Nghệ nhân Ưu tú người Bahnar trọn đời với văn hóa truyền thống Tây Nguyên

21/08/2021 07:00

(DTTG) Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Đinh Keo (ở làng Pyang, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) là người tài năng hiếm có. Ông đã thắp lửa tình yêu cồng chiêng cho hàng trăm học trò để giữ gìn văn hóa cha ông để lại như đánh, chỉnh chiêng, hát dân ca Bahnar, tạc tượng truyền thống...

Nghệ nhân Đinh Keo là người quan tâm truyền dạy văn hóa cồng chiêng cho lớp trẻ. Ảnh: Thùy Dung.
Nghệ nhân Đinh Keo là người quan tâm truyền dạy văn hóa cồng chiêng cho lớp trẻ. Ảnh: Thùy Dung.

Nghệ nhân hiếm của làng Pyang

Ở huyện Kông Chro, những người con yêu chiêng chẳng còn xa lạ gì với cái tên Đinh Keo. Ông không chỉ là một cán bộ về hưu, một già làng giỏi dân vận, mà ông còn là NNƯT giỏi đánh và chỉnh chiêng khắp vùng Đông Trường Sơn.

Trong căn nhà sàn ở giữa làng Pyang, NNƯT Đinh Keo tỉ mẩn lau chùi từng chiếc chiêng. Theo lời ông kể, huyện Kông Chro là vùng đất sinh ra nhiều nghệ nhân đánh chiêng, hát sử thi, đan lát,... giỏi. Thời chiến tranh gian khổ, tiếng cồng chiêng, tiếng trống giúp dân làng đánh đuổi giặc ngoại xâm. Ở thời bình, tiếng cồng chiêng giúp người dân thêm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, có thêm động lực làm ăn, phát triển kinh tế.

Truyền dạy nghệ thuật đánh chiêng cho thanh niên trẻ tuổi các dân tộc.
Truyền dạy nghệ thuật đánh chiêng cho thanh niên trẻ tuổi các dân tộc.

Cồng chiêng cũng giúp người dân xin Yàng phù hộ một năm mới sức khỏe, vụ mùa tươi tốt. Vì vậy, dân làng khắp nơi ai ai cũng chung sức, đồng lòng để giữ “hồn thiêng” dân tộc. Ngày trước, thanh niên trai tráng ở làng lớn lên đều được những người đi trước truyền dạy nghệ thuật đánh cồng chiêng. Lứa trai làng 15-16 tuổi đã thành thạo các bài chiêng truyền thống như mừng lúa mới, cúng giọt nước, lễ Pơ thi...

“Đơn vị nào mời đi dạy cồng chiêng thì tôi đều nhận lời mà không ngại xa gần. Tôi chỉ mong có thể gìn giữ nét văn hóa đặc sắc này nhằm giữ gìn hồn cốt dân tộc của cha ông. Đồng thời, đóng góp vào việc giữ gìn Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại vào năm 2005” - NNƯT Đinh Keo chia sẻ.

Những bộ chiêng được nghệ nhân Đinh keo treo lên vách nhà sàn như một cách giữ gìn vốn quý. Ảnh: Thùy Dung.
Những bộ chiêng được nghệ nhân Đinh keo treo lên vách nhà sàn như một cách giữ gìn vốn quý. Ảnh: Thùy Dung.

Đưa tay chỉ lên vách nhà sàn, nơi những bộ cồng chiêng được treo gọn gàng, ông cho biết: “Âm nhạc từ cồng chiêng đến nay đã ngấm vào máu thịt. Từ thời thanh niên, tôi đã đi sưu tầm được khoảng 10 bộ chiêng. Sau này, tôi đem tặng cho người thân mấy bộ, đến bây giờ tôi đã chia đều cho con cái, còn giữ cho mình 3 bộ để treo ở nhà, phục vụ các ngày lễ hội của làng. Tôi tập luyện cho các đội chiêng trong làng mỗi khi được mời đi biểu diễn trong các sự kiện văn hóa”.

Cũng bởi mê đắm cồng chiêng nên nghệ nhân Đinh Keo luôn tìm cách giữ gìn vốn quý đó. Ngày trước ở làng Pyang nói riêng và các làng lân cận, khi chiêng bị hỏng, người dân phải tốn rất nhiều công sức để đi tìm người chỉnh chiêng. Ông cũng đã từng lặn lội đi bộ cả trăm cây số để mang chiêng đi chỉnh. Thấu hiểu nỗi khổ cực này, ông về bàn với gia đình rồi khăn gói đi học chỉnh chiêng ở huyện Ayun Pa. Sau nhiều tháng cực khổ đi lại, ông đã thành công và trở thành người đầu tiên biết chỉnh chiêng của huyện Kông Chro.

“Nghệ nhân đánh chiêng giỏi thì nhiều, nhưng để vừa đánh chiêng giỏi và chỉnh được chiêng thì rất ít. Nghề chỉnh chiêng không dễ học nên rất ít người biết nghề này. Vì vậy, khi trong làng hoặc các làng khác tìm đến với ý định học chỉnh chiêng thì tôi luôn dạy cho họ để nhân rộng nghề, tránh được tình trạng “chảy máu” cồng chiêng” - NNƯT Đinh Keo cho biết thêm.

Không chỉ giỏi đánh, chỉnh chiêng, nghệ nhân Đinh Keo còn sáng tác các bài hát, dàn dựng chương trình văn nghệ phục vụ địa phương và tham gia các hội thi, hội diễn do tỉnh tổ chức. Ông còn biết biên đạo các bài múa theo dân ca Bahnar, dựng hoạt cảnh cho người dân để biểu diễn tại các không gian văn hóa khác nhau, múa trong các lễ hội của làng. Hiện nay, ông còn là già làng, người có uy tín ở làng Pyang. Để tuyên truyền cho người dân hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước một cách tường tận, ông đã chuyển thể qua hình thức kể chuyện với dân làng để người dân dễ hiểu, dễ nhớ.

Các Lễ Hội của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không thể thiếu tiếng chiêng tiếng cồng, hồn cốt của văn hóa truyền thống vùng bản địa.
Các Lễ Hội của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không thể thiếu tiếng chiêng tiếng cồng, hồn cốt của văn hóa truyền thống vùng bản địa.

“Thắp lửa” cồng chiêng giữa đại ngàn

Không chỉ là một nghệ nhân đánh chiêng hay của làng, ông Đinh Keo còn là người thầy dìu dắt giới trẻ ở làng Pyang tham gia đánh chiêng, múa xoang, tạc tượng gỗ, hát sử thi và hát dân ca, đan lát,... Tính đến nay, ông đã dạy được cho khoảng hơn 300 người trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số.

Nghệ nhân Đinh Keo chia sẻ: “Ngày trước, từ một đội chiêng nhỏ, tôi đã đào tạo và nhân rộng ra toàn làng. Hầu hết người làng ai cũng biết đánh chiêng, múa xoang. Toàn làng tôi bây giờ có 3 đội chiêng là chiêng nam, chiêng nữ và chiêng thiếu nhi với nhiều độ tuổi khác nhau. Hiện nay, cứ mỗi khi rảnh, tôi lại kêu gọi thêm về nhà rông để tập luyện. Còn đội hình chính chỉ tập luyện khi được mời tham dự các sự kiện văn hóa”.

Nghệ nhân Đinh Keo cũng thường xuyên được mời về các làng, trường học trên địa bàn để dạy chiêng, múa xoang. Ông cho biết, mình đã dạy được các lớp chiêng cho làng Tờ Nùng, xã Ya Ma, huyện Kông Chro; phối hợp với Trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú huyện Kông Chro dạy chiêng cho các em học sinh nơi đây. Nhờ sự tận tình dạy dỗ của mình, các lớp học trò của ông đã được mời tham gia rất nhiều hoạt động, các hội thi văn hóa các dân tộc do huyện, tỉnh tổ chức như đánh chiêng, tạc tượng,...

Với những đóng góp của mình cho văn hóa, ông được nhận rất nhiều Giấy khen, Bằng khen, Kỷ niệm chương của các cấp, các ngành. Năm 2019, nghệ nhân Đinh Keo vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNƯT trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian.

Tuổi trẻ các dân tộc thiểu số Tây Nguyên ngày nay rất ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Tuổi trẻ các dân tộc thiểu số Tây Nguyên ngày nay rất ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Tuấn Phong