Đời sống

Lạng Sơn kéo giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Diệp Trà 06/10/2023 - 12:18

Là xã “điểm nóng” của huyện Lộc Bình về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhiều năm qua xã Ái Quốc đã được các cấp ngành địa phương và tỉnh quan tâm triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Những giải pháp, cách làm từ năm 2021 đến nay được triển khai nhằm thực hiện mục tiêu trên.

Tiếp tục triển khai Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, giai đoạn 2021 - 2025, Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã chọn xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình để triển khai mô hình điểm. Mục tiêu đến năm 2025 xã Ái Quốc không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Sau một thời gian thực hiện, nhận thức và kỹ năng về phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho các đoàn viên, thanh niên, học sinh nam, nữ là người DTTS được nâng cao. Những người trong độ tuổi chuẩn bị kết hôn trên địa bàn xã Ái Quốc được tiếp cận hoạt động tư vấn và khám sức khỏe. Người có uy tín trong đồng bào DTTS và cộng tác viên các CLB được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS...

langsondtts-498.jpg
Người dân ở xã Ái Quốc thường xuyên được tuyên truyền kỹ năng về phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Quá trình triển khai, các hoạt động như truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật về hôn nhân và gia đình. Lực lượng tham gia đã biên soạn, cung cấp tài liệu và tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động, tư vấn pháp luật, đối thoại chính sách về hôn nhân và gia đình tại địa bàn đồng bào DTTS.

Để việc tuyên truyền hiệu quả hơn, đội ngũ cán bộ kết hợp tổ chức tập huấn, xây dựng các tiểu phẩm, ấn phẩm, tờ rơi, pa nô, áp phích... Triển khai các hội nghị tuyên truyền, hội thảo, hội thi, tọa đàm, giao lưu văn hóa, văn nghệ; kết hợp tổ chức các lễ hội truyền thống của dân tộc, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt văn hóa, giúp đồng bào tiếp cận thông tin, tham gia tối đa.

Xã Ái Quốc có 9 thôn với 2.119 nhân khẩu, trong đó có tới 96,63% là người dân tộc Dao và cũng là xã đặc biệt khó khăn. Nhiều năm nay, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn diễn ra “như cơm bữa”. Để chấm dứt tình trạng này, những năm gần đây, các cấp ngành, địa phương kết hợp với UBND xã đã chỉ đạo các tổ chức, bộ phận liên quan trong xã và các thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con chấp hành nghiêm các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.

Từ năm 2021, UBND xã Ái Quốc thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã triển khai thực hiện việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chỉ đạo thành lập ban vận động ở các thôn. Đến nay với 9 thôn, các thôn của xã đã thành lập ban vận động và hoạt động có hiệu quả.

Như tại thôn Đoàn Kết, Ban vận động chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của thôn với 8 thành viên, gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn và chi hội trưởng các chi hội đoàn thể. Ban vận động có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, phân tích, lồng ghép các hình thức tuyên truyền để người dân hiểu rõ hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Mặt khác, Ban vận động còn lấy ý kiến của người dân góp ý vào hương ước và quy định liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở thôn. Bằng nhiều biện pháp triển khai, kết hợp các ban ngành, các hộ dân trong xã, thôn đều chấp hành nghiêm các quy định đề ra. Nhờ đó, đến nay, thôn không còn trường hợp hôn nhân cận huyết.

“Trước đây, theo phong tục của người Dao là chúng tôi thường dựng vợ gả chồng từ 14 – 15 tuổi, nhưng hiện nay được thôn, xã tuyên truyền, chúng tôi thấy việc kết hôn sớm không đảm bảo về sức khỏe và tinh thần, nên chúng tôi đều giáo dục con cái phấn đấu học tập và chỉ kết hôn khi đủ tuổi theo quy định”, anh Đặng Văn Quang, người dân thôn Đoàn Kết tâm sự.

Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn, huyện Lộc Bình tiếp tục vận động đồng bào xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Góp phần ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS.

Diệp Trà