Đời sống xã hội

Cải thiện cuộc sống nhờ thay đổi tư duy sản xuất

Tiến Thành 29/09/2023 - 12:55

Từng bước áp dụng thói quen mới trong canh tác, sản xuất, áp dụng dịch vụ khuyến nông, sản xuất lương thực mới, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tân Uyên, Lai Châu đã đổi thay rõ nét.

Thay đổi thói quen sản xuất

Dự án “Tăng cường an ninh lương thực và cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số (EFSEM)" do tổ chức CARE International tại Việt Nam phối hợp với đối tác thực hiện ở huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu đã đi được gần hết chương trình. Dự án được triển khai từ năm 2021 đến tháng 4/2024, triển khai tại 4 xã trong huyện Tân Uyên.

Theo đại diện tổ chức CARE, địa bàn mục tiêu của dự án là huyện Tân Uyên vì hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của đồng bào địa phương còn cách xa so với xã hội. Cụ thể, trong sản xuất, người dân địa phương sống nhờ canh tác lúa nước dựa vào nước mưa; trong đó trên 50% diện tích lúa chỉ trồng được một vụ trong cả năm. Người dân không tiếp cận được các dịch vụ khuyến nông và các dịch vụ khác trong sản xuất nông nghiệp.

Hơn nữa, thói quen sản xuất và lối sống phụ thuộc vào tự nhiên đã khiến kinh tế đi lùi so với bước tiến của xã hội. Trong sản xuất, do tập quán canh tác lạc hậu trong điều kiện biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường đã làm sản xuất kém hiệu quả, năng suất thấp, không đủ lương thực thực phẩm.

capture.png
Những phụ nữ bản Lầu, xã Hố Mít, huyện Tân Uyên phải đi lấy nước trên chặng đường rất xa.

Do đó, dự án triển khai với mục tiêu thúc đẩy các chiến lược sinh kế, kỹ thuật nông nghiệp chống chịu với biến đổi khí hậu. Ưu tiên các giải pháp dựa vào cộng đồng để xác định tình trạng dễ bị tổn thương và năng lực thích ứng của người dân tộc thiểu số ở địa phương.

Là lực lượng chính tham gia dự án, phụ nữ của cộng đồng sẽ đóng vai trò trung tâm khi cùng gia đình nâng cao kiến thức và kỹ năng, áp dụng sinh kế đa dạng, tăng năng suất để cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng có được thông tin khí hậu và tham gia vào các hoạt động lập kế hoạch về nhảm nhẹ rủi ro thiên tai cùng thích ứng biến đổi khí hậu.

Kết quả tích cực

Giờ đây, nhìn vườn rau sản xuất ổn định năng suất và đầu ra, anh Thào A Giống đã thở phào nhẹ nhõm và yên tâm sản xuất. Không chỉ anh Giống mà còn nhiều gia đình khác trong xã cũng có cuộc sống ổn định hơn như gia đình anh.

Được biết, khi mới chuyển đến xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên, Lai Châu, việc sản xuất, canh tác gặp rất nhiều khó khăn do nguồn nước thiếu thốn, thậm chí có thời điểm bị cạn kiệt. Do thiếu nước sản xuất nên lúa chỉ trồng được một vụ, khiến cuộc sống khó khăn, chi tiêu eo hẹp. Nguồn thu của gia đình chỉ trông chờ vào ruộng lúa, trong khi ruộng lúa lại bị “cắt” 1 vụ, khiến gia đình anh rơi vào cảnh đói kém.

Thời điểm gia đình anh đang rơi vào “bế tắc” thì dự án EFSEM của CARE đã cùng san sẻ khó khăn thông qua việc hỗ trợ và hướng dẫn gia đình anh và những hộ khác mô hình trồng bí xanh chịu hạn, tận dụng diện tích đất trồng lúa một vụ.

361606335-600323395618206-1758596264650817209-n20230822211650.jpg
Gia đình anh Giống ngoài trồng bí, còn kết hợp nuôi lợn, kinh tế ổn định nhờ dự án.

Nghiên cứu kỹ đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, nên giống bí xanh được trồng rất thích hợp và cho kết quả tốt. Không chỉ phát triển tốt trong điều kiện thổ nhưỡng khí hậu địa phương, giống bí này không đòi hỏi nhiều nước tưới và công chăm sóc. Việc trồng bí cho thu nhập cao hơn trồng lúa vài lần. Sản phẩm cho hiệu quả cao, ngoài ra anh Giống còn yên tâm hơn về đầu ra khi có công ty thu mua cho bà con. Ngay cả với những quả xấu không đạt tiêu chuẩn thì vẫn có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Anh còn dự định sẽ nuôi thêm lợn nái, tăng đàn lợn từ tiền tích lũy của việc trồng bí.

Tại bản Lầu, xã Hố Mít, huyện Tân Uyên, dự án đã cấp kinh phí để xây dựng một công trình cấp nước sinh hoạt cho bà con địa phương. Nhờ có hệ thống nước mà người dân bản Lầu có nước để sử dụng mọi lúc. Không chỉ đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, bà con còn dùng nước cho mục đích chăn nuôi sản xuất tại hộ gia đình. Hơn thế, những người thường phải đi lấy nước, chủ yếu là phụ nữ đã có thể làm những việc tưởng bình thường mà trước đây ít khi có thời gian để làm như nghỉ trưa hay ngồi nói chuyện với hàng xóm.

Qua thời gian triển khai, dự án đã cho thấy hiệu quả tại các xã của huyện Tân Uyên. Dự án dành một khoản kinh phí tạo quỹ cho vay để các thành viên nhóm sinh kế/VSLA tại huyện Tân Uyên có thể tiếp cận vay nhằm khôi phục và mở rộng chăn nuôi của hộ gia đình. Hiện tại, quỹ có giá trị 420 triệu đồng đã được cấp để cho vay theo hình thức luân chuyển giữa 21 nhóm với tổng số gần 400 thành viên.

Tiến Thành