Cá gỏi kiến vàng, món ăn độc đáo của người Rơ Măm tại Kon Tum

09/07/2021 04:13

(DTTG) Không biết từ bao giờ, người Rơ Măm (sinh sống tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) biết dùng đến kiến vàng để chế biến thành những món gỏi cá kiến đặc trưng mà không nơi nào có được. Nghe tên “cá gỏi kiến vàng” thì hơi độc dị, nhưng khi ăn thì vô cùng thơm ngon, bổ dưỡng, hương vị khó quên.

Để tìm hiểu rõ hơn về món gỏi cá kiến vàng nổi danh của người Rơ Măm, chúng tôi đã tìm về làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, nơi có gần 160 hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu sống Rơ Măm đang sinh sống.

Gặp già A Blong (người có uy tín ở làng) chúng tôi vinh dự được già mời về nhà thăm chơi và chiêu đãi món cá gỏi kiến vàng. Bên chén trà nóng, già Blong nhớ lại, ngày xưa người Rơ Măm ở đây sinh sống chủ yếu trong rừng, cuộc sống vô cùng cực khổ. Từ cái khổ, cái khó ấy nên phải tự tìm tòi, chế biến ra các món ăn từ cây rừng, lá rừng, và thịt thú….

Già làng A Blong thưởng thức món cá gỏi kiến vàng.
Già làng A Blong thưởng thức món cá gỏi kiến vàng.

“Già không biết món cá gỏi kiến vàng ra đời từ bao giờ, chỉ biết là nó đã có từ thời cha ông truyền lại. Qua bao đời nay, nó trở thành đặc sản lúc nào không hay. Trong các ngày lễ quan trọng của làng, món cá gỏi kiến vàng luôn góp mặt và được dân làng coi đây là món ăn đặc sản dùng để đãi khách quý từ phương xa”, già A Blong nói.

Nói về cách chế biến món cá gỏi kiến vàng, anh A Khải (con trai già A Blong) chia sẻ, để chế biến món này phải trải qua rất nhiều công đoạn. Muốn gỏi ngon phải chọn đúng loại cá trắng sống ở suối sâu trong rừng. Hiện nay, dường như cá suối đã hết dần nên khó đánh bắt, ta có thể thay thế bằng các loại cá như: cá trắm cỏ, cá rô phi. Khi chế biến, cá phải được lọc hết xương, rửa sạch và sau đó băm nhỏ. Thịt cá sau khi được băm ra phải vắt hết nước để khử mùi tanh và ướp cùng với các loại gia vị thông thường, thêm một chút tiêu rừng và thính gạo để có vị thơm.

Cá gỏi kiến vàng là món ăn đặc trưng của người Rơ Mâm tại Kon Tum.
Cá gỏi kiến vàng là món ăn đặc trưng của người Rơ Mâm tại Kon Tum.

“Sau khi sơ chế cá xong thì đến công đoạn chế biến kiến vàng. Muốn món cá gỏi kiến vàng thơm ngon thì sẽ chọn tổ kiến non, nhiều trứng để làm tăng thêm hương vị ngọt của cá và ngậy ngậy chua chua của trứng kiến. Kiến sau khi được bắt về sẽ cho trực tiếp vào nồi đựng sẵn cá cùng gia vị, sau đó dùng tay bóp đều kiến với cá khoảng chừng 10 phút cho thấm nhuyễn lại là xong. Khi ăn, món cá gỏi kiến vàng, người dân làng chúng tôi sẽ ăn kèm với nhiều loại lá, rau rừng như lá sung, lá lộc vừng, lá xoài non…”, anh Khải cho biết thêm.

Món gỏi cá kiến vàng thường được ăn kèm với nhiều loại rau rừng.
Món gỏi cá kiến vàng thường được ăn kèm với nhiều loại rau rừng.

Nếm thử món ăn gỏi kiến vàng, chúng tôi cảm nhận được một hương vị rất lạ, khi ăn có vị ngọt và thơm của cá suối, vị chua chua béo ngậy của trứng kiến hòa với một chút đắng của các loại lá rừng…. Thứ hương vị lạ miệng ấy khiến chúng tôi cảm thấy ngon khó tưởng mà không nơi nào có được.

Trao đổi với phóng viên về món ăn đặc trưng này, chị Y Doan, thôn phó làng Le xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum cho biết, có rất nhiều món ngon được người đồng bào nơi đây dùng kiến vàng để chế biến như canh chua kiến, muối kiến…Món cá gỏi kiến vàng là món ăn đặc trưng nhất, ngon nhất, làm mê hoặc người dân và khách phương xa khi đến đây. “Mấy năm trước Thành phố Kon Tum có tổ chức cuộc thi ẩm thực và chúng tôi đã mang món gỏi cá kiến vàng đi tham dự và đã được giải ba”, chị Y Đoan khoe.

Văn Hà