Ngót rừng – Loại rau chỉ mọc nơi núi đá
(DTTG) Rau ngót rừng không chỉ là món ăn được nhiều người yêu thích, nó còn được biết đến như một vị thuốc giúp hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc.
Rau ngót rừng. (Ảnh: Đinh Ngọc) |
Rau ngót rừng hay còn gọi là cây mì chính, cây rau sắng…, thuộc loại cây thân mộc, ưa ánh sáng, mọc tự nhiên trên những vách đá của vùng núi cao trên 100m so với mặt nước biển. Bởi vậy, ngót rừng thường mọc nhiều ở các vùng núi đá trên Lạng Sơn, Thái Nguyên…
Vì hình dạng của lá giống rau ngót nên thường được biết đến với cái tên rau ngót rừng, tuy nhiên loại rau này lá dài, mảnh, màu sẫm và óng ả hơn rau ngót thường.
Rau ngót rừng giàu protein và acid amin, thường được nấu canh bồi bổ cho phụ nữ mới sinh, người có bệnh đường ruột và người mới ốm dậy.
Ngót rừng ngọt hơn và có mùi vị đặc trưng của rau rừng, cách chế biến cũng rất dễ dàng. Chỉ cần tuốt lấy những đọt lá non, rửa sạch, vò qua rồi thả vào nấu canh, thêm ít gia vị là có một món canh ngọt đậm đà tự nhiên. Muốn ngon hơn nữa thì khi nấu cho thêm ít thịt băm hay ít tôm thì món canh sẽ hấp dẫn, bổ dưỡng hơn.
Rau ngót rừng có màu xanh đậm, bắt mắt (Ảnh: Đinh Ngọc) |
Ngoài là thực phẩm sạch và giàu dinh dưỡng thì rau ngót rừng còn là vị thuốc. Lá rau ngót có vị bùi ngọt, tính mát, rễ vị hơi ngăm đắng.
Theo Đông y, lá và rễ rau ngót đều có tác dụng mát huyết, hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc. Khi bị nhiệt do bia, rượu, chỉ cần giã khoảng 40g rau ngót chắt lấy nước uống trong khoảng hai ngày sẽ giảm hẳn. Lá rau ngót còn chữa sởi, ho, viêm phổi, sốt cao, đái rắt, tiêu độc,... Rễ rửa sạch, giã nát ép lấy nước uống trong ngày có tác dụng lợi tiểu, thông huyết, kích thích tử cung co bóp...
Canh rau ngót thịt băm (Ảnh: Internet) |
Ngoài ra, rau ngót rừng rất giàu đạm nên được khuyên dùng thay thế đạm động vật, nhằm hạn chế những rối loạn chuyển hóa canxi gây loãng xương và sỏi thận.
Với những thành phần dinh dưỡng có trong rau cùng với mùi vị độc đáo mà không loại ra nào có được, rau ngọt rừng đã trở thành đặc sản Lạng Sơn.