Bảo tồn di sản văn hóa qua trưng bày chuyên đề “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan Phú Thọ”
Bảo tàng Hùng Vương tỉnh Phú Thọ vừa phối hợp với Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức trưng bày chuyên đề “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan Phú Thọ”. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh và bảo tồn di sản văn hóa của cộng đồng, qua đó, bồi đắp cho mỗi con người Việt Nam về tình yêu quê hương đất nước, trọng nghĩa đồng bào và trân trọng lịch sử dân tộc.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là hai Di sản văn hóa phi vật thể truyền thống độc đáo, đặc sắc, biểu trưng cho triết lý nhân văn “Con người có tổ có tông”, “Uống nước nhớ nguồn”; “Ăn quả nhớ người trồng cây”, thể hiện giá trị tôn vinh tổ tiên và sự kết nối với nguồn gốc và nguồn cội của dân tộc Việt Nam.
Trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, qua bao giai đoạn lịch sử thăng trầm, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và nghệ thuật truyền thống Hát Xoan ở Phú Thọ thật sự là một ví dụ xuất sắc về sức sống trường tồn của văn hóa dân gian. Việc bảo tồn truyền thống tín ngưỡng và nghệ thuật từ thế hệ này sang thế hệ khác là việc làm quan trọng, đảm bảo tín ngưỡng và nghệ thuật không bị mất đi.
Lễ hội Đền Hùng gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tổ chức vào đầu tháng Ba âm lịch hàng năm. Trong hội Đền Hùng nhân ngày Giỗ Tổ có tiến hành nghi lễ hát thờ (tục gọi là hát Xoan).
Sự kết hợp giữa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và nghệ thuật truyền thống hát Xoan đã thực sự tạo ra một không gian thực hành vô cùng đặc biệt và linh thiêng. Trong không gian này, hát Xoan không chỉ là một nghệ thuật biểu diễn mà còn là một phần không thể thiếu của Lễ hội.
Những làn điệu ca Xoan với những ca từ truyền tải thông điệp biết ơn tổ tiên, ca ngợi tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng dân tộc, trong không gian lễ hội văn hóa làng xã, những di tích lịch sử, trong mỗi nếp nhà, trong mỗi trái tim người Việt luôn là điều vô cùng linh thiêng và là niềm tự hào dân tộc.
Hơn 10 năm qua, hành trình di sản vẫn luôn được nối tiếp, như những cánh sóng lan tỏa đến 4 biển 5 châu, nhân lên niềm tự hào dân tộc và trường tồn trong lòng người, trong lòng dân tộc như một sợi chỉ đỏ nối kết quá khứ với hiện tại, là bệ đỡ tâm linh cho các thế hệ con người Việt Nam.
Mỗi người dân đều tự hào hướng về nguồn cội, tiên tổ và cần thấy mình có trách nhiệm gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau để cùng tạo nên sức mạnh văn hóa con người Việt Nam.
Tại Bảo tàng Đắk Lắk, trưng bày chuyên đề “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát xoan Phú Thọ” giới thiệu 100 hình ảnh hiện vật tư liệu gắn liền với hai di sản của vùng đất Tổ. Đến với trưng bày, công chúng có thể tìm hiểu về các hiện vật khảo cổ thuộc giai đoạn văn hóa tiền Hùng Vương như: Nha chương, Trang sức bằng đá thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, Khóa đai lưng đồng, Trống đồng Thượng Nông cùng với các di tích và lễ hội đặc trưng, được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng và các vị thần có công với làng, với nước, đồng thời cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sinh sôi nảy nở và xã tắc bình an, thái hòa.
Các câu chuyện hiện vật, di tích, lễ hội được giới thiệu tại trưng bày giúp công chúng hiểu rõ hơn về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng như Hát xoan, loại hình dân ca nghi lễ, phong tục gắn liền với tục thờ cúng Vua Hùng của người dân Phú Thọ.
"Bảo tàng Hùng vương mong muốn tạo ra sự lan tỏa trong cộng đồng hiểu về những giá trị di sản văn hóa này và giới thiệu, giáo dục các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống nòi giống và tính cộng đồng của dân tộc Việt Nam. Đồng thời cũng là thực hiện cam kết của chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ và Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế để bảo vệ 2 di sản này và tạo nên một sức sống trường tồn của 2 di sản mà nhân loại vinh danh", ông Ngô Đức Quý, Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương chia sẻ.