Nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân thông qua các phiên tòa lưu động
Các phiên tòa xét xử lưu động không chỉ mang tính chất răn đe, nghiêm trị đối tượng phạm tội mà còn là hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật hiệu quả, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm.
Vừa xét xử, vừa tuyên truyền
Hiện nay, tội phạm trên địa bàn huyện Điện Biên (Điện Biên) vẫn diễn biến phức tạp, chủ yếu là tội phạm về ma túy. Nguyên nhân của tình hình tội phạm là do lợi nhuận từ việc mua, bán ma túy cao, người nghiện ma túy ngày càng gia tăng, hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật còn thấp, ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người dân không cao.
Các cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền nhằm giảm thiểu tình trạng phạm tội trên địa bàn huyện, phục vụ kịp thời tình hình chính trị địa phương, góp phần ổn định trật tự trị an, nâng cao hiệu lực công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn.
Đặc biệt, trong mấy năm gần đây, các đơn vị trong TAND hai cấp tỉnh Điện Biên đã quan tâm chú trọng đến công tác tuyên truyền pháp luật thông qua các phiên tòa xét xử lưu động. Tại các phiên tòa, quá trình xét hỏi, luận tội và tranh tụng, các cơ quan tố tụng đã tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân tham dự phiên tòa nâng cao hiểu biết về công tác quản lý của Nhà nước đối với các chất ma túy, từ đó nhắc nhở người dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác, tố giác tội phạm và các quy định pháp luật liên quan đến ma túy.
Các phiên tòa lưu động được thu âm nội dung của quá trình xét xử rồi phát trực tiếp lên loa phóng thanh của UBND các xã và loa phóng thanh của từng thôn bản. Qua việc xét xử lưu động đã phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho người dân bằng trực quan sinh động.
Điều đáng ghi nhận là tại những phiên tòa xét xử lưu động này, trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử đã vận dụng các phương pháp nghiệp vụ, kinh nghiệm để phân tích, giải thích chính sách pháp luật cho bị cáo cũng như bà con nhân dân. Điều này giúp cho mọi người tham dự phiên tòa được tiếp cận thông tin trực tiếp, nhận biết được hành vi vi phạm pháp luật, có tác động tích cực đến tư tưởng, nhận thức và hành động của mỗi người, nhất là với đối tượng thanh, thiếu niên, từ đó họ sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình để tránh vi phạm pháp luật.
Người dân dễ hiểu, dễ tiếp thu
Xét xử lưu động là một trong những hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật mà người dân dễ tiếp thu và mang tính thực tiễn cao, nhất là ở nơi còn là "điểm nóng" về tội phạm ma túy.
Vì vậy, những năm gần đây, TAND các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đẩy mạnh công tác phối hợp với các cấp, các ngành và địa phương tăng cường mở các phiên tòa xét xử lưu động, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật trong cộng đồng dân cư, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật.
Theo số liệu thống kê của TAND tỉnh Nghệ An từ đầu năm đến nay, TAND hai cấp đã đưa ra xét xử lưu động 51 vụ, chủ yếu với các tội danh liên quan đến ma túy như tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, mua bán người... Các vụ án được lựa chọn đưa ra xét xử lưu động đều là những vụ án hình sự có tính chất điển hình về tội danh, hành vi phạm tội và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Điều dễ nhận thấy là phần lớn các phiên tòa xét xử tại trụ sở Tòa án thường vắng người hơn. Ngoài những người tham gia tố tụng được triệu tập chỉ có thêm một vài người nhà bị cáo, thậm chí có những phiên tòa chỉ có một mình bị cáo.
Trong khi đó, những phiên tòa xử lưu động thường thu hút đông người đến dự. Do đó, không thể phủ nhận tính hiệu quả của hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phiên tòa xét xử lưu động. Bởi qua đó, người dân được tiếp cận các quy định của pháp luật một cách chủ động, trực quan, dễ hiểu, dễ tiếp thu, nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật.
Không chỉ ở Điện Biên và Nghệ An, mà ở nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa nơi có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, do sự phát triển không đồng đều cả về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật lẫn thu nhập nên người dân không có phương tiện nghe nhìn để tiếp cận thông tin. Hơn nữa, do trình độ dân trí thấp, một bộ phận nhân dân thậm trí còn không biết chữ, không nghe, không nói được tiếng phổ thông thì việc đến dự phiên tòa xét xử lưu động được nghe, dịch tiếng phổ thông chính là giải pháp để giúp người dân có cơ hội tiếp cận với pháp luật một cách hữu hiệu nhất.
Đặc biệt, việc tổ chức các phiên tòa lưu động đối với những vụ án lớn, có tính chất phức tạp tại các vùng sâu, vùng xa càng có giá trị tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật cao trên địa bàn.