Đặc sắc văn hóa Cờ Lao

06/06/2021 01:52

(DTTG) Trong 54 dân tộc anh em, Cờ Lao là “những người anh em nhỏ bé” với số dân chưa đến 2.400 người. Cuộc sống khắc nghiệt nơi núi cao rừng thẳm đã đẩy họ đến bờ vực suy thoái giống nòi và điều kiện sống hết sức khó khăn, vất vả. Nhưng giờ đây, nhờ “những người anh em” ấy đã và đang có dậu hiệu hồi sinh dưới chân Tây Côn Lĩnh. Đời sống của mỗi gia đình khấm khá hơn, các giá trị văn hóa cổ truyền cũng dần được phục hồi.

Một góc Túng Sán
Một góc Túng Sán

Độc đáo Lễ đặt tên con

Căn cứ vào một số thư tịch hiện còn lưu trữ trong các hộ gia đình người Clao và các bài cúng, bài dân ca cổ, nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Văn Huy cho rằng, người Cờ Lao thường tự gọi là “Kề Lau”, theo phiên âm Hán ngữ là “Kưa Lảo” tức là Ngật Lão. Tuy ít người nhưng dân tộc này cũng chia thành ba nhóm khác nhau, chủ yếu căn cứ theo trang phục cổ, bao gồm: Clao đỏ, Clao xanh và Clao trắng.

Nhóm Clao trắng chủ yếu sống tại bản Mã Chề, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn; nhóm Clao tại xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì là thuộc nhóm Clao đỏ và một số ít người Clao xanh sống tại xã Phú Lũng, huyện Yên Minh. Tiếng nói của họ thuộc ngữ hệ Thái – Ka đai song thời gian mai một, đa số người Clao không còn nói được tiếng mẹ đẻ mà có nhiều pha tạp, đồng hóa với các dân tộc láng giềng.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Cờ Lao
Trang phục truyền thống của phụ nữ Cờ Lao

Đối với dân tộc Cờ Lao, mỗi người từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt trở về với tổ tiên, người Cờ Lao phải trải qua các nghi lễ như: Lễ trưởng thành, lễ cưới, lễ địa táng (lễ làm ma tươi), lễ làm ma khô... trong đó đặt tên là nghi lễ đầu tiên của một đời người của dân tộc Cờ Lao.Cũng chính vì trải qua quá trình sinh sống lâu dài cùng nhiều dân tộc khác, nên không chỉ tiếng nói mà ở nhiều khía cạnh văn hóa, người Clao đã có sự giao thoa, tiếp biến rất nhiều. Tuy vậy, đến giờ dân tộc này vẫn còn giữ được một số phong tục hết sức độc đáo và riêng biệt, ví dụ như Lễ đặt tên con.

Theo các già làng người Cờ Lao đỏ ở huyện Hoàng Su Phì, lễ đặt tên cho con khi đứa trẻ đầy tháng. Trước khi chịu lễ đặt tên, đứa trẻ sẽ được cạo trọc đầu; gia đình phải làm lễ cúng Hoa nương thần - một vị thần được xem là có trách nhiệm trông coi trẻ nhỏ. Tên của đứa trẻ cha mẹ hoặc ông bà nội đặt, sao cho không trùng với các thế hệ tổ tiên trực hệ và anh em thân thuộc.

Khác với người Cờ Lao đỏ ở huyện Hoàng Su Phì, nhóm Cờ Lao xanh và Cờ Lao trắng sinh sống ở các huyện Đồng Văn và Mèo Vạc thì việc đặt tên cho trẻ được tiến hành sau 3 ngày với những nghi thức trang trọng. Khi gia đình đã chọn được ngày, giờ và mời những thành viên có liên quan trong gia đình, dòng họ và cộng đồng tham dự thì lễ đặt tên sẽ được tổ chức.

Tại buổi lễ, gia đình của trẻ phải tiến hành mổ gà để cúng tổ tiên, cúng thần “ghi chếnh” (thần bảo vệ trẻ em) và làm lễ trừ ma cho trẻ. Để làm lễ trừ ma, người ta đặt những hòn đá nung nóng ở các cửa trong nhà và chỗ sản phụ ngồi đẻ, trên mỗi hòn đá người ta đặt một bó cây ngải cứu.

Khi lễ cúng chuẩn bị được tiến hành, người mẹ phải tắm cho trẻ sạch sẽ, mặc quần áo mới và người mẹ bế trẻ đến gần hòn đá đó. Một người khác trong gia đình tiến hành phun nước vào các hòn đá nóng cho hơi nước bốc lên, tiếp đó người ta dùng chiếc kéo đã cắt rốn cho trẻ cắt vào không khí 3 lần, vừa tiến hành cắt và nói “sạch rồi”.

Giống như sinh nhật của người Kinh, đối với dân tộc Cờ Lao, tại lễ đặt tên cho trẻ, ông bà nội, ngoại và những người thân trong gia đình nhất thiết phải có mặt và ai cũng chuẩn bị tặng cho trẻ một món quà mừng cho cháu là một chút gạo ngon, đôi gà trống mái, hoặc một vài chục trứng gà... kèm theo những lời chúc trẻ hay ăn chóng lớn, lớn lên giỏi đi nương làm rẫy, giỏi đi rừng và trở thành con ngoan của bản.Sau khi làm lễ đặt tên xong cho con, bố của đứa trẻ sẽ mời ông bà nội, ngoại, những người trong gia đình và bà con trong bản ăn uống, ca hát.

Anh Sềnh Lỳ Phư, ở thôn Lá Tà, xã Sính Lủng (huyện Đồng Văn) bố của trẻ mới được đặt tên cho biết: “Dân tộc Cờ Lao luôn quan niệm lễ đặt tên cho con là một ngày lễ trọng đại của mỗi một người Cờ Lao. Ngày lễ đặt tên, không chỉ riêng những thành viên trong gia đình mà cả bản đều đến chúc mừng, chia vui với trẻ đã có tên và gia đình có thêm một thành viên mới. Vì dân tộc Cờ Lao ít người nên ở bản Lá Tà mỗi khi có gia đình nào tổ chức lễ đặt tên cho con, cả bản vui lắm”.

Còn ông Long Hữu Phúc, người từng có nhiều năm công tác ở Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, chia sẻ,dân tộc Cờ Lao là dân tộc nằm trong diện đặc biệt ít người nên những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều sự ưu tiên đến cộng đồng dân tộc này. Tuy nhiên hiện nay đời sống của cộng đồng dân tộc Cờ Lao vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói, nghèo vẫn còn cao. Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cờ Lao, rất cần có sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước và sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.

Giữ gìn các giá trị văn hóa cổ truyền

Không chỉ đặc sắc và độc đáo trong lễ đặt tên cho trẻ, người Cờ Lao còn có rất nhiều phong tục hay thói quen sinh hoạt hết sức riêng biệt. Nhất là trong trang phục và cách dựng nhà.

Thói quen cư trú của người Cờ Lao cũng giống như người H’Mông, tức là thường ở trên cao sườn núi cao, dốc đá tai mèo, hoặc bám vào các ven sườn núi đất giống như người Dao. Họ sống định cư thành làng bản, có từ 15 đến 20 nóc nhà. Nhà ở thường là kiểu nhà đất truyền thống có một gian hai chái, mái lợp bằng cỏ tranh hoặc bằng phên nứa, vách nhà bưng ván hay tấm liếp. Riêng đối với nhóm người Cờ Lao Đỏ thì ở nhà trình tường bằng đất.

Kèn Pí Lè, nhạc cụ truyền thống của người Clao trắng ở Sính Lủng
Kèn Pí Lè, nhạc cụ truyền thống của người Clao trắng ở Sính Lủng

Hiện nay, thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hầu hết các gia đình Cờ Lao đã lợp bằng tấm Pro xi măng, ghép ván xung quanh nhà, song về cơ bản vẫn giữ nguyên hình dáng của ngôi nhà truyền thống.

Ông Min Phà Dù, ở thôn Phìn Sư (xã Túng Sán, Hoàng Su Phì), chia sẻ: “Bây giờ họ làm nhà xây, nhà sàn bê tông nhiều lắm, nhưng gia đình tôi vẫn quyết định làm nhà gỗ truyền thống của dân tộc mình. Ngày trước mình sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà gỗ, bây giờ muốn lưu giữ lại kiến trúc nhà ở truyền thống của dân tộc cho đời con, đời cháu của mình”.

Dù cư trú ở Hoàng Su Phì hay Đồng Văn, Mèo Vạc thì nguồn sống chính của người Cờ Lao vẫn chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp. Nhóm Cờ Lao Đỏ thì canh tác lúa nước, trồng chè, còn nhóm Cờ Lao Xanh và Cờ Lao Trắng thì trồng ngô và chăn nuôi. Quanh nhà, người ta thường quây những mảnh vườn nhỏ trồng cây ăn quả, rau xanh…

Người Cờ Lao cũng có trang phục đặc trưng, không pha trộn với các dân tộc khác. Vào những ngày lễ tết hay những dịp cưới hỏi, người Cờ Lao đều mặc trang phục truyền thống. Nam mặc áo tứ thân, khuy vải, làm từ vải mộc nhuộm lá chàm; nữ mặc áo dài tứ thân, xẻ tà 2 bên, cài cúc chéo, trang trí những khoanh vải nhiều màu ở ống tay và phần trên của ngực áo kết hợp với váy hoặc quần dài cùng màu, tạo nên nét đẹp duyên dáng, dịu dàng. Ngày nay, ít nhà tự trồng được bông làm vải thủ công, phần lớn các chị, các mẹ mua vải sẵn ngoài chợ về may vá theo kiểu dáng truyền thống.

Cùng với nét đẹp trong trang phục, người Cờ Lao còn lưu giữ một kho tàng âm nhạc dân gian đồ sộ, gồm những bài hát dân ca được truyền miệng trong cộng đồng. Khách đến nhà, bên bếp lửa ấm cúng, các thiếu nữ Cờ Lao thẹn thùng cất lời ca mời rượu: “Một chén rượu/Đầy lại đầy hơn/Nhờ anh nói hộ lòng em/Đang tràn đầy nhiều điều như mười chén rượu/Rượu ở trên môi, tâm sự ở trong tim…”.

Các chàng trai khi gặp cô gái mình thương cũng sẽ mượn lời ca, tiếng hát để thổ lộ tâm tình: “Bố mẹ nói anh không theo hàng lối/Quyền cao chức trọng anh chẳng mơ/Chỉ mong về sau có em giúp anh mọi sự...”. Cứ như thế, âm nhạc luôn hiện hữu trong đời sống của người Cờ Lao, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu và được các thế hệ luôn trân trọng gìn giữ, lưu truyền.

Trong một năm, người Cờ Lao có nhiều lễ hội, trong đó đặc trưng nhất là lễ cúng Hoàng Vần Thùng – người có công dẫn dắt và giúp nhân dân trong vùng mở mang khai khẩn ruộng nương, đánh đuổi thú dữ, kẻ thù để giành lại cuộc sống bình yên cho dân làng. Lễ cúng thường được tổ chức vào tháng 7 âm lịch hàng năm, diễn ra tại miếu Thành Hoàng được lập trên đỉnh núi cao nhất của dải núi Tây Côn Lĩnh.

Trước khi cúng tế, các gia đình trong làng sẽ góp gà, lợn, gạo, rượu, bánh, hoa quả… để thầy cúng tiến hành lễ tế. Kết thúc phần lễ, các gia đình quây quần bên mâm cơm và những chén rượu nồng. Các nghệ nhân, chàng trai cô gái lại có dịp trổ tài trên các loại nhạc cụ truyền thống, thi hát dân ca, hát đối đáp giao duyên và tham gia các môn thể thao truyền thống, tạo nên một không khí sôi động, thể hiện tính gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng.

Giữa nhịp sống hiện đại, sự giao thoa văn hóa diễn ra ngày càng phổ biến, nhưng các thế hệ tộc người Cờ Lao vẫn luôn có ý thức trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc mình. Trong mỗi nếp nhà nhỏ xinh nép mình giữa những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, các thiếu nữ Cờ Lao miệt mài khâu vá trang phục truyền thống và những làn điệu dân ca vẫn vang vọng khắp các nương chè: “Người thương ơi, nếu có nhớ đến em thì hãy lên đỉnh núi cao nhất của dãy Tây Côn Lĩnh/Sẽ gặp em trong muôn ngàn sắc hoa của núi rừng quê hương…”.

Nam Quang