Bánh ngải dẻo thơm đặc sản Lạng Sơn
(DTTG) Là một trong những đặc sản của mảnh đất xứ Lạng với màu xanh lá cây bắt mắt được làm từ chính lá ngải cứu, chiếc bánh ngải nhỏ nhắn xinh xinh thơm nức với vị ngọt thanh thanh mà không hề có vị đắng khiến nhiều người xao xuyến.
![]() |
Bánh ngải món ăn truyền thống của dân tộc Tày và là một đặc sản nổi tiếng tại Lạng Sơn. |
Lạng Sơn là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, đặc biệt hơn còn là nơi có nhiều món ăn ngon, đặc sản, đậm đà hương vị. Nổi bật nhất trong những món bánh dân dã ở đây thì bánh ngải được nhiều người nhắc đến nhất.
Bánh ngải là một trong những món ăn đặc sản của người Tày tại Lạng Sơn. Bánh không chỉ thơm ngon, ăn không ngấy mà còn gây ấn tượng với thực khách bởi màu xanh bắt mắt.
Đối với những ai đã từng được thưởng thức sẽ nhớ mãi hương vị của bánh và chắc chắn muốn ăn thêm lần nữa. Còn với những du khách chưa được nếm thử sẽ tò mò với món bánh dân dã này. Bởi những chiếc bánh ngải được gói vào trong tấm lá chuối xanh mướt khiến nhiều người tò mò muốn biết bên trong là món bánh gì, màu sắc ra sao, hương vị thế nào.
![]() |
Những chiếc bánh được bọc vào trong tấm lá chuối thu hút sự chú ý của mọi người. |
Theo như chia sẻ của những người làm bánh, để làm được mẻ bánh ngón, người làm bánh phải rất kỳ công từ các công đoạn. Bánh ngải rất kén gạo, không phải bất kỳ loại gạo nào cũng làm được bánh. Muốn có được mẻ bánh thơm, dẻo phải chọn loại nếp nương, nếp cái hoa vàng, tuyệt đối không lẫn gạo tẻ.
Gạo làm bánh ngải được vo, ngâm trong nước ấm khoảng 6-8 tiếng. Khi hạt gạo đủ độ mềm mới vớt ra để ráo nước rồi cho vào đồ thành xôi.
Lá ngải phải chọn lá non và tươi, xanh mơn mởn rửa sạch, cho vào nồi nấu với nước tro tre nứa, hoặc tro vỏ đậu xanh. Lá ngải đun trong nước tro rất chóng nhừ. Sau khi đun nhừ, đổ ra rửa nhiều lần cho sạch nước tro, nhặt bỏ xơ, vắt kiệt nước rồi cho vào cối giã thật nhuyễn.
![]() |
Để làm được món bánh ngải thơm ngon thì phải chọn lá ngải cứu non và tươi. |
Yếu tố quan trọng có tính chất quyết định bánh ngải ngon hay không chính là nhân bánh. Nhân bánh thường được làm từ hạt vừng đen, vừng trắng giã với đường phên có màu vàng, vị ngọt không quá đậm, rất hấp dẫn. Vừng đãi, rửa sạch, để ráo nước, hong khô và rang đến khi chín có mùi thơm. Giã vừng và trộn với đường phên được nấu chảy trên bếp để trở thành hỗn hợp đặc quyện vào nhau.
Trong quá trình đồ xôi, khi lên hơi, người làm bánh sẽ tưới thêm nước sôi để lúc giã bánh bột được dẻo, mịn. Khi xôi đồ chín được mang giã đều trong cối đá hoặc cối gỗ cùng lá ngải đã giã nhừ từ trước. Xôi phải giã ngay lúc còn nóng thì bánh mới mềm, mịn và dẻo.
Sau khi xôi được giã nhuyễn, người làm sẽ múc ra mâm để nặn thành những chiếc bánh ngải nhỏ dẹt và cho nhân bánh vào bên trong rồi viên thành những chiếc bánh tròn nhỏ xinh. Sau đó, phết lên trên mặt bánh một lớp sáp ong nhằm tạo độ bóng, dẻo, thơm, cũng là để các lớp bánh không bị dính vào nhau khi bóc tách.
![]() |
![]() |
Những chiếc bánh ngải dẻo thơm với màu xanh bắt mắt. |
Bánh ngải sau khi được làm xong có màu xanh sẫm với mùi thơm thoang thoảng của lá ngải, phảng phất vị ngọt, béo thơm của đường và vừng. Dù được làm từ gạo nếp nhưng bánh rất dễ ăn, thanh mát và không bị ngấy. Nếu ai đã từng ăn một lần có thể sẽ muốn ăn thêm nhiều lần nữa và không quên được mùi vị của loại bánh dân dã này.
Ngoài hương vị hấp dẫn đó, do nguyên liệu làm bánh có thành phần ngải cứu là chủ yếu nên bánh sẽ có được những đặc tính tốt từ lá ngải cứu đem lại như: Điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp, chống cảm cúm, đau đầu, trị xương khớp, làm đẹp da…
Đặc biệt, tuy được làm từ rau ngải cứu – 1 loại rau có vị ngăm đắng nhưng trải qua 1 công đoạn chế biến kỳ công, tỉ mỉ, bánh ngải hoàn toàn không có vị đắng, không hắc, mà ngọt thơm, dẻo mịn mang đậm nét đặc trưng của miền biên ải xứ Lạng.
![]() |
Món bánh thơm ngon, thanh mát và đặc biệt tốt cho sức khỏe. |