Văn hóa dân tộc Chu Ru hồi sinh diệu kỳ qua vũ điệu Tamya
Suốt một thời gian dài, vũ điệu dân dã Tamya của người Chu Ru đã rơi vào quên lãng. Nhưng trong những năm gần đây, vũ điệu này bỗng “hồi sinh” mạnh mẽ, trở thành nét văn hoá quý báu trong đời sống văn hóa cộng đồng của tộc người Chu Ru.
Đồng bào Chu Ru là một trong những tộc người có kho tàng đồ sộ về văn hoá, âm nhạc truyền thống. Đó là những bộ cồng, chiêng, trống, rơkel (kèn bầu, hay còn gọi kèn đing năm), cùng với rất nhiều những điệu múa cổ xưa, như múa Tamya ,vũ điệu Arya, T’rumpô, Păhgơnăng, Damtơra...
“Đối với người Chu Ru, trong các sự kiện có tính cộng đồng, cộng cảm, không thể thiếu các điệu Tamya trên hợp âm cồng chiêng, rơkel và trống gơnang. Đó là lễ thức quan trọng trong đời sống tâm linh, văn hóa cộng đồng người Chu Ru”, nữ nghệ nhân Touleh Ma Bio, trú tại bản Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng chia sẻ.
Khi những tia nắng cuối ngày dần tắt trên đỉnh núi, khi những nếp nhà bập bùng ánh lửa cũng là lúc những chàng trai, cô gái miền sơn cước biểu diễn những vũ điệu cồng chiêng thiết tha nhịp điệu mừng khách. Khi đêm hội kết nối cộng đồng bắt đầu, cũng là lúc các "vũ công" trình diễn vũ điệu Arya với ý nghĩa mời khách uống rượu cần và cùng nhảy múa.
Theo nghệ nhân Ma Bio, Arya là vũ điệu dành cho các cuộc vui của hầu hết các lễ hội và những sự kiện trọng đại của đời người Chu ru. Khi phần lễ kết thúc, âm thanh của chiêng ba (sar), của trống Păh gơnăng, trống Sơng gơr và kèn bầu (Rơ kel) vang lên cũng là lúc mọi người bắt đầu hòa nhịp cùng điệu Tamya Arya. Vũ điệu có động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển, duyên dáng với những bước di chuyển ngắn, nhịp nhàng.
Hơn nữa, Arya mang nặng tính cộng đồng, động tác đơn giản nên ai cũng đều có thể hòa nhịp. Tuy nhiên, cũng có đòi hỏi nhất định như đôi tay của người múa phải đưa lên đúng nhịp chiêng, đôi chân bước theo đúng nhịp trống. Vũ điệu mở đầu và kết thúc không theo một khuôn định, có thể kéo dài và kết thúc tùy thuộc vào không khí của lễ hội.
Nếu Arya gợi mở cuộc vui vào đêm bất tận, thì T’rumpô là tấu khúc nhã nhặn, khúc thức trong nhịp điệu mời thần. Trong các vũ điệu của người Chu Ru T’rumpô là vũ điệu thiêng (múa tín ngưỡng), một nghi thức mời gọi thần linh về chứng giám và nhận lễ vật mà buôn làng hay dòng tộc đã dâng cúng trong các lễ cúng thần: thần Mương nước (Rơ Bông), thần Lúa (Mơ Nhum), thần Đập nước (Bơ Mung), thần cây cổ thụ (YangWer) hoặc lễ cúng tổ tiên (Pơ khi mô cay) và lễ bỏ mả (Pơthiatơu)....
Theo nghệ nhân Ma Bio, với điệu T’rumpô, người múa chịu sự hướng dẫn của các thầy cúng. Các bài chiêng gọi thần linh là nhịp đệm cho điệu múa được sắp xếp theo một trình tự nhất định với tiết tấu rất chậm, dứt khoát từng tiếng một…
Hòa cùng âm thanh và không gian linh thiêng đó, các thiếu nữ sẽ hóa thân vào vũ điệu mang đầy màu sắc kỳ ảo, với những động tác uyển chuyển và rất “thần”, biểu hiện thế giới tâm linh của họ, đó là mong cầu sự che chở, phù hộ của các đấng thần linh.
Ngoài Arya, T’rumpô, người Chu Ru còn có vũ điệu Đămtơra kết nối trai gái. Vũ điệu có tiết tấu nhạc đệm thôi thúc, rộn ràng, vui tươi và nhịp nhàng. Động tác múa giống như vũ điệu Arya, nhưng các cặp đôi trong vũ điệu Đămtơra có quyền được “sáng tạo” thêm những động tác theo ngẫu hứng.
Đặc biệt, cuộc vui càng về khuya, trong hương rượu nồng nàn, động tác múa của các sơn nữ càng quyến rũ và gợi cảm. Đây cũng là dịp để các chàng trai, cô gái Chu Ru tìm người bạn đời của mình.
“Đối với người Chu Ru, trong các dịp lễ hội dù lớn hay nhỏ, khi âm thanh của chiêng ba, tiếng trống gơnang và rơkel vang lên thì mọi người cùng hòa nhịp Tamya. Đó là sự giao hòa âm dương, biểu hiện của sự tương giao bền chặt”, nghệ nhân Ma Bio chia sẻ.
Những vũ điệu Tamya luôn tạo cho người xem một ấn tượng độc đáo. Mỗi vũ điệu đều mang một sắc thái riêng. Đó là sự giao thoa giữa thế giới hiện tại và thế giới siêu nhiên, giữa con người và thần linh. Và nó cũng là phương tiện giao tiếp, là niềm khát vọng sống mãnh liệt, lạc quan yêu đời của tộc người Chu Ru…
Trải qua bao năm tháng, những điệu Tamya đã trở thành nét văn hóa quý báu, không những thỏa mãn được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần trong cộng đồng, mà còn là niềm kiêu hãnh, tự hào của của người Chu Ru và đang ngày càng có nhiều người trong và ngoài nước biết đến.