Tiêu điểm

Chuyện “giữ đất” nơi biên ải

T.Thành 08/10/2023 12:38

Hàng bao năm nay, chuyện “giữ đất” ở vùng biên ải này có thể coi là một khúc ca bi tráng về lớp lớp thế hệ con dân đất Việt. Họ đã và đang sinh sống nơi núi cao vực sâu, bom mìn sót lại từ thời chiến tranh còn giăng mắc trong lòng đất, để tạo nên “Thế trận lòng dân”, “Bức tường thành vững chắc” nơi cực Đông của Tổ quốc.

Đường biên giới trong lòng dân

Khi chưa đến, Bình Liêu (Quảng Ninh) trong tôi là một vùng đất mà trước đây, nói một cách văn hoa thì “cái cây rừng nếu có chân thì nó cũng bỏ mà đi”. Những tên xã, tên bản ở đây chỉ cần nghe thôi cũng đủ thấy ngái ngôi, xa vắng, như Tĩnh Húc, Lục Hồn, Vô Ngại, Pác Khương, Phai Lầu... Ở những nơi đó, khe suối nhiều hơn bước chân người.

Không chỉ là một trong những cửa ngõ biên giới có vị trí chiến lượng về an ninh quốc phòng phía Đông Bắc nước ta, với địa hình đồi núi phức tạp, hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, Bình Liêu còn được biết đến như là vùng cát cứ của “quân phỉ trắng nhai thịt người rau ráu” thời xưa, nơi bọn phản động tăng cường hoạt động hai bên biên giới, nhằm chống phá cách mạng và chính quyền non trẻ của ta trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Bữa cơm tối ở nhà trưởng bản Pác Khương, ông Chìu Dầu Thống, được dọn ra với nhiều đặc sản. Miếng thịt cà xáy (một loại gia cầm giống con ngan được người dân tộc nuôi bằng ngô - pv) đậm đà, chén rượu khoai sau trăm ngày ủ men, nhằng nhặng thơm vị khoai nướng. Ai nấy ngất ngư say. Say tình, say nghĩa, say núi rừng.

anh-bai-chuyen-giu-dat-noi-bien-ai-1(1).jpg
Quân và dân Bình Liêu cùng nhau giữ chắc biên cương.

Bên khói bếp nồng cay, ông Thống ề à kể những huyền tích gắn với vùng đất thậm hoang sơ này. Tương truyền từ xa xưa, có một vị vua hiền đã ban chiếu đặt một hòn đá có khắc niên hiệu đặt lên đỉnh Cao Ba Lãnh. Chiếu dụ viết rằng, hòn đá được phải được đặt trên đỉnh núi cao nhất để đánh dấu bờ cõi nước Nam bắt đầu từ đó. Lệnh triều đình về đến Châu, rồi xuống các Lộ để quan binh theo đó mà cắt cử các suất đinh mang hòn đá lên đỉnh núi.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đã có bao người đi rồi nằm lại nơi lam sơn chướng khí, nhưng hòn đá vẫn được đặt trên đỉnh cao 1500m so với mặt nước biển suốt hàng trăm năm có lẻ. Dân đi rừng săn con thú, tìm cây thuốc trên núi căn cứ vào tảng đá để không phạm sang đất ngoại bang. Thế mới thấy, đường biên giới trong lòng dân còn vững chắc hơn bất cứ loại vật liệu, ranh giới hữu hình nào.

Nhiều người già ở Pác Khương cũng kể lại rằng, đã có không biết bao nhiêu lính Biên phòng và đồng bào đã đổ máu khi làm nhiệm vụ giữ gìn hòn đá thiêng này. Mỗi khi chủ quyền Tổ quốc bị xâm phạm, tất tật thanh niên trai tráng, ông già bà cả đều bám bản, ở lại làm dân công tình nguyện khuân vác, vận chuyển vũ khí lên điểm cao cho bộ đội.

Nghe đâu hồi đó có một người lính đã ôm chặt cột mốc không để đối phương phá hoại liền bị trói vào cột suốt 3 ngày đêm ròng rã. Không thấu cái gan tày đình của anh, và cũng không hiểu nổi vì sao con người này lại chịu chết vì một cột đá đã bị thiên nhiên xâm thực, rêu phong đổ mốc, quân địch đành lui bước…

Thời phong kiến, khi thực dân Pháp chưa xâm lược Việt Nam, Bình Liêu gồm hai tổng Bình Liêu và Kiến Duyên của châu Tiên Yên, thuộc phủ Hải Ninh, tỉnh Quảng Yên. Năm 1883, thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Quảng Yên, và sau đó chiếm huyện Bình Liêu, từng bước tiến hành củng cố ách thống trị của chúng. Năm 1919, Phủ toàn quyền Pháp quyết định tách hai tổng Bình Liêu và Kiến Duyên khỏi châu Tiên Yên, lập thành châu Bình Liêu.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chính quyền cách mạng Bình Liêu được thành lập, châu Bình Liêu được đổi tên thành huyện Bình Liêu, gồm 07 đơn vị hành chính cấp xã (Đồng Văn, Hoành Mô, Đồng Tâm, Lục Hồn, Tình Húc, Vô Ngại, Húc Động). Ngày 25/12/1950 huyện Bình Liêu hoàn toàn được giải phóng. Đây là bước ngoặt lịch sử quan trọng và cũng là một mốc son lịch sử của Bình Liêu.

Trước đó, thời còn chiến tranh, loạn lạc, dân bản tứ tán khắp nơi, quanh năm chỉ biết có hai mùa: mùa no và mùa đói. Lối sống du canh du cư, đốt nương làm rẫy cứ kéo đời sống của đồng bào ngày một lâm vào cảnh khó khăn khốn đốn. Lợi dụng sự cả tin và thiếu hiểu biết của đồng bào, bọn người xấu đã tìm đến các bản để dụ dỗ, lôi kéo, vơ vét thóc gạo, tiền của rồi xúi giục đồng bào bỏ nhà cửa, nương rẫy để vượt sang bên kia biên giới.

anh-bai-chuyen-giu-dat-noi-bien-ai-2(1).jpg
Giờ cuộc sống của đồng bào ở Bình Liêu ngày càng khấm khá.

Cuối những năm 80, khi tình hình biên giới đã tạm yên, các chiến sỹ Biên phòng đứng chân trên địa bàn chủ động tham mưu, phối hợp với địa phương tổ chức rà phá bom mìn do chiến tranh để lại và vận động nhân dân thành lập các bản giáp biên, giúp bà con ổn định đời sống gắn liền với bảo vệ chủ quyền biên giới. Dần dần, nhiều gia đình chạy loạn nơi xa đã trở về quê hương bản quán, vỡ đất trồng cấy hoa màu.

Xây chắc tiền đồn

Sáng Bình Liêu, sương đêm còn phủ trắng tàng cây như một dải tơ nõn dệt bằng nước mắt của trời óng lên dưới tia nắng sớm. Không khí tinh khôi, sũng nước mơn man da thịt. Trước cửa Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh), lừng lững 12 cây bạch đàn hương xoã tóc reo trong nắng sớm. Đó là những cây bạch đàn sống sót sau bom đạn chiến tranh, bám rễ sâu lặng lẽ uống nước suối mà xanh, ngấm đất rừng mà trắng. Hàng cây đứng đó, như một tiểu đội tiêu binh nghiêm cẩn đứng canh giữ nơi cửa khẩu từ năm này qua năm khác không mỏi gối, chồn chân.

Hơn 100 năm qua, trải nhiều biến cố nhưng những cột mốc trên tuyến biên giới Bình Liêu vẫn thi gan cùng tuế nguyệt, vững vàng khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Người dân nơi đây còn nghèo, còn thiếu ăn thiếu mặc nhưng lúc nào cũng tự hào vì truyền thống giữ đất, giữ nước ngàn đời của cha ông và cả sự no ấm đang đến với vùng đất này.

Biên cương mùa này điệp trùng xanh ngằn ngặt. Lác đác đã có những bông lau, bông sở nở sớm ven những sườn đồi. Thấp thoáng đâu đó trong dáng núi có màu áo hoa của các cô gái Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ đi làm cỏ lúa. Hương quế, hương hồi nồng nàn, len lẩn trong nếp áo, nụ cười rạng rỡ.

anh-bai-chuyen-giu-dat-noi-bien-ai-3(1).jpg
Mùa no đủ.

Bố của trưởng bản Chìu Dầu Thống, ông Chìu Dầu Sói mang lại cho tôi một ấn tượng khó quên. “Tài sản” mà ông truyền lại cho con trai chính là chức Trưởng bản ông đã từng đảm nhận 16 năm và lời dặn dò của bố ông, rằng: "Đất của ta bắt đầu từ dòng suối này. Bao đời nay tiên tổ nhà mình đã ở đây, bảo vệ từng tấc đất, từng cái cây, ngọn cỏ. Con đừng có học con hươu, con nai nhảy nhót mà xa lìa bản quán. Phải chăm chút, bảo vệ đất đai của tổ tiên, đó là tài sản vô giá truyền lại cho con cháu".

Cạnh nhà trưởng bản, cụ bà Pẻng người dân tộc Dao đội một chiếc khăn hoa thật đẹp vừa nhẩn nha tẽ ngô vừa nói: “Nhà báo lên đúng dịp đất trời vào mùa thay áo mới. Mưa thuận gió hoà để đồng bào vừa có một vụ mùa bội thu. Hoành Mô giờ có đường đi, có lớp học, có nhiều nhà ngói mới để đồng bào gắn bó với đất, với rừng”.

Bà bảo, phía bên kia ngầm trước đây cũng là đất của mình cả đấy. Ngày chưa giải phóng, tên quan II Pháp cai quản vùng này sau một lần thua bạc đã gán phần đất ấy cho tri huyện người Hoa. Bà về làm dâu ở đây, phía bên kia bà còn có hai người anh đã gần 80 tuổi. Kể dứt chuyện, cụ Pẻng khe khẽ hát một bài dân ca bằng tiếng mẹ đẻ của bà.

Giọng hát của người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi tan vào sương sớm. Tiếng ca sơn cước lễnh loãng, ẩn hiện như cánh bướm rừng. Tôi đã ngồi rất lâu để hình dung lúc bà còn trẻ. Khi ấy, chắc hẳn cô sơn nữ Pẻng đã làm biết bao chàng trai mê mẩn bởi giọng hát lảnh lót như con chim Phí về ăn lúa mới và điệu nhảy nhịp đôi dưới ánh trăng rằm.

Ngoài sân, mấy đứa cháu của bà tròn căng, khoẻ mạnh như trái bí ngô đỏ xuộm vùng đồi đang đùa với bầy chó con vừa mở mắt. Chỉ ít ngày trước, trong số những đứa trẻ này, có đứa vừa lên 6 và được dự lễ khai giảng đầu tiên, viết những chữ cái đầu tiên trong đời. Giọng của chúng còn nằng nặng thổ âm, tiếng Kinh bập bẹ, còn chưa tròn vành rõ chữ, nhưng rồi đây, chính các em sẽ vượt khó để học tập, tìm cho mình và bản làng một con đường để thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu và thực sự làm chủ vùng biên ải xa xanh này.

Bà cụ Pẻng lại hát, bọn trẻ cùng hát theo. Giai điệu ề à chậm rãi. Tôi đoán là một bài hát ru hoặc thể loại nào đó tương tự thế. Nghe dập dìu, dập dìu, mãi không chán và nhận thấy hạnh phúc của họ vừa bình dị, vừa gần gũi, thân thương.

Rời Bình Liêu vào buổi sáng mù sương không nhìn rõ mặt người, thỉnh thoảng gặp những đoàn ngựa chở gạo, chở ximăng, sắt thép của đồng bào đi ngược chiều. Màu áo lam hoà sắc thổ cẩm đỏ vàng lấp lánh trên nền lá xanh, những gương mặt hồn hậu gùi từng quẩy tấu ngô vàng xuộm rảo bước nhanh về bản như báo hiệu sự no ấm đang đến với Bình Liêu.

T.Thành