Lễ Nhảy lửa của người Dao được công nhận là di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

06/07/2021 03:08

(DTTG) Lễ Nhảy lửa là một sinh hoạt văn hóa dân gian lâu đời, một nghi lễ độc đáo mang đậm tính chất tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao đỏ, với mong ước thần lửa sẽ đem lại mùa màng bội thu, sự no ấm và may mắn cho bản làng và mỗi gia đình. Vừa qua, Bộ VHTT&DL có quyết định công bố 23 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có Lễ nhảy lửa của người Dao đỏ ở Hà Giang.

Các chàng trai dũng cảm nhẩy trên lửa đỏ rực giữa đêm thật ngoạn mục.
Các chàng trai dũng cảm nhảy trên lửa đỏ rực giữa đêm thật ngoạn mục.

Theo quan niệm của người Dao đỏ (người Pà Thẻn cũng còn duy trì nghi thức nhẩy lửa này), “Lửa” - Tượng trưng cho sự sống, được coi như một vị thần linh thiêng, giúp mang lại ấm no, hạnh phúc cho bản làng. Hàng năm, thường vào dịp cuối năm hoặc đầu xuân năm mới, đồng bào Dao đỏ, Pà Thẻn tại các địa phương lại lựa chọn một ngày tốt để tổ chức Lễ Nhẩy lửa, cầu thần Lửa mang lại sự ấm áp, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho bà con an khang thịnh vượng, cũng như xua đuổi tà ma, bệnh tật.

Hiện nghi lễ này còn được duy trì tại các địa phương Hà Giang, Tuyên Quang, Điện Biên, Yên Bái và một số địa phương vùng cao phía Bắc. Lễ hội thường được tổ chức trong 15 ngày đầu tháng Giêng âm lịch, tổ chức vào ban đêm, là dịp để người dân tạ ơn tổ tiên, cầu chúc cho mùa màng tươi tốt và cuộc sống no đủ trong năm mới.

Trước khi tổ chức lễ hội, các gia đình chuẩn bị một mâm cỗ cúng bao gồm gà luộc, gạo sống, giấy bản, ống tre cắm hương, 5 chén rượu và một chén nước trắng. Buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức cúng lễ, xin phép tổ tiên, xin phép thần linh cho dân làng được tổ chức lễ hội và mời các vị thần linh nhập vào các chàng trai. Bài cúng kéo dài khoảng nửa tiếng đồng hồ. Thầy cúng ngồi trên một chiếc ghế dài, cầm que gõ liên tục lên chiếc đàn - một nhạc cụ cúng tế phổ biến của người Dao đỏ. Khi tiếng que gõ trên chiếc đàn trở nên liên tục, dồn dập hơn, thì cũng chính là lúc cuộc chơi thực sự bắt đầu.

Một đống lửa lớn được đốt lên giữa sân rộng chuẩn bị cho Lễ Nhẩy lửa.
Một đống lửa lớn được đốt lên giữa sân rộng chuẩn bị cho Lễ Nhảy lửa.

Để chuẩn bị cho buổi lễ nhẩy lửa, một đống củi lớn đã được đốt lên ở khoảng sân rộng. Sau khi nghi lễ cầu may, cầu phúc của thầy cúng kết thúc, cũng là lúc củi cháy thành đống than hồng rực đỏ trong đêm tối. Đối tượng tham gia nhảy lửa chỉ được 08 người, có người có kinh nghiệm yểm trợ thì mới được tham gia. Những người tham gia nhảy lửa phải đảm bảo điều kiện có sức khỏe bình thường, kiêng không ăn thịt chó, kiêng quan hệ với phụ nữ trong những ngày chuẩn bị nhảy lửa.

Những chàng trai muốn được nhảy lửa ngồi hầu lễ phía sau thầy cúng. Sau khi thầy cúng xin quẻ âm dương, được thần lửa đồng ý chấp nhận, các chàng trai người Dao như được thần linh nhập và phù phép, bắt đầu nghiêng ngả tựa như người nhập đồng ở miền xuôi. Và, trong phút thăng hoa xuất thần, họ hét lớn một tiếng rồi bật nhảy lên bằng cả hai chân, lao vào nhảy giữa đống than hồng đang đỏ rừng rực.    

Trong tiếng gõ phách và thanh la dồn dập, các chàng trai người Dao hầu lễ chờ đợi thần linh nhập vào để che chở mình chuẩn bị thực hiện nhảy lửa.
Trong tiếng gõ phách và thanh la dồn dập, các chàng trai người Dao hầu lễ chờ đợi thần linh nhập vào để che chở mình chuẩn bị thực hiện nhảy lửa.
Thầy cúng ban vòng may mắn và trừ tà cho các chàng trai trước khi nhẩy lửa.
Thầy cúng ban vòng may mắn và trừ tà cho các chàng trai trước khi nhảy lửa.

Họ nhảy bằng chân trần trên than hồng, nhưng không bị ảnh hưởng gì đến thân thể, và họ coi đó là cánh cửa chạm đến thần linh. Theo quan niệm của người Dao đỏ, thần linh, tổ tiên đã nhập, ban cho họ sức mạnh siêu nhiên và lòng dũng cảm để đương đầu với lửa nóng. Vì vậy, sau khi bốc than lửa bằng tay không, họ cũng không bị bỏng hoặc hề hấn gì. Tiếp đó, các chàng trai bắt đầu tham gia "nhảy lửa" trên đống than hồng đỏ rực trong sự hò reo, cổ vũ nồng nhiệt của người dân. Cứ như vậy, người nọ nối tiếp người kia, cho đến khi đống than hồng tắt lịm dưới những đôi chân trần đen nhẻm do than để lại.

Đồng bào dân tộc Dao đỏ cho rằng, thời gian các chàng trai nhảy trên lửa ngắn hay dài phụ thuộc vào sức mạnh của thần linh đã ban cho các chàng trai. Mỗi lần nhảy lửa thường diễn ra trong khoảng 4 – 5 phút đồng hồ. Cứ như vậy, người nọ nối tiếp người kia cho đến khi đống than hồng tắt lịm dưới những đôi chân trần đen nhẻm do than để lại.

Sau khi đã được thần linh ban sức mạnh, các chàng trai hét lớn rồi nhảy vào bốc than hồng.
Sau khi đã được thần linh ban sức mạnh, các chàng trai hét lớn rồi nhảy vào bốc than hồng.
Tuy bốc than hồng, nhưng bàn tay của các chàng trai người Dao không hề bị bỏng hay hề hấn gì.
Tuy bốc than hồng, nhưng bàn tay của các chàng trai người Dao không hề bị bỏng hay hề hấn gì.

Sau nghi thức nhảy lửa là đến nghi thức trình diễn các điệu múa dân tộc truyền thống. Đây cũng là một nghi thức rất quan trọng trong lễ nhảy lửa của người Dao đỏ. Các điệu múa thể hiện sức mạnh của tướng quân âm binh, biểu dương tinh thần thượng võ và tái hiện lại đời sống sinh hoạt, lao động thường ngày của người dân.

Thầy cúng chuẩn bị mâm lễ, cúng mời các vị thần linh về giúp bản làng.
Thầy cúng chuẩn bị mâm lễ, cúng mời các vị thần linh về giúp bản làng.

Nghi lễ cuối cùng là việc thầy cúng đốt tiền âm phủ biếu vàng mã để các cụ, ông bà, tổ tiên, các vị thần linh trở về cõi tiên và cầu khấn để phù hộ cho gia đình, dòng họ, dân bản mọi sự tốt lành, bảo vệ cuộc sống được thanh bình, yên vui. Sau cùng là phần múa hát thể hiện niềm vui, niềm tin của bản làng qua nghi lễ. 

Bên cạnh giá trị văn hóa dân gian, thể hiện qua nghi lễ mang đậm tính chất tín ngưỡng, Lễ Nhẩy lửa của đồng bào dân tộc Dao đỏ còn mang ý nghĩa tôn vinh lòng dũng cảm, tinh thần thượng võ của đồng bào, qua nhiều thế hệ luôn kiên quyết giữ gìn, bảo vệ từng tấc đất biên cương, bờ cõi của Tổ quốc.

Nhân dân và du khách được ban tổ chức mời chén rượu trước khi vào Lễ.
Nhân dân và du khách được ban tổ chức mời chén rượu trước khi vào Lễ.
Bên cạnh tính chất nghi lễ tín ngưỡng, Lễ hội Nhẩy lửa còn tôn vinh tinh thần thượng võ, dũng cảm của đồng bào dân tộc Dao.
Bên cạnh tính chất nghi lễ tín ngưỡng, Lễ hội Nhảy lửa còn tôn vinh tinh thần thượng võ, dũng cảm của đồng bào dân tộc Dao.

Anh Tuấn