Đàn môi - Nhạc cụ độc đáo của người Mông

14/08/2021 04:06

(DTTG) Người Mông có rất nhiều loại nhạc cụ phong phú, có âm thanh. Nếu như khèn là loại nhạc cụ thổi chủ yếu trong các phong tục, tín ngưỡng, thì sáo hay đàn môi lại là những loại nhạc cụ được sử dụng chủ yếu để giao duyên, bày tỏ tình cảm, yêu đương, thương nhớ của các chàng trai, cô gái Mông.

Những cô gái thổi đàn môi. (Ảnh: Internet)
Những cô gái thổi đàn môi. (Ảnh: Internet)

Đàn môi (hay còn được gọi là kèn môi) là một loại nhạc cụ khá độc đáo, có từ lâu đời của dân tộc Mông. Nhìn qua thì đơn giản, nhưng để chế tác ra một chiếc đàn môi là cả sự kỳ công của người thợ và không phải ai cũng có thể làm được.

Làm đàn môi đòi hỏi sự cầu kì, tỉ mỉ tới từng chi tiết, nếu không kiên trì thì khó có thể thành công. Quy trình làm một cây đàn môi cũng rất công phu và hoàn toàn theo hình thức thủ công. Đồng để làm đàn được lựa chọn rất kỹ, sau đó nấu chảy và đổ ra khuôn thành từng lá đồng nhỏ, để nguội rồi đưa lên để tán mỏng, đặc biệt là phần giữa lá đồng, đây là khâu quan trọng nhất trong việc tạo lưỡi gà nên phải đập phần này thật mỏng, thật đều (nhưng độ mỏng phải vừa đủ, mỏng quá sẽ dễ gãy) để sau này có độ đàn hồi của âm thanh, tiếng phát ra mới trong. Sau khi tán sẽ cắt lưỡi gà, lưỡi gà phải được căn chỉnh từng li cắt sao cho thật khít; nếu không khít sẽ không phát ra âm thanh, vì vậy đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao. Làm xong đàn sẽ đến giai đoạn làm ống đựng để bảo vệ; phần gốc đàn buộc một sợi dây để nối đàn với ống tre khi thổi thì rút ra.

Đàn môi Việt Nam của dân tộc Mông. (Ảnh: Internet)
Đàn môi Việt Nam của dân tộc Mông. (Ảnh: Internet)
Qua tiếng đàn môi chàng trai, cô gái gửi gắm tình yêu một cách ý nhị mà sâu sắc, nồng nàn, mãnh liệt. (Ảnh: Internet)
Qua tiếng đàn môi chàng trai, cô gái gửi gắm tình yêu một cách ý nhị mà sâu sắc, nồng nàn, mãnh liệt.            (Ảnh: Internet)

Để thổi đàn môi, người chơi phải giữ gốc đàn cố định bằng tay trái, đặt đàn cách môi một khoảng đủ không chạm vào răng. Ngón cái của tay phải gảy vào đầu đàn khiến lưỡi gà trong đàn rung lên, truyền rung âm đến miệng và vang lên trong khoang miệng. Người thổi dùng sự khéo léo điều khiển khoang miệng sao cho âm phát ra là giai điệu của một bài hát hoặc theo những lời mình muốn nói.

Đây chính là điều đặc biệt của đàn môi, nó đã tạo ra một thứ ngôn ngữ âm nhạc rất riêng biệt và độc đáo, là lời tâm tình thủ thỉ, yêu thương trìu mến mà chỉ hai người yêu nhau mới hiểu được nội dung của bài đàn.

Đàn môi là một loại nhạc cụ khá độc đáo. (Ảnh: Internet)
Đàn môi là một loại nhạc cụ khá độc đáo. (Ảnh: Internet)

Cùng với đó, để bảo quản đàn môi, người ta làm một cái ống nứa để đựng đàn môi, ống nứa cũng có tác dụng giữ cho âm sắc của đàn môi không thay đổi, cũng như thuận tiện khi cho vào túi áo, túi quần mà không sợ bị hư hỏng.

Hình ảnh những người thổi đàn Mông. (Ảnh: Internet)
Hình ảnh những người thổi đàn Mông. (Ảnh: Internet)

Dân tộc Mông là dân tộc giàu bản sắc, họ có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú và độc đáo. Nhạc cụ dân tộc Mông tuy giản đơn nhưng lại phong phú về cách diễn đạt âm thanh, cảm xúc và có vị trí không thể thiếu trong đời sống văn hoá của đồng bào.

Ngày nay, trước sự phát triển của các dụng cụ âm nhạc hiện đại, cũng như môi trường sinh hoạt của các đồng bào dân tộc có những sự thay đổi , thì việc gìn giữ và truyền dạy âm nhạc truyền thống của cho thế hệ trẻ là rất quan trọng. Bởi âm nhạc nói chung và âm nhạc truyền thống nói riêng là tiếng lòng của mỗi con người qua nhiều cách thể hiện khác nhau và nó luôn trường tồn với thời gian.

Đàn môi, nhạc cụ tâm tình tình của người Mông. (Ảnh: Internet)
Đàn môi, nhạc cụ tâm tình tình của người Mông. (Ảnh: Internet)

Ánh Ngọc