Phật giáo Việt Nam tăng cường bảo vệ môi trường trong bối cảnh dịch Covid-19

14/01/2022 01:00

(DTTG) Hơn hai ngàn năm hiện diện và đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, là thành tố không thể thiếu của nền văn hóa dân tộc. Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những điều chỉnh trong hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần chung tay phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Lễ phát động trồng cây của GHPGVN tại các di tích lịch sử
Lễ phát động trồng cây của GHPGVN tại các di tích lịch sử

Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiều năm nay, với phương châm hành đạo đúng đắn, cùng với sự ủng hộ từ phía chính quyền, đã có những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Nhiều hoạt động xã hội (y tế, giáo dục, từ thiện, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường) mà Phật giáo tham gia và tổ chức thực hiện đã và đang hiện thực hóa tinh thần nhập thế cho phù hợp với đời sống đương đại. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những điều chỉnh trong các hoạt động xã hội nói chung và hoạt động bảo vệ môi trường nói riêng, góp phần chung tay trong cuộc chiến chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Để loại bỏ các hình thức và nghi lễ lãng phí về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến môi trường, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Trị sự ban hành Văn bản số 33/CV-HÐTS về việc tổ chức nghi lễ nguyện cầu bình an cho Phật tử và nhân dân tại các chùa nhân dịp đầu xuân năm mới gửi Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành. Bên cạnh việc khẳng định các chùa tổ chức nghi lễ cầu quốc thái dân an, mong muốn bình an cho mọi người là việc làm ý nghĩa đem lại sự lạc quan trong cuộc sống, Hội đồng Trị sự thẳng thắn chỉ rõ:

“Trong thời gian mấy năm trở lại đây đã tồn tại một thực tế là có sự sai lệch trong cách tổ chức nghi lễ cầu an ở một số chùa như các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh. Nghi lễ dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo mà là tư tưởng triết học của Đạo giáo đã hòa nhập với Phật giáo trong truyền thống Tam giáo đồng nguyên. Phật giáo tôn trọng và đã dùng pháp phương tiện để tập hợp mọi người mà giảng về giáo lý nhân quả, hoằng dương Chính pháp” . Trên cơ sở đó, Hội đồng Trị sự yêu cầu tăng ni, nhất là lãnh đạo Giáo hội cần gương mẫu trong việc tổ chức nghi thức cầu an đầu xuân tại các chùa bằng các pháp hội Dược Sư cầu quốc thái dân an. Việc tổ chức pháp hội phải bảo đảm trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không để xuất hiện yếu tố dịch vụ, trục lợi, mà phải đúng chính pháp để mọi người hiểu luật nhân quả của Phật giáo, làm việc tốt, sống chính mạng, chính nghiệp mới tránh được bất an. Hội đồng Trị sự đề nghị Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành hướng dẫn, chỉ đạo các chùa trong cả nước thực hiện đúng tinh thần của nội dung văn bản nêu trên…”

Quan điểm Phật giáo kiên quyết không đốt vàng mã
Quan điểm Phật giáo kiên quyết không đốt vàng mã

Nhân rộng các mô hình phối hợp bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư của Phật giáo Việt Nam trong cả nước. Trong việc triển khai các cam kết của chương trình Phối hợp giữa Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và 40 tổ chức tôn giáo về bảo vệ môi trường, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu, Phật giáo được ghi nhận có nhiều mô hình phù hợp đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của chức sắc, nhà tu hành, Phật tử và người dân. Nhiều mô hình bảo vệ môi trường của Phật giáo Việt Nam các cấp được phát động xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đặc biệt là các mô hình phối hợp bảo vệ môi trường ở khu đô thị, khu dân cư.

Có thể kể đến tập quán mai táng gắn liền với đời sống tâm linh của người dân Việt Nam. Mỗi vùng miền, tộc người có những lễ thức mai táng khác nhau. Ngày nay, khi có người qua đời, các gia đình phải lo hậu sự cho người quá cố. Tập tục mai táng truyền thống đang gây ảnh hưởng không nhỏ về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường ở đô thị lẫn nông thôn. Đối với vùng đồng bằng, đa số người Kinh có tập quán địa táng, người chết được chôn xuống đất, sau vài năm được cải táng. Quy trình này có nhiều lễ thức phức tạp, tốn kém thời gian và chi phí, đồng thời làm cho môi trường ở xung quanh nghĩa địa bị ô nhiễm, tác động xấu đến sức khỏe của người dân sinh sống trong khu vực…Vấn đề ô nhiễm môi trường do cải táng (bốc mộ), cúng lễ quá nhiều và đặt các khu vực chôn cất người qua đời không theo quy hoạch, không đảm bảo vệ sinh môi trường ảnh hưởng lớn đến nhiều khu đô thị và nông thôn.

Vì vậy, chính quyền đang dần hoàn thiện các quy định, chính sách khuyến khích người dân thực hiện các hình thức mai táng mới. Tuy nhiên, những quy định, chính sách này phải đồng hành với việc vận động người dân, trong đó cần phát huy vai trò tích cực của nhà tu hành các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng để định hướng, tạo đồng thuận trong nhân dân. Mặt khác, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền những vấn đề liên quan đến tập tục mai táng người qua đời đến người dân và xã hội.

Trụ trì chùa Liên Hoa cùng phật tử tham gia tổng vệ sinh môi trường (Ảnh: N.Quỳnh)
Trụ trì chùa Liên Hoa cùng phật tử tham gia tổng vệ sinh môi trường (Ảnh: N.Quỳnh)

Hiện nay, với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ tiên tiến, nhiều đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh,… áp dụng hỏa táng. Tỉ lệ gia đình lựa chọn hình thức này khi có người thân qua đời ngày càng tăng lên. Cuộc vận động tang ma văn minh, tiến bộ của các tôn giáo nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng tham gia bảo vệ môi trường được chính quyền phát động đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức của tín đồ và người dân về một thói quen không dễ thay đổi.

Trong bối cảnh vấn nạn vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng đáng báo động và sự gia tăng nhận thức cũng như trong thu nhập thực tế của người tiêu dùng Việt Nam là nguyên nhân chính đòi hỏi xu hướng “sạch”. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gia tăng hợp tác giữa Giáo hội Phật giáo với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm sạch. Tiêu biểu phải kể đến Ni giới ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã sản xuất nhiều sản phẩm chay, thức uống (ngũ cốc, bột gạo lứt, bột sắn dây) sản phẩm thuốc chữa bệnh (tinh bột nghệ) từ nguồn nguyên liệu sạch, an toàn đóng hộp đảm bảo chất lượng phục vụ người dân.

Các nhà chùa với Phật tử đã mở ra nhiều chuỗi cửa hàng chay nhằm khuyến khích người dân ăn chay xen vào thói quen ăn mặn hằng ngày
Các nhà chùa với Phật tử đã mở ra nhiều chuỗi cửa hàng chay nhằm khuyến khích người dân ăn chay xen vào thói quen ăn mặn hằng ngày

Thời gian qua, các nhà chùa với Phật tử đã mở ra nhiều chuỗi cửa hàng chay nhằm khuyến khích người dân ăn chay xen vào thói quen ăn mặn hằng ngày. Ở một số ngôi chùa còn kinh doanh và khuyến khích Phật tử kinh doanh các sản phẩm được làm từ đồ chay như ruốc nấm chay, các thức ăn chay mang giá trị thực dưỡng cao được chế biến từ các loại hạt, loại đậu sử dụng các sản phẩm, nguyên liệu thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất và tiêu dùng như túi giấy, hạn chế sử dụng túi nilon, hộp nhựa. Đây là một trong những xu hướng bảo vệ môi trường nổi bật trong thời gian tới của Phật giáo Việt Nam và phù hợp với tinh thần thứ tư trong Tuyên bố Hà Nam 2019 nhân dịp Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc lần thứ XVI. Đó là, hợp tác với các nhà doanh nghiệp để phát triển nguồn thực phẩm thay thế an toàn mà không lệ thuộc vào chất đạm động vật. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ về công nghệ và chính sách từ phía Nhà nước và vốn để mở rộng của các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm là hết sức quan trọng.

Trong quá trình tồn tại và phát triển, Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó cùng dân tộc trong suốt các chặng đường lịch sử. Những nỗ lực tham gia bảo vệ môi trường của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho thấy sự phong phú về hình thức và đa dạng về nội dung, đồng thời cũng là xu thế thế tất yếu trước những tác động của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan. Những hoạt động bảo vệ môi trường của Giáo hội Phật giáo Việt Nam không chỉ phù hợp trong bối cảnh nước ta đang phải ứng phó với đại dịch Covid nói riêng mà còn là xu hướng thời đại cần được ghi nhận và phát huy.

Trâm Anh