Nậm Pịa Sơn La – Đặc sản chỉ dành cho những du khách “dũng cảm”

16/07/2021 10:10

(DTTG) Nậm Pịa – một món ăn gây tò mò ngay từ cái tên này đã khiến cho không ít thực khách phải tò mò mà thử một lần thưởng thức khi đến Mộc Châu (Sơn La). Ấy thế mà khi biết nguyên liệu cũng như cách chế biến, nhiều thực khách đã phải “ngã ngửa” vì nó. Bởi vậy, đây được coi là thứ đặc sản chỉ dành cho những vị khách sành ăn và can đảm.

Đến với vùng đất Mộc Châu (Sơn La), du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, được khám phá và trải nghiệm nếp sống của đồng bào dân tộc mà còn được thưởng thức văn hoá ẩm thực phong phú nơi đây. Vùng đất này là nơi sinh sống của 12 anh em dân tộc như: Thái, Mông, Dao,…, chủ yếu là người Thái nên khi đến Mộc Châu (Sơn La) chúng ta không thể bỏ qua những đặc sản của dân tộc này. Một trong những món ăn nhất định phải thử chính là Nậm Pịa.

Món Nậm Pịa Mộc Châu
Món Nậm Pịa Mộc Châu

Đây thực sự là một món ăn rất đặc biệt bởi một loại nguyên liệu được coi là linh hồn tạo nên đặc trưng cho món, đó là “Pịa”. Ngoài pịa, để làm ramón ăn tròn vị đúng chất thìtiết bò hoặc tiết dê để đông, đuôi, dạ dày, cuống tim,… là những nguyên liệu không thể thiếu.Trong tiếng Thái, “Nậm” có nghĩa là canh, “Pịa” là chất sền sệt ở trong ruột non của bò. Món có tên đơn giản là Nậm Pịa, tùy theo cách hiểu của mỗi người.

Khi chế biến món này đầu tiên người ta chọn một đoạn ruột non ngon để lấy pịa, ninh xương và nội tạng của bò, dê, trâu lên để lấy nước, sau đó đổ pịa vào (có nơi còn cho thêm chút mật vào pịa). Phần ruột non sau khi lấy phải buộc chặt hai đầu, sau đó cắt thành khúc, trộn kèm rau thơm, bột hạt sẻn (một loại gia vị đặc trưng cho núi rừng Tây Bắc), tỏi, ớt, mùi tàu…tất cả các gia vị được băm nhỏ.

Ngoài nội tạng động vật ăn cỏ thì Pịa là một nguyên liệu không thể thiếu
Ngoài nội tạng động vật ăn cỏ và các loại gia vị thì Pịa là một nguyên liệu không thể thiếu

Sau khi chuẩn bị xong, đặt nồi pịa trên bếp lửa đun đến khi nồi pịa sánh, sền sệt lại là được. Món Nậm Pịa được múc ra bát có màu nâu, nước sền sệt, ban đầu khi nếm thử ta sẽ thấy vị đắng và mùi hơi khó ngửi.

Có nhiều người mới đầu khi trông thấy bát Nậm Pịa, ngửi thấy mùi đã không ăn được. Nhưng khi đã nếm đôi ba miếng, bỏ qua những cảm nhận ban đầu về mùi và vị, thì những miếng tiếp theo, ta sẽ cảm nhận được mùi thơm của mắc khén, một loại gia vị của núi rừng.

Vừa ăn Nậm Pịa, vừa nhấm nháp chén rượu thơm, thực kháchsẽ phải bất ngờ từ vị đắng nơi đầu lưỡi cho đến cái ngọt nơi cuống lưỡi.Chính hương vị là lạ này khiến thực khách mải mê theo món ăn mà không thấy chán.Món Nậm Pịa ấy vậy mà lại rất an toàn cho những ai yếu bụng.

Nậm Pịa còn được dùng như một loại nước chấm cho các món nướng, thông thường, những người dân nơi đây sẽ ăn Nậm Pịa cùng thịt bò, dê hấp hoặc ăn kèm với rau chuối và bạc hà.

Nậm Pịa được dùng làm nước chấm cho đồ nướng và các loại rau sống
Nậm Pịa được dùng làm nước chấm cho đồ nướng và các loại rau sống

Khi chấm những miếng thịt luộc vào bát Nậm Pịa, ta mới cảm nhận được hương vị của các loại gia vị lan tỏa đầu lưỡi bởi vị giác chuyển từ đắng sang ngọt khiến khó ai đã nếm có thể quên được món Nậm Pịa, và có thể thưởng thức trực tiếp như một loại canh, đặc biệt có tác dụng giải rượu rất tốt.

Bởi sự độc đáo và gây sức tò mò ấy, Nậm Pịa khiến những du khách phương xa nhớ mãi về một nền văn hóa ẩm thực mang đậm bản sắc đồng bào dân tộc Thái, góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa người Thái vùng Mộc Châu (Sơn La).

Kỳ Duyên