Phát triển - Hội nhập

Lào Cai: Đẩy mạnh đào tạo nghề nông nghiệp trong chương trình mục tiêu quốc gia

Nguyên Đăng 02/10/2023 - 08:43

Trong 9 tháng đầu năm 2023, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, toàn tỉnh Lào Cai đã triển khai 18/23 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn cho 630 học viên.

Năm 2023, Sở NN & PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 29/3/2023 về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngay từ đầu năm 2023, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn đã được Sở NN&PTNT chủ động phối hợp với Sở Lao động - TBXH, Sở Thông tin và truyền thông xây dựng chuyên mục tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm trên các phương tiện thông tin đại chúng và Cổng thông tin điện tử của Sở với nội dung tuyên truyền về các ngành nghề đào tạo và các chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, dân tộc thiểu số và thông tin thị trường lao động, việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng... Đồng thời, lồng ghép với các cuộc họp thôn, bản nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Để công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đạt hiệu quả và sát với thực tiễn ở các địa phương, Sở NN &PTNT tỉnh đã phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn; nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Công tác điều tra được thực hiện từ các thôn, bản, tới từng hộ gia đình, trên cơ sở nhu cầu thực tiễn của người dân trước khi tiến hành mở lớp đào tạo.

Việc khảo sát nhu cầu học nghề được thực hiện hàng năm đã giúp cho việc mở các lớp dạy nghề hàng năm được sát với thực tế của từng địa phương. Trong đó, tập trung vào các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu; trồng chuối, trồng chè, khai thác rừng trồng, kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc; phòng trị bệnh cho lợn/gà…

Theo Trung tâm Khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp tỉnh, một trong những đơn vị tham gia đào tạo nghề nông nghiệp với 10 lớp trong 9 tháng đầu năm 2023 thì công tác lựa chọn học viên được các cơ sở dạy nghề thực hiện chặt chẽ đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách, phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động. Cùng với đó đội ngũ giáo viên của các cơ sở đào tạo nghề có năng lực, trình độ đáp ứng tốt yêu cầu đạo tạo nghề hiện nay. Các học viên đã lựa chọn và đăng ký học các nhóm nghề phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế gia đình và chủ trương phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh.

khoai-sam-1.jpg
Các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn được diễn ra thường xuyên trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Theo Sở NN & PTNT tỉnh, tỷ lệ học viên sau đào tạo đa số phát huy tốt kiến thức đã học vào sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ học viên có việc làm ngày càng tăng theo từng năm. Công tác kiểm tra, giám sát luôn được ngành quan tâm, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát để nắm bắt kịp thời những khó khăn vướng mắc ở cơ sở để có các giải pháp giải quyết kịp thời đảm bảo đúng quy định của Chương trình đáp ứng được nhu cầu đào tạo tại địa phương theo sự chỉ đạo của tỉnh.

Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, đó là còn một số lớp chưa tuyển sinh được do nhu cầu học viên giảm; định mức và chính sách hỗ trợ cho lao động nông thôn tham gia họcc nghề còn thấp, chưa khuyến khích lao động tham gia học nghề; học viên học xong còn khó tìm việc làm trong các doanh nghiệp nông nghiệp do Lào Cai còn chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp.

Đặc biệt, do chính sách của Trung ương chỉ cho ứng 50% kinh phí thực hiện công tác đào tạo nghề nên khó khăn cho các đơn vị thực hiện việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho các học viên, thù lao giảng viên, mua vật liệu thực hành. Hơn nữa, quy định mỗi người chỉ được học một nghề là rào cản lớn cho các hộ sản xuất mang tính mô hình tổng hợp và lao động muốn chuyển đổi nghề…

Để hoàn thành mục tiêu năm 2023 là đào tạo 23 lớp/805 học viên và nâng cao chất lượng, hiệu quả các lớp đào tạo nghề; tạo điều kiện cho lao động nông thôn được tham gia học nghề với sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm tạo nguồn nhân lực có trình độ tay nghề, tạo việc làm, tăng năng suất lao động và nâng cao thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế để từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Trong thời gian tới, rất cần ngành nông nghiệp cũng như các cơ sở đào tạo nghề nông nghiệp tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các địa phương; đảm bảo thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu, đó là đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng đến việc đảm bảo chất lượng và hiệu quả đầu ra cho học viên sau khoá học. Kiên quyết không để các cơ sở đào tạo không đủ điều kiện, tổ chức kém hiệu quả tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Làm tốt khâu khảo sát, tư vấn về học nghề, xây dựng kế hoạch ban đầu đảm bảo phù hợp với thực tế.

Nguyên Đăng