Gương sáng

Cô gái Tày khởi nghiệp với đặc sản quê hương

Thanh Hải 01/10/2023 - 08:51

Nhận thấy món bánh gio ba góc có những đặc trưng riêng, chị Lộc Thị Chanh (SN 1991, dân tộc Tày) đã quyết định đầu tư vào sản phẩm này. Từ hộ sản xuất nhỏ lẻ, chị đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã (HTX) Bánh gio Nông Thượng chuyên sản xuất bánh gio ba góc, vừa góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, vừa giữ gìn hương vị món bánh đặc sản của quê hương.

Nặng lòng với sản phẩm quê hương

Trong căn nhà nhỏ với nồi bánh gio đang sôi trên bếp, Lộc Thị Chanh thoăn thoắt đôi tay gói bánh và kể cho chúng tôi về hành trình khởi nghiệp từ bánh gio của mình. Chị chia sẻ: Gia đình lúc nào cũng là hộ nghèo của bản, bố mẹ vì cố gắng cho ba chị em được đi học nên phải ra ngoài làm thuê, làm mướn. Cuộc sống khó khăn nên ngoài việc học, chị cũng đi làm thêm, đi gánh gạch cùng bố mẹ sau mỗi buổi đi học. Nếu hôm nào không đi làm gạch thì chị lại đi hái măng, hái bông chít, quả chè về bán.

Từ những vất vả của cuộc sống khiến chị có suy nghĩ phải làm sao để có thể giúp đỡ gia đình về kinh tế. Nhớ ngày còn bé gạo ăn còn đủ, muốn ăn bánh gio thì phải đợi các ngày lễ Tết lớn trong năm mới làm để ăn, từ năm 2017, thấy bánh cũng có bán ở chợ, chị nghĩ tại sao mình không thử làm bánh để bán trên các trang mạng xã hội cho các bạn ngoài tỉnh, để quảng cáo bánh đặc sản của dân tộc mình.

Nhận thấy có rất nhiều người yêu thích món bánh truyền thống của địa phương mình và phản hồi của khách hàng khá tốt, vốn luôn ấp ủ ước mơ được lập nghiệp và làm giàu trên mảnh đất quê nhà, chị đã không ngừng nỗ lực học tập, nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm nhiều công thức làm bánh nhằm nâng cao thu nhập cho bản thân, gia đình và người dân địa phương.

2(2).jpg
Bánh gio được giới thiệu trong các hội chợ, triển lãm.

Do khai thác được lợi thế sẵn có từ nguồn nguyên liệu của địa phương (cây chít mọc khắp nương rẫy, nếp nương có sẵn, nguồn nguyên liệu gio từ các xưởng bóc đốt phần gỗ thừa), truyền thống làm bánh gio của gia đình và chặt chẽ trong các khâu lựa chọn nguyên liệu nên bánh của chị Chanh luôn có độ dẻo, trong, thơm, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Từ cơ sở nhỏ lẻ chị thành lập HTX, lượng bánh cũng nhiều hơn. Chị bắt đầu kêu gọi các chị em trong bản cùng làm và mọi người cũng tin tưởng đồng hành cùng chị. Đến năm 2022, chị đã thành công đưa bánh gio đạt tiêu chuẩn Ocop 3 sao.

Hiện nay, HTX bánh gio Nông Thượng của chị có 9 thành viên chủ yếu là người Tày, người Dao, lao động thường xuyên có 12-15 người tùy từng thời điểm với thu nhập bình quân 7-9 triệu/tháng. Trung bình mỗi ngày HTX sản xuất 3.000-5.000 bánh gio, vào các dịp lễ Tết thì số lượng bánh được làm ra trên 1 vạn bánh/ ngày. Hiện bánh đã được bán ở các siêu thị, các cửa hàng thực phẩm, nông sản sạch; thị trường mở rộng từ Bắc vào Nam và nhiều khách hàng đặt bánh mang ra nước ngoài.

Theo chị Chanh, bánh gio của HTX nguyên liệu chính gồm gạo nếp cái hoa vàng, nước gio, lá chít, lạt buộc. Bánh chỉ gói bằng lá chít bánh tẻ xanh thẫm. Bà con trong thôn thường lên rừng lấy lá từ sáng sớm, lựa chọn cùng một kích thước, bánh gio được gói bằng lá chít có vị thơm đặc trưng riêng. HTX thu mua lá chít tươi khi lấy về được dùng khăn lau sạch, tận dụng luôn nước sôi của mẻ bánh trước để luộc.

Để có thể làm bánh dẻo, ngon, mẫu mã đẹp ngoài việc lựa chọn gạo nếp ra thì việc phải lựa chọn lượng gio phù hợp để sau khi ngâm gạo với gio qua đêm, bánh sẽ có màu đẹp và mùi thơm cũng quan trọng không kém.

Chị Chanh cho biết, nước gio là thành phần quan trọng nhất tạo nên hương vị riêng của bánh. Gio thường được để nguội, bọc vào trong vải xô hoặc rổ tre kín mắt, sau đó châm nước đun sôi để nguội vào bọc gio và hứng lấy nước. Một bọc gio tùy theo ước lượng của người làm bánh mà châm nước cho vừa. Nước gio được lọc cẩn thận rồi đun sôi, để nguội. Nước nhạt quá bánh sẽ không lên màu đẹp, còn nước đậm quá lại có mùi hắc của gio, có vị đắng khiến bánh không ngon.

Theo chị, cho dù đời sống phát triển hiện đại ra sao, hương vị quê nhà, hồn quê vẫn còn trong mỗi món quà bánh của cha ông xưa. Và chị sẽ góp phần là người tiếp lửa cho nghề truyền thống bánh gio ba góc Bắc Kạn vươn xa hơn.

Hái quả ngọt sau thời gian cố gắng

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình HTX phát triển, chị Lộc Thị Chanh cho biết: "Khi mới thành lập, tôi không được gia đình ủng hộ, vì nghĩ phương án mở rộng thị trường và vốn để đầu tư vào cũng gặp nhiều khó khắn. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của bản thân, dần dần mọi người thay đổi quan niệm, ủng hộ".

3(1).jpg
Chị Lộc Thị Chanh được tuyên dương tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc năm 2023.

Bên cạnh việc sản xuất bánh hành ngày, chị Chanh cũng luôn hỗ trợ cho các hộ gia đình đang muốn phát triển theo hướng kinh doanh sản xuất bánh gio; truyền, dạy nghề cho các bạn trẻ tạo việc làm, tăng thu nhập... Ngoài ra, chị còn tích cực tham gia và đạt giải trong Cuộc thi Ý tưởng phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp năm 2022 với ý tưởng: “Tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” do Hội liên hiệp phụ nữ Tp. Bắc Kạn tổ chức và được vinh dự nhận bằng khen, giấy khen của các cấp lãnh đạo tỉnh, thành phố Bắc Kạn.

Ông Triệu Văn Nhúc, Chủ tịch xã Nông Thượng cho biết: Nông Thượng là xã vùng cao, khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm tỷ lệ khá cao. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo, những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân mạnh dạn mô hình sản xuất kinh doanh.

Nói về HTX Bánh gio Bắc Kạn, ông Nhục đánh giá rất cao tinh thần quyết tâm khởi nghiệp của chị Lộc Thị Chanh. Điều này khẳng định khát vọng vươn lên và vị thế của nữ thanh niên dân tộc ít người. Mặc dù con đường khởi nghiệp phía trước còn khó khăn, nhưng chị Chanh không ngại khó, ngại khổ vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Đồng chí Phượng Hoàng Minh - Bí thư Đảng ủy xã Nông Thượng cho biết: “Những năm gần đây, chính quyền xã luôn quan tâm lồng ghép các chương trình, phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh, thành để hỗ trợ các HTX sản xuất những mặt hàng có giá trị kinh tế cao gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nhờ chủ động trong sản xuất, kinh doanh hiện HTX Bánh gio Bắc Kạn trên địa bàn xã hoạt động ổn định, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hội viên nông dân”.

1(2).jpg
Các thành viên Hợp tác xã bánh gio Nông Thượng gói bánh gio ba góc.

Với lòng nhiệt huyết, tinh thần dám nghĩ, dám làm, nỗ lực vượt khó để vươn lên của tuổi trẻ, mới đây, chị Lộc Thị Chanh vinh dự được là một trong 420 thanh niên toàn quốc được tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VII năm 2023 do Trung ương Đoàn tổ chức.

Chị Chanh xúc động chia sẻ về vinh dự này: “Chuyến đi vừa rồi thật sự là một món quà vô cùng may mắn đối với tôi. Có thể cả cuộc đời tôi sẽ không có lần thứ hai đạt được. Đến giờ, cảm xúc vẫn còn lưu lại trong tôi, nhất là khi được vinh danh. Ở đây, tôi cũng được giao lưu với các anh chị em xuất sắc, tài năng của cả nước. Qua đây, học hỏi được rất nhiều điều và cũng giới thiệu những đặc sản quê mình cho mọi người biết”.

Về hướng phát triển trong thời gian tới, chị Chanh mong muốn được mở rộng nhà xưởng sản xuất, ứng dụng công nghệ để giảm sức lao động, nghiên cứu sử dụng gạo nếp và các cách làm để bánh bảo đảm chất lượng, tăng sản lượng và đưa bánh gio vươn xa hơn, qua đó tạo thêm nhiều việc làm cho thành viên HTX, người dân địa phương.

Sau một hành trình dài nỗ lực, chị Lộc Thị Chanh cho rằng, khởi nghiệp luôn là một bài toán mạo hiểm, trách nhiệm của bản thân phải cao, vì còn liên quan đến lợi ích của rất nhiều người khác. Trong suốt quá trình khởi nghiệp, chị nhận thấy điều quan trọng nhất để thành công là luôn có tư duy đổi mới, sáng tạo; thứ hai là luôn đặt tâm huyết vào sản phẩm; thứ ba là luôn luôn kiên định với con đường mình đã chọn và bằng mọi cách phải tìm ra giải pháp để đạt được mục tiêu.

Thanh Hải