Pháp luật

Điểm tựa pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số

Vy Ngọc 08/10/2023 - 07:37

Mỗi khi gặp vướng mắc về pháp lý, nhiều người dân thuộc diện hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số… trên địa bàn liền tìm tới Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) tỉnh Phú Yên. Đối với họ, đây là một điểm tựa vững chắc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

Mới sáng sớm, hàng chục người dân là đồng bào DTTS ở huyện Sơn Hòa đã có mặt tại UBND xã Ea Chà Rang khi biết có đoàn cán bộ của Trung tâm TGPL phối hợp với Phòng Tư pháp huyện về tổ chức dịch vụ hỗ trợ thông tin, thực hiện TGPL.

Cũng như nhiều người trong xã, gác việc ruộng rẫy, thu xếp việc nhà, ông Ma Bin ở thôn Xây Dựng đến trụ sở xã từ sớm. Ông chia sẻ: "Bà con trước giờ nhận thức pháp luật còn hạn chế. Khi cán bộ tỉnh về tuyên truyền, hỗ trợ thông tin, bà con mừng lắm. Vì chúng tôi không những được nâng cao nhận thức về pháp luật, mà còn hiểu hơn về chính sách TGPL của Đảng và Nhà nước dành cho người nghèo, người đồng bào DTTS. Chúng tôi mong muốn chương trình TGPL như thế này thường xuyên tổ chức ở địa phương".

Sau khi được nghe tuyên truyền về đối tượng, quyền, nghĩa vụ của người được trợ giúp; lĩnh vực, hình thức, người thực hiện và tổ chức thực hiện TGPL, trợ giúp viên cùng cán bộ Phòng Tư pháp huyện Sơn Hòa còn giải đáp vướng mắc của người dân địa phương về các chế độ chính sách, vấn đề về dân sự, hôn nhân gia đình, các vướng mắc về lĩnh vực đất đai, công tác bảo vệ, phát triển rừng cũng như vấn đề sinh kế của người dân, pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật về trẻ em; Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo và các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bà Mí Đạt (thôn Đá Bàn, xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa) đã hỏi thêm về các chính sách vay vốn phát triển sản xuất dành cho vùng đồng bào thiểu số đặc biệt khó khăn.

Bà Mí Đạt thắc mắc: “Tôi có 2ha đất rẫy, đang có nhu cầu vay thêm tiền để trồng keo lá tràm và chăn nuôi bò nhưng không biết vay qua kênh phụ nữ hay qua kênh xóa đói giảm nghèo? Nhờ đoàn giải thích rõ để tôi và bà con được biết?”. Sau khi tiếp nhận câu hỏi của bà, các thành viên đã lần lượt giải đáp thỏa đáng vấn đề mà bà nêu.

pl.jpg
Trợ giúp viên Trung tâm TGPL tuyên truyền Luật TGPL cho người dân xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa

Còn chị La Thị Kim Ánh (xã Sơn Định) thì hỏi về việc người thuộc diện nào được TGPL miễn phí. Vì hiện nay nhiều người dân ở Sơn Định nói riêng và huyện Sơn Hòa nói chung chưa biết nhiều đến Luật TGPL. Do đó, khi có vướng mắc thì thường nhờ đến luật sư, nhưng không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để thuê luật sư tư vấn hay tham gia đại diện ngoài tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho mình. Vì vậy, sau khi được cán bộ Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh giới thiệu một số nội dung cơ bản về pháp luật TGPL và các văn bản liên quan, chị Ánh hiểu thêm nhiều điều…

Ea Cha Rang là xã còn nhiều khó khăn của huyện Sơn Hòa, 70% dân số xã là người đồng bào DTTS. “Khả năng, trình độ nhận thức của người dân nơi này còn nhiều hạn chế. Vì vậy, thời gian qua, địa phương phối hợp với các cơ quan, ban ngành tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền pháp luật cho bà con, nhất là lĩnh vực an toàn giao thông, quản lý bảo vệ rừng cũng như các luật liên quan đến đời sống dân sinh trên địa bàn.

Qua chương trình tuyên truyền, tư vấn pháp luật, TGPL của Trung tâm TGPL, bà con sẽ chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế tối đa việc vi phạm pháp luật, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương”, ông Lê Chăm Thư, Bí thư Đảng ủy xã Ea Chà Rang chia sẻ.

Là người khuyết tật, Ma Đương ở thôn Độc Lập A (xã Ea Chà Rang) nhờ người thân chở đến xã để được nghe truyền thông về pháp luật. Ma Đương phấn khởi nói: "Sau khi được cán bộ Trung tâm TGPL giới thiệu về Luật TGPL và một số nội dung liên quan, tôi cũng như nhiều bà con rất mừng khi hiểu biết thêm quyền lợi mà Đảng, Nhà nước dành cho người đồng bào DTTS. Chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước quan tâm TGPL miễn phí".

Với phương châm “Dân không đi thì cán bộ tìm tới”, thời gian qua, cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh lặn lội đến nhiều miền quê, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý cho người dân.

Thực tế, nhiều trường hợp người dân thuộc diện được hưởng chế độ chính sách nhưng hồ sơ đang bị “kẹt” lại hoặc tồn đọng mấy năm trời. Nguyên nhân xuất phát từ việc người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, trong khi cơ quan nhà nước chưa giải thích, hướng dẫn một cách thấu đáo.

Nhận được phản ánh, cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã phối hợp với đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý trên địa bàn trực tiếp gặp mặt để tìm hiểu, sao chụp hồ sơ, xác minh rõ đối tượng được trợ giúp.

Với mục tiêu tập trung vào thực hiện vụ việc TGPL, trong đó chú trọng vụ việc tham gia tố tụng, cùng với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh, thì số lượng và chất lượng vụ việc tham gia tố tụng của trung tâm đều được nâng lên, góp phần thực hiện tốt công cuộc cải cách tư pháp, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Trợ giúp viên pháp lý Ngô Văn Thành chia sẻ: "Qua những vụ việc tố tụng, gặp những con người, hoàn cảnh cụ thể, có những tranh chấp, vi phạm pháp luật do người dân cố ý hoặc thiếu ý thức, nhưng cũng có những vi phạm rất đáng tiếc, do không kiềm chế được hành vi của mình, do thiếu hiểu biết pháp luật...

Khi thực hiện trợ giúp pháp lý, chúng tôi đã gặp người dân, tìm hiểu về nhân thân, hoàn cảnh, động cơ phạm tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xác minh vụ việc, tìm những chứng cứ pháp lý, nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị tài liệu..., hướng dẫn, giúp đỡ pháp luật và động viên người dân, đôi khi anh em trợ giúp pháp lý còn góp tiền để giúp đỡ những người già, trẻ em, người nghèo khó khăn... rồi nhận được một vài câu nói mộc mạc, có khi là cả nước mắt từ người được trợ giúp pháp lý hoặc những ánh mắt thay cho lời cảm ơn của người đứng trước Tòa... cũng là niềm vui và nguồn động viên lớn cho chúng tôi".

Theo bà Nguyễn Thị Khánh Duy, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, trong thời gian qua, việc đẩy mạnh TGPL hướng về cơ sở đã phần nào tạo thuận lợi cho người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với pháp luật và giải quyết các chế độ chính sách khác như: bồi thường, tái định cư khi Nhà nước giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình quốc gia, cơ sở hạ tầng tại địa phương...

Bên cạnh đó, trung tâm còn phối hợp với các ban, ngành liên quan để tuyên truyền pháp luật, TGPL sâu rộng đến nhiều người dân. Điều này được thể hiện khi ngày càng nhiều các đối tượng được TGPL tìm đến Trung tâm TGPL tỉnh yêu cầu được TGPL, bào chữa, bảo về quyền và lợi ích của họ khi bị vướng vào pháp luật.

Đồng thời, tất cả các trường hợp có sai sót về hộ tịch như: cấp lại bản chính giấy khai sinh, cải chính hộ tịch về họ tên đệm, chữ lót, năm sinh, xác nhận hộ tịch... đều được hướng dẫn, giải quyết nhanh chóng theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho người dân được hưởng các chính sách đãi ngộ của Nhà nước, thuận lợi trong các thủ tục hành chính… Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, mà còn giúp người dân sống thượng tôn pháp luật…

Vy Ngọc