Trăm năm sân khấu dù kê
(DTTG) Người Khmer Nam bộ có một kho tàng nghệ thuật dân tộc vô cùng phong phú và độc đáo như ca, múa, âm nhạc, dân ca dân vũ. Nhưng độc đáo nhất phải kể đến dù kê, một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian ra đời từ những năm đầu thập kỷ 20 của thế kỷ trước và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014.
![]() |
Dù kê ra đời cách đây chừng 100 năm. |
Nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc
Khmer là một trong những dân tộc thiểu số có số dân đông của Việt Nam với trên 1,3 triệu người, chủ yếu sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ở 02 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Dân tộc này có lịch sử lâu đời, với đời sống văn hóa tinh thần phong phú và đặc sắc, bao gồm ngôn ngữ, chữ viết, văn học, nghệ thuật, ca múa nhạc, lễ hội và tôn giáo.
Hằng năm, đồng bào Khmer có nhiều lễ hội đặc trưng. Có thể kể đến một số lễ hội chính như Tết Chol Chnam Thmay (Tết năm mới, diễn ra vào dịp giữa tháng 4 dương lịch), lễ hội Sene Dolta (lễ hội cúng ông bà tổ tiên, vào dịp cuối tháng 8 âm lịch), lễ hội Ok Om Bok (lễ hội cúng trăng, tổ chức vào trung tuần tháng 10 âm lịch)… Vào dịp này, ngoài nghi lễ và các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống, một tiết mục được nhiều người mong chờ là các vở dù kê.
Dù kê là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian xuất hiện vào đầu những năm 1920 của thế kỷ trước. Loại hình nghệ thuật này tổng hòa nhiều yếu tố như ca, múa, âm nhạc, vũ thuật, phục trang, hóa trang, hội họa và ẩm thực... Hiện vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc ra đời của sân khấu dù kê, nhưng nhiều người cho rằng, người có công lớn trong việc phát triển loại hình nghệ thuật này là ông Lý Cuôn (Chhà Kọn), người dân tộc Khmer, quê ở Sóc Vồ (nay thuộc Phường 7, TP Sóc Trăng).
Mặc dù chưa có ý kiến thống nhất song có thể khẳng định rằng, nghệ thuật sân khấu dù kê ra đời xuất phát từ nhu cầu cảm thụ nghệ thuật của đồng bào. Bởi đa số người Khmer là những người yêu thích văn hóa văn nghệ. Ở trong mỗi phum, sóc luôn có rất nhiều người biết hát, biết múa những bài bản dân ca, dân vũ Khmer cơ bản của dân tộc mình, như các điệu múa Lâm thol, Saravan, Lâm lêv….
Để bắt đầu buổi biểu diễn dù kê, người diễn phải thực hiện nghi thức cúng Tổ tại gia trang trọng và bài bản để cầu mong các vị thần phù hộ, ban phước lành cho chuyến lưu diễn gặp nhiều may mắn, bình an vô sự.
Nhạc cụ sử dụng trong lễ cúng Tổ chủ yếu là trống đôi lớn, trống mẹ, trống con, trống đực và trống cái, cùng với cồng Khmốs. Khi cúng Tổ thì trống đôi lớn và cồng Khmốs đánh liên hồi 3 lần cho mỗi lần khấn vái, còn trống mẹ, trống con, trống đực và trống cái thì đánh đệm tiết tấu cho mỗi lần hát. Hát cúng Tổ gồm 03 bài hát chính: “Lăm muôi - Lăm pi”, “Ô ra Chhưng Chhưng” và “Đok Chom pi”. Sau khi kết thúc cúng Tổ, mọi người cùng hát bài kết “Sarikakeo”.
Trước khi mở màn buổi diễn, dàn nhạc hòa tấu một số bản nhạc dân ca Khmer truyền thống. Khi đến giờ diễn, tất cả diễn viên đều phải hát một bài “Chum rép” ở bên trong sân khấu với ý nghĩa để cúng Tổ lại và báo hiệu đêm diễn bắt đầu. Sau đó, bên trong sân khấu cất lên lời chào và giới thiệu, quảng cáo vở diễn trong đêm; diễn viên cùng hát một bài ca bắt buộc, gọi là “Hum rôông”; vai hề ra trước màn chào khán giả, vừa biểu diễn tấu hài, vừa tóm tắt cốt truyện với khán giả; tiếp đến diễn viên biểu diễn một số điệu múa, như “Sarikakeo”, múa Măm bô, múa muỗng... Khi kết thúc các điệu múa này, vở diễn mới bắt đầu.
![]() |
Nghệ nhân Danh Phúc: “Dù kê hướng con người ta đến với các giá trị Chân – Thiện – Mỹ”. |
Hướng đến Chân – Thiện – Mỹ
Xưa kia, bên trong sân khấu dù kê luôn có người nhắc tuồng, gọi là thầy tuồng, với nhiệm vụ chính là phân đoạn, phân cảnh, phân màn và nhắc lời thoại cho các vai diễn. Âm điệu ngôn ngữ trong diễn tuồng phải bảo đảm tính đặc thù, giọng thoại phải trầm bổng, chậm rãi và kéo dài, nhất là đối với các nhân vật chính diện.
Tất cả các nhân vật ra biểu diễn, khi xuất hiện lần đầu đều phải thể hiện các động tác vũ đạo thích ứng với từng nhân vật theo quy ước đã định sẵn, sau đó tự giới thiệu về nhân vật của mình đang diễn rồi mới hát bài ca dành cho nhân vật đó.
Kết thúc vở diễn, tất cả các diễn viên đều phải ra sân khấu hát chung một bài chào khán giả. Ngày nay, quy định này đã được thay đổi, biểu diễn theo kịch bản với nội dung và lời thoại đã được viết và dàn dựng sẵn, kết thúc bằng vài bài hòa tấu của dàn nhạc để tiễn khán giả.
Tích tuồng của sân khấu dù kê thường được khai thác từ cốt truyện cổ tích, thần thoại dân gian Khmer và còn có cả những vở diễn dựa trên cốt truyện của một số vở cải lương, truyện cổ dân gian... Ngoài ra, còn có nhiều vở diễn mang đề tài văn hóa, xã hội, cách mạng, ngợi ca người lao động, kêu gọi đoàn kết dân tộc, chống giặc ngoại xâm. Điển hình như các vở Linh thôn, Sac Kinh Ni, Thạch Sanh chém chằn, Tấm Cám, Tam Tạng thỉnh kinh...
“Dù có diễn tích tuồng gì thì nội dung mỗi vở dù kê thường được phân chia thành hai phái rõ rệt: Chính diện và phản diện, thiện và ác. Ý nghĩa sâu xa là nhằm mục đích tôn vinh cái tốt, lên án cái xấu và thể hiện sự mong mỏi thiện sẽ thắng tà. Từ đó thôi thúc con người ta hướng đến các giá trị Chân – Thiện – Mỹ, siêng làm điều lành, tránh điều dữ; làm điều phải, tránh điều sai”, nghệ nhân Danh Phúc, ở ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, chia sẻ.
Cũng theo nghệ nhân Phúc thì nghệ thuật dù kê có sự kết hợp độc đáo giữa ca hát, đối thoại, diễn xuất dân gian với sự nâng đỡ, phụ họa của âm nhạc cùng nhiều loại nhạc cụ truyền thống như dàn nhạc ngũ âm, đàn cò, thổi sáo, thổi kèn và có đề tài, cốt truyện rõ ràng.
Vũ đạo hay vũ thuật trên sân khấu dù kê phát triển trên cơ sở võ thuật của dân tộc nhưng được khái quát hóa đạt đến trình độ nghệ thuật cao và phân chia ra từng nhóm động tác. Có 13 nhóm động tác vũ đạo lớn cơ bản, gồm các loại động tác vũ đạo dành cho người (10 loại động tác), vũ đạo dành cho chằn (2 động tác), vũ đạo dành cho con vật (1 động tác). Bên cạnh đó còn có 4 nhóm động tác vũ đạo nhỏ cơ bản, gồm vũ đạo con khỉ, con cá, con voi, con rồng và 06 nhóm động tác vũ thuật cơ bản để biểu diễn trong giao đấu của các nhân vật như vũ thuật đấu bằng tay, dao ngắn, đấu kiếm, đấu bằng gậy, đấu bằng đao và bằng cây cung.
Mỗi diễn viên trước khi lên biểu diễn đều được hóa trang, chủ yếu là hình thức tô phấn, thoa son, vẽ mặt. Nhưng tất cả phải tuân theo một quy định bắt buộc, đó là màu sắc phải đậm và rõ ràng. Việc hóa trang cũng thường dựa theo tính cách của nhân vật, vu dụ như ngoài màu trắng nền còn có màu đỏ hồng là cách trang điểm dành cho con người. Màu đỏ, đen thường dùng cho các vai chằn hay vai động vật có tính phép thuật. Còn màu xanh két chỉ dùng cho các vai thần tiên...
![]() |
Hình tượng chằn trong sân khấu dù kê . |
Nỗ lực bảo tồn
Do sống xen kẽ với đồng bào Kinh, Hoa trong các phum sóc, ấp, khóm… nên nhiều sinh hoạt văn của người Khme nói chung và nghệ thuật sân khấu dù kê nói riêng đã bị ảnh hưởng ít nhiều. Trong mỗi buổi biểu diễn dù kê, người ta thấy có bóng dáng của hát bội và cải lương của người Kinh, ca kịch người Hoa hay thậm chí cả vũ đạo, cách hóa trang của người Ấn Độ.
Sự kế thừa những yếu tố ngoại lai đã cho thấy tính dung hợp và thích nghi văn hóa rất cao trong nghệ thuật sân khấu của người Khmer. Nói cách khác, với nghệ thuật dù kê, đồng bào Khmer đã biết tích hợp các thành tựu nghệ thuật của nhiều dân tộc khác với một tinh thần phóng khoáng, cởi mở, cầu thị, rồi cải biến lại, sáng tạo thêm để hình thành, phát triển một thể loại sân khấu độc đáo của dân tộc mình.
Thế nhưng, giống như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, khi đứng trước thị trường giải trí ngày càng sôi động và hiện đại, dù kê cũng phải đối mặt với nguy cơ mai một. Khán giải thưa vắng, dẫn đến thu nhập thấp, vì thế mà diễn viên, nghệ sỹ cũng không mấy người còn đắm đuối với nghề.
Bên cạnh đó, sân khấu dù kê còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác như cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật ngày càng cũ kỹ và lạc hậu, đội ngũ tác giả, “thầy tuồng” ngày một giảm dần do lớp người trước phần già đi, phần đã qua đời. Trong khi đó lớp diễn viên, nghệ sỹ trẻ lại chưa kế cận kịp thời...
Ông Sơn Si Tha, Trưởng Đoàn dù kê Sơn Nguyệt Quang ở Sóc Trăng, bộc bạch: “Hiện giờ, những người làm trong nghề dù kê (diễn viên, trưởng đoàn, hậu đài…) đều phải có nghề khác chứ không ai có thể sống hoàn toàn với nghề dù kê này cả. Đời sống của anh em còn nhiều vất vả nên phải yêu nghề mới có thể bám trụ được”.
Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu dù kê, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch của các tỉnh như Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang... đã đưa ra nhiều giải pháp và cũng là sự hỗ trợ để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật sân khấu dù kê. Ví dụ như thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu, tóm tắt nghệ thuật sân khấu dù kê; tổ chức sinh hoạt chuyên đề về nghệ thuật sân khấu dù kê tại các trường dân tộc nội trú; tổ chức các cuộc tọa đàm. Đặc biệt ở nhiều địa phương còn mở các lớp đào tạo truyền dạy nghệ thuật sân khấu dù kê.
Nhiều chuyên gia bảo tồn văn hóa cũng cho rằng, trước yêu cầu phát triển của xã hội hiện nay, việc nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, sưu tầm tài liệu; truyền dạy, đào tạo đội ngũ sáng tác và biểu diễn nghệ thuật sân khấu dù kê là một đòi hỏi ngày càng bức thiết. Đó cũng chính là một giải pháp có ý nghĩa lâu dài để bảo tồn sức sống cho dù kê, loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống đã có hàng trăm năm lịch sử của người Khmer Nam bộ trong thời hiện đại.