Pháp đình

TAND huyện Tủa Chùa: Tổ chức xét xử lưu động vụ án “Hủy hoại rừng"

K. Vy 30/09/2023 - 08:24

Mới đây, tại Nhà văn hóa - Ủy ban nhân dân xã Lao Xả Phình (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên), TAND huyện Tủa Chùa đã mở phiên tòa xét xử lưu động công khai vụ án hình sự sơ thẩm đối với 02 bị cáo về tội “Hủy hoại rừng”.

Các bị cáo trong vụ án này là Ly A Dờ và Vừ Thị Ghênh cùng trú tại thôn 1, xã Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Cả Dờ và Ghênh đều bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Tủa Chùa truy tố về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 243 Bộ luật hình sự.

Theo Cáo trạng, vào cuối tháng 12 năm 2021, tại tiểu khu 548, khoảnh 4, lô 4 thôn 1, xã Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, Ly A Dờ, Vừ Thị Ghênh đã có hành vi dùng dao phát chặt phá 4.248m2 là rừng phòng hộ, rừng tự nhiên gây thiệt hại số tiền là 12.981.800 đồng đối với 229 cây có trữ lượng gỗ 7,586m3.

Được biết, năm 2015 rừng phòng hộ Ủy ban nhân dân huyện Tủa Chùa giao cho thôn 1, xã Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa quản lý, bảo vệ và được chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định.

Hành vi của Ly A Dờ, Vừ Thị Ghênh là nghiêm trọng và xâm phạm đến chính sách quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái môi trường.

tuachua(1).jpg
Bị cáo Ly A Dờ và Vừ Thị Ghênh tại phiên tòa.

Căn cứ vào tính chất, mức độ, hành vi vi phạm của các bị cáo, Hội đồng xét xử TAND huyện Tủa Chùa đã tuyên phạt bị cáo Ly A Dờ 01 năm tù, bị cáo Vừ Thị Ghênh 02 năm 06 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Hủy hoại rừng” theo điểm c khoản 1 Điều 243 của Bộ luật Hình sự.

Mức án mà Hội đồng xét xử đã tuyên phạt cho bị cáo nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo đồng bào đến tham dự phiên tòa. Đồng thời, thông qua phiên tòa này, đồng bào cũng hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về công tác quản lý bảo vệ rừng, qua đó nêu cao ý thức, trách nhiệm của bản thân, cộng đồng trong việc quản lý bảo vệ rừng.

Điều đáng ghi nhận là tại phiên tòa xét xử lưu động này, trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử đã vận dụng các phương pháp nghiệp vụ, kinh nghiệm để phân tích, giải thích chính sách pháp luật cho bị cáo cũng như bà con nhân dân hiểu rõ. Điều này giúp người dân tham dự phiên tòa được tiếp cận thông tin trực tiếp, nhận biết được hành vi vi phạm pháp luật, có tác động tích cực đến tư tưởng, nhận thức và hành động của mỗi người, từ đó họ sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình để tránh vi phạm pháp luật.

K. Vy