Đậm đà khó quên hương vị xôi trám đen của người dân tộc Thái Sơn La
(DTTG) Nếu có dịp về mảnh đất Sơn La nhất định các du khách phải thử món xôi trám đen đặc sắc của người dân tộc Thái nơi đây. Đây là món ăn được chế biến từ những sản vật tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng là quả trám và gạo nếp nương, có vị bùi, thơm, mang dư vị dân dã quen thuộc của núi rừng.
Trám có hai loại đó là trám trắng và trám đen, với mỗi loại trám khi đem chế biến lại có một dư vị riêng cũng như để lại ấn tượng đặc biệt sau khi ăn. Với trám trắng, ngoài chế biến món cá kho trám, thịt kho trám, còn có thể chấm muối và ăn sống, hoặc muối lên rồi ăn luôn cùng cơm trắng. Nhưng trám đen thì không thể chế biến thành nhiều món ăn như trám trắng, song có một món ăn từ trám đen vừa độc đáo, vừa đậm đà dư vị, lại được rất nhiều người ưa thích đó chính là xôi trám.
Nghe tên gọi của món ăn cũng đủ thấy xôi trám có nguyên liệu khá đơn giản, chỉ với hai thành phần chính là trám đen và gạo nếp nương, song để chế biến món xôi trám đúng với phương thức truyền thống của người Thái Sơn La thì có thể nói là phải qua nhiều công đoạn tương đối công phu, cầu kỳ. Đối với người Thái nơi đây cây trám là cây khá quen thuộc vì mọc tư nhiên trên rừng và được người dân đem về trồng gần bản làng sinh sống.
![]() |
Những cây trám cổ thụ được người dân bảo tồn và chăm sóc |
Sở hữu vườn trám nếp cổ thụ xanh ngút ngàn, cây nào cây đấy thân to, tán rộng xum xuê, ông Lò Văn Cu (70 tuổi) ở bản Hỏm, xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu nói: Trước đây, cây trám chỉ mọc hoang, muốn ăn phải lên rừng tìm mới có. Trong một lần sang bản Nà Trạng cùng xã, thấy loại trám nếp bản địa nên tôi đã mang giống về trồng. Cây hợp đất lớn nhanh như thổi, được vài năm, thân đã tròn, cao vút, sai trĩu quả. Trước đây, trám đen chỉ dùng trong gia đình, nay cây trám đang đem lại giá trị kinh tế cao nên bà con trong bản đã xin giống về trồng. Hiện, nhà nào cũng có từ 1 đến 2 cây, riêng vườn trám của gia đình có trên 30 cây, trong đó có những cây đã tròn 50 năm tuổi.
Nhanh tay nhặt trám bỏ vào túi, ông Lò Văn Cu chia sẻ: Mùa thu hoạch trám bắt đầu từ tháng 7 âm lịch, kéo dài đến khoảng tháng 8 âm lịch. Thời điểm này, đang vào chính vụ, nên gia đình phải huy động người nhà tự trèo hái, sau đó, thương lái đến tận nơi thu mua. Mặc dù năm nay không sai quả, ước cả vườn được khoảng 7 tạ nhưng đổi lại, trám bán được giá (giá bán buôn tại vườn đã 120 nghìn đồng/kg) và luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu”. Bởi trám ở Chiềng Bôm sau khi om, ăn có vị ngậy, bùi, 10 quả như 10, không có vị chát.
![]() |
Món ăn đặc sắc nhất phải kể đến món xôi trám |
Thời điểm này, đang chính vụ trám, nên dọc các chợ, hàng quán, ẩm thực dân tộc Thái ở huyện Thuận Châu, đâu đâu cũng thấy món trám được chế biến sẵn và được ship mang về chế biến thành nhiều món khác nhau, như: Thịt lợn nhồi trám, trám kho cá, trám kho thịt… Món nào cũng ngon, nhưng món ăn thường xuyên được biết đến, ngon và hay làm, truyền thống nhất vẫn là món xôi trám.
Chị Lường Thị Chơ, ở tiểu khu 10, thị trấn Thuận Châu, nhiều năm có kinh nghiệm làm xôi trám bán, chia sẻ: Vào vụ trám, trung bình mỗi ngày tôi bán được 20-30 suất với giá 50.000 đồng/suất, gồm có xôi, trám, cá nướng và nhộng tùy theo khách đặt. Trám tươi sau khi hái mang về rửa sạch, để ráo nước. Sau đó, đun nước ấm khoảng 40 độ (nếu nước quá nóng thì om trám sẽ bị cứng) rồi thả trám vào nồi, tắt bếp, đậy vung lại và om khoảng 15-20 phút. Đến khi cầm quả trám bóp nhẹ, phần vỏ mềm tách ra, lộ lớp cùi màu vàng ruộm là được. Xôi nếp sau khi đồ được trộn đều với mỡ hành để tăng độ ngậy. Khi ăn, chỉ cần dàn mỏng xôi, gỡ miếng cá nướng, vài con nhộng ong, thêm 4-5 quả trám, chút chẳm chéo cảm nhận vị dẻo thơm, đậm đà của xôi nếp hòa lẫn trong những hương vị thơm ngọt, bùi của quả trám, chắc chắn ai ăn rồi sẽ nhớ mãi khó quên.
![]() |
Mâm xôi trám sau khi được hoàn thành |
Xôi trám là đặc sản của đồng bào Thái, nhưng hiện nay món ăn này được nhiều đồng bào dân tộc khác trên quê hương Sơn La biết đến và thường xuyên chế biến. Chị Lê Thị Huế, tổ 14, phường Quyết Thắng (Thành phố), chia sẻ: Khi được thưởng thức món xôi trám lần đầu tiên đúng là nhớ mãi ko quên, cứ đến mùa trám là tôi ra chợ tìm mua bằng được về ăn với xôi. Trám đen còn có thể rim với thịt ba chỉ ăn với cơm trắng nguội hay cơm nóng đều rất ngon. Mùa trám chỉ rộ trong vòng hơn tháng, nên tôi thường om chín trám rồi tách hạt cất vào ngăn đá tủ lạnh để ăn dần trong năm.
Giờ đây trám đen là đặc sản của nhiều nhà hàng. Hương vị của loại quả này thật lạ, vừa bùi vừa dẻo, ngọt, béo hòa quyện như đan kết tất cả tinh túy của đất trời dễ khiến lòng người thương nhớ, đã làm phong phú thêm nét văn hóa ẩm thực của quê hương Sơn La giàu bản sắc.