Gương sáng

Người "giữ hồn" Ba Na ở KonKlor

Văn Hà 07/10/2023 16:20

Tuy tuổi đã cao, cuộc sống vẫn đầy ắp khó khăn nhưng niềm đam mê giữ gìn, phát huy văn hóa trong nghệ nhân Y Beo (78 tuổi ở làng KonKlor, TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) vẫn luôn còn mãi. Bằng những đóng góp thiết thực của mình, bà đã được tặng nhiều giấy khen về trong lĩnh vực hát dân ca, dệt thổ cẩm và được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Chúng tôi có dịp đến thăm nhà nghệ nhân Y Beo và trò chuyện với bà về nhiều chủ đề xoay quanh các bài hát dân ca truyền thống của dân tộc Ba Na. Lấy cuốn vở được cất giấu trong chiếc tủ cũ kỹ ra, nghệ nhân Y Beo cẩn thận lật từng trang ghi chép các bài hát do bà sưu tầm được.

Vừa phiên dịch lời, bà vừa ngâm nga giai điệu cho chúng tôi nghe. Những đoạn nhạc dù ngắn, nhịp điệu đơn giản nhưng khi nghe nghệ nhân Y Beo cất tiếng hát tạo cho người nghe cảm giác yên bình như những lời hát ru của bà hay mẹ ngày xưa êm đềm, sâu lắng.

Kể về cơ duyên đến với dân ca Ba Na, nghệ nhân Y Beo cho biết, bà tiếp xúc với dân ca Ba Na khá muộn so với bạn bè cùng trang lứa vì từ nhỏ mẹ mất sớm, bà không có điều kiện như các bạn nhỏ khác nên không có cơ hội giao lưu, học tập nhiều. Những kiến thức về dân ca hay dệt thổ cẩm của bà chỉ là học lỏm qua người này người khác, bà luôn ấp ủ một lúc nào đấy có một người thầy chỉ dạy cho mình bài bản, từng li từng tí.

a22.jpeg
Nghệ nhân Y Beo (bên trái) lo lắng trong tương lai không xa, các giá trị văn hóa của dân tộc mình sẽ dần mai một

Đến năm 12 tuổi, bà được các sơ trong nhà thờ cho đi học văn hóa ở Đà Lạt. Tại đây, bà được tiếp xúc nhiều với các bạn cùng trang lứa lại am hiểu về văn hóa dân gian. Được học văn hóa, biết đọc biết viết càng làm cho bà tiếp thu nhanh, học hỏi được nhiều điều.

Đến khi về lại Kon Tum, bà tham gia vào các đội nghệ nhân trẻ tuổi tại làng và có cơ hội thường xuyên tham gia biểu diễn, trau dồi, học hỏi thêm. Chẳng mấy chốc, với năng khiếu sẵn có của mình, khi vừa tròn đôi mươi, nghệ nhân Y Beo đã trở nên nổi tiếng bởi khả năng hát dân ca dân tộc của mình. Từ đó bà thường xuyên đi hát tại các lễ hội của làng, xã…

ba-y-beo-luon-tran-tro-vi-san-pham-tho-cam-khong-co-dau-ra-1-.jpg
Không những giữ gìn tiếng hát, dân ca Ba Na, nghệ nhân Y Beo còn biết dệt thổ cẩm

Theo bà Y Beo, dân ca của người Ba Na gồm có sử thi, hát ru và những bài cúng tế trong các dịp lễ hội. Đối với các bài để làm lễ cúng tế thì bà ít hát vì hầu hết công việc này dành cho đàn ông, những nghệ nhân chuyên hát kể sử thi sẽ có chất giọng và độ bền bỉ hơn.

“Dân ca của người Ba Na mang một đặc trưng riêng so với các dân tộc khác ở cách hát, nhịp điệu và ca từ vì ảnh hưởng của môi trường sống ngày xưa. Khi hát ru không chỉ bằng lời mà bằng cả chuyển động nhịp nhàng của cơ thể như để minh họa thêm cho lời hát”, nghệ nhân Y Beo nói.

Không những giỏi về am hiểu văn hoá, hát hay dân ca Ba Na mà nghệ nhân Y Beo còn biết diệt thổ cẩm. Bên hiên nhà rộng rãi, nghệ nhân Y Beo mang ra khung cửi cùng những sấp vải đang dệt dang dở để giới thiệu cho chúng tôi xem. Những tiếng lách cách đặc trưng của chiếc khung gỗ dệt thổ cẩm vang lên, nghệ nhân Y Beo làm chậm rãi từng động tác để chúng tôi dễ quan sát.

Theo bà, người Ba Na vốn tính tình hiền lành, sống chan hòa cùng cộng đồng, núi rừng nên các họa tiết trên thổ cẩm của người Ba Na thường sử dụng các màu chủ đạo như đen, đỏ, vàng thông dụng. Các vật dụng bằng thổ cẩm của người Ba Na ngoài làm trang phục trong mỗi dịp lễ hội, còn có thể làm các vật dụng trong nhà, trong đám cưới hoặc đám hỏi.

ba-y-beo-ben-vuon-cay-canh-cua-minh.jpg
Nghệ nhân Y Beo mong muốn giới trẻ sẽ luôn đoàn kết, học tập, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình

Nghệ nhân Y Beo cho biết, những sản phẩm thổ cẩm truyền thống trước đây còn tạo thêm thu nhập cho gia đình rất đáng kể. Tuy nhiên, trước nhịp sống hiện đại thì nhu cầu về váy, áo, các vật dụng thổ cẩm cũng dần ít đi nên đã từ rất lâu bà không còn dệt thổ cẩm để bán mà chỉ để phục vụ trong gia đình, họ hàng. Trong điều kiện khó khăn đó, bà vẫn chưa bao giờ có ý định từ bỏ nghề dệt, vẫn luôn kiên trì “giữ lửa” nghề truyền thống này.

Trong sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa dân gian của mình, nghệ nhân Y Beo đã tham gia rất nhiều lễ hội và có nhiều học trò sau này đã trở thành những nghệ nhân có tiếng tại làng. Hiện tại dù đã cao tuổi, bà vẫn giữ được ngọn lửa đam mê văn hóa truyền thống và luôn sẵn sàng tham gia các lễ hội và đứng lớp giảng dạy hát dân ca, dệt thổ cẩm của dân tộc mình.

Nghệ nhân Y Beo cho rằng, khi truyền dạy lại cho lớp trẻ, điều khó khăn nhất là đam mê của các em với văn hóa dân gian chưa đủ lớn. Các em sau khi học xong thì ít thực hành, lao vào các trò giải trí hiện đại nên không phát huy được sự sáng tạo, năng khiếu thật sự của các em. Bà cũng rất lo lắng trong tương lai không xa, các giá trị văn hóa sẽ dần mai một.

Với những tài năng và đóng góp của mình trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Ba Na, nghệ nhân Y Beo đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen về các hoạt động trong việc gìn giữ làn điệu dân ca, dệt thổ cẩm. Đặc biệt, năm 2008, bà được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Văn Hà