Khua luống - Nét đẹp văn hóa dân tộc Thái

12/10/2021 04:00

(DTTG) Khua luống là một loại hình văn nghệ dân gian truyền thống của dân tộc Thái - đã ra đời từ mỗi nhịp chày giã gạo. Hễ là người Thái biết cầm chày giã gạo thì đều biết khua luống, đặc biệt là con gái Thái.

Khua luống bắt nguồn từ trong lao động. (Ảnh: Internet)
Khua luống bắt nguồn từ trong lao động. (Ảnh: Internet)

Khua luống hay còn gọi là quánh long, đây là một loại hình diễn xướng dân gian của đồng bào người Thái nói chung và đồng bào người Thái ở tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Cũng như nhiều loại hình diễn xướng dân gian khác, khua luống có nguồn gốc từ đời sống lao động sản xuất, gắn liền với hoạt động giã gạo của những người phụ nữ Thái.

Trong quá trình giã gạo, để đỡ nhàm chán, mệt nhọc, thi thoảng người ta khua thêm một vài nhịp vào thành luống (cối giã) hoặc khua chày với nhau mà tiếng kêu phát ra nghe vui tai, xua tan mọi phiền muộn, lo âu trong những ngày tháng lao động vất vả trên nương, rẫy.

Trải qua thời gian, dần dần thành bài, thành nhịp điệu rồi hình thành loại hình nghệ thuật được biểu diễn trong các dịp lễ, tết, ngày cưới.... Dần theo thời gian, khua luống trở thành loại hình nghệ thuật đặc sắc, thành nhạc hồn của bản Thái...

Cái luống là hình máng dài, nơi dùng để giã tách hạt lúa ra khỏi bông lúa. Luống được làm từ những cây gỗ to, thẳng. Đặc biệt là gỗ mun, gỗ pào và gỗ sú, cắt thành khúc tùy theo kích thước của luống, thường có chiều dài 3 m và đường kính khoảng 80 cm, được đẽo bớt ruột. Còn chày thì chọn những cây hoặc cành nhỏ, chắc thịt làm chày để khi giã tiếng chày vang xa.

Người khua luống thường là phụ nữ và phải có ít nhất 7 người trở lên, trong đó 1 người giã nhịp còn những người còn lại thì khua. Khi có nhiều người cùng đứng giã chung một cối gạo thì mọi người phải biết cách giữ đều nhịp, tránh cho chày va đập vào nhau. Cứ thế qua thời gian, người phụ nữ Thái khua chày thành điệu, thành bài, trở thành nét văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc Thái.

Âm thanh phát ra từ mỗi điệu khua luống mang ý nghĩa về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. (Ảnh: Internet)
Âm thanh phát ra từ mỗi điệu khua luống mang ý nghĩa về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. (Ảnh: Internet)

Đặc biệt, khua luống thường kết hợp với trống, chiêng. Khi các thành viên khác khua luống thì cần có 1 người đánh trống và 1 người đánh chiêng. Khác với chiêng của đồng bào Tây Nguyên, chiêng của người Thái được đánh bằng dùi, khi biểu diễn 4 cái chiêng được treo lên và chỉ cần 1 người đánh. Sự kết hợp giữa khua luống và trống, chiêng tạo nên những âm thanh vui nhộn, có nhịp điệu rõ ràng, thường là nhịp chẵn 2/4 hoặc 4/2.

Khua luống đã trở thành loại hình nghệ thuật được biểu diễn trong những dịp lễ, tết hay những sự kiện quan trọng của làng bản. Khua luống được chia thành nhiều điệu: điệu chào khách, điệu mừng cưới, điệu tiễn con cháu lên đường nhập ngũ, điệu đám ma, điệu đi thăm anh em đường xa, điệu mừng lúa mới, điệu lệ làng...

Âm thanh phát ra từ mỗi điệu khua luống không có được cái luyến láy, bổng trầm của những loại nhạc cụ hiện đại, bởi khua luống vốn đơn giản như chính tâm hồn những người sáng tạo và biểu diễn nó, vậy mà bao đời nay nó dường như đã trở thành thứ keo dính tình cảm, gắn kết mọi người thành một khối cộng đồng thống nhất của tình bạn, tình thương, tình yêu; nó mang ý nghĩa về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc.

Hiện nay, tại khắp các bản làng người Thái, Khua luống luôn được mọi người sử dụng như một lời chào đến với những du khách gần xa, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống.

Ánh Ngọc