.

Sau khi cúng xong, tất cả dân bản cùng nhau quây quần bên những mâm cỗ với những món ăn dân dã, uống rượu cần, mọi người vừa ăn, vừa nói chuyện vui vẻ. Tiếp đến phần hội thì dân bản tham gia các trò chơi dân gian, ca múa hát truyền thống và thực hành, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình để gắn kết với nhau nhiều hơn.

Bên cạnh những lễ hội văn hóa độc đáo, bản còn có "Thung lũng tình yêu" - địa điểm check in, cắm lều trại qua đêm cực kì lý tưởng cho du khách. Trước đây "Thung lũng tình yêu" chỉ là một vùng đất hoang sơ, đến nay trở thành một khu du lịch độc đáo, mới lạ với những ngôi nhà sàn nhỏ xinh của người đồng bào Bru - Vân Kiều xen lẫn những con suối hiền hòa xanh biếc, cây cối xanh mát, không khí trong lành, bốn bề là núi, giữa cánh đồng cỏ thảo nguyên bạt ngàn và cuộc sống với những nét văn hóa truyền thống quý báu của đồng bào Bru - Vân Kiều.

Những năm trước, bản Còi Đá được biết đến là bản không điện, không đường, không trường, không phương tiện liên lạc, đời sống của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều đa phần là khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào nghề đi rừng, sản xuất nông nghiệp, vất vả nhưng thu nhập không ổn định.

Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống DTTS gắn với phát triển du lịch. Nay bản Còi Đá đã có 100% dân số sử dụng điện lưới, 100% số hộ có sử dụng phương tiện nghe nhìn và liên lạc, có trường mầm non và tiểu học, giao thông khá thuận tiện, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo.

Để làm du lịch, nhiều hộ gia đình trong bản đã sửa sang, sắp xếp lại nơi ăn, chốn ở của gia đình mình để sẵn sàng đón du khách cùng ăn, cùng ở, cùng khám phá những nét đẹp văn hóa của người Bru - Vân Kiều; mở dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi phục vụ cho khách du lịch và mua bán, trao đổi các sản phẩm mang tính đặc trung của địa phương; dẫn khách đi du lịch, gùi thức ăn, đồ uống; biểu diễn các hoạt động văn hóa, văn nghệ như hát các làn điệu dân ca như si nớt, o oát, chà chấp, nhạc cụ truyền thống với tiếng sáo pi, sáo khsui, kèn amam, đàn achung, pư kua... cung cấp sản vật địa phương để chế biến thành món ăn như cá nướng, thịt heo bản nướng, gà nướng,...

Đặc biệt có món xôi nếp than màu tím sẫm, thơm ngon do chính bà con người Vân Kiều trồng trên nương rẫy quanh bản phục vụ khách tham quan. Các dịch vụ du lịch đã tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con, mang lại thu nhập khá, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và mua sắm được các phương tiện nghe, nhìn, xe máy, xây dựng nhà cửa khang...nâng cao đời sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều hoạt động phát triển du lịch cộng đồng ở bản. Để từng bước đưa lễ hội của đồng bào dân tộc trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam.

UBND tỉnh Quảng Bình đã đưa vào khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch “Khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru - Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy” từ năm 2018 .

Trong đó điểm nhấn là tìm hiểu, khám phá văn hóa cộng đồng dân tộc Bru - Vân Kiều ở bản Còi Đá. Sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên kết hợp với tham quan hang động và tìm hiểu văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều trên địa bàn, cũng là lúc người Bru - Vân Kiều ở bản Còi Đá bắt đầu làm quen với du lịch.

Sở Du lịch Quảng Bình đã phối hợp với các đơn vị liên quan đưa một số hộ gia đình thuộc xã Ngân Thủy đến các tỉnh bạn lân cận để tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng.

Hay như mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể "Lễ hội mừng cơm mới/lúa mới của người Bru - Vân Kiều" trong hành trình du lịch di sản Quảng Bình - Quảng Trị hỗ trợ cộng đồng phát huy di sản này một cách thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế, phong tục, tập quán của đồng bào.

Ngày 17/11/2022, tại Bảo tàng tỉnh Quảng Bình, Cục Di sản Văn hóa phối hợp Sở VHTT Quảng Bình và UBND huyện Lệ Thủy tổ chức trưng bày và thực hành trình diễn Lễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều, xã Ngân Thủy.

Bên cạnh đó, việc Lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều, xã Ngân Thủy được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 06/3/2023. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều vì vừa giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, vừa tạo thêm những sản phẩm du lịch mới. Khi đưa lễ hội thành một sản phẩm du lịch, bà con sẽ có thêm thu nhập để nâng cao đời sống.

Thời gian tới, đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều sẽ tiếp tục duy trì, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội thông qua việc tổ chức lễ hội này hàng năm.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, MTTQ và các tổ chức đoàn thể sẽ huy động các nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trong tỉnh gắn với phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, đẩy mạnh các hoạt động tuyên tuyền, quảng bá để lễ hội trở thành một sản phẩm du lịch, góp phần thu hút du khách đến trải nghiệm du lịch cộng đồng tại địa phương.

Diễm Hồng