Những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Raglai
(DTTG) Dân tộc Raglai là một trong số những dân tộc có lịch sử cư trú lâu đời ở vùng đất Nam Trung Bộ và cuối dãy Trường Sơn. Thế nhưng địa bàn tập trung đông người Raglai sinh sống nhất là Khánh Hòa, Ninh Thuận. Tuy chỉ có số dân chưa đến 147 nghìn người, song dân tộc này vẫn giữ gìn được rất nhiều nét văn hóa đặc sắc.
Nhà dài của người Raglai |
Độc đáo Nhà dài
Theo điều tra dân số năm 2019, dân tộc Raglai có khoảng hơn 146.600 người. Tuy số lương dân không nhiều, song không gian sinh tồn của dân tộc này tương đối rộng lớn và có bề dày lịch sử, văn hóa.
Trong lịch sử của mình, dân tộc Raglai không chỉ chống chọi với các thế lực thiên tai, địch họa để sinh tồn mà còn góp công sức trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, thống nhất nước nhà. Nhiều người con của đồng bào dân tộc Raglai đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận công lao, phong tặng Anh hùng…
Xưa kia, người Raglai sinh sống, tụ họp thành xóm. Nhiều xóm họp thành làng. Đây cũng là đơn vị cơ sở của xã hội Raglai. Quản lý điều hành công việc của làng thường gồm Chủ Làng, Chủ Núi. Họ là những người nổi trội, những người được coi là mẫu mực trong gia đình, nuôi nấng dạy dỗ con cái mạnh khỏe, lao động sản xuất giỏi giang, những người gương mẫu gìn giữ phong tục tập quán, có hiểu biết, giao thiệp rộng được bà con xóm làng nể trọng.
Chủ Làng có nhiệm vụ trông coi điều khiển mọi hoạt động, duy trì trật tự trị an, tổ chức lực lượng sẵn sàng cùng phòng chống thú dữ hay bất cứ sự xâm nhập nào từ bên ngoài, chủ trì các lễ hội của làng.
Cùng quản lý cộng đồng làng còn có Chủ Núi. Đây là người thông thuộc ranh giới đất đai rừng núi thuộc phạm vi mình quản lý, trong đó có ruộng nương rẫy thuộc sở hữu gia đình, sở hữu dòng họ và sở hữu cộng đồng. Phạm vi quản lý của Chủ Núi thường trùng khớp với địa giới của một làng nhưng cũng có trường hợp gồm nhiều làng.
Bên cạnh Chủ Làng, Chủ Núi còn có Chủ Xử việc - người chủ trì các cuộc phân xử sự việc lớn nhỏ xảy ra trong làng. Chủ Xử việc là người am hiểu sâu sắc phong tục tập quán, nắm rõ những điều kiêng cữ cấm kỵ, thông làu luật tục và quan trọng hơn hết là có cuộc sống mẫu mực, đạo đức, là người công tâm, có uy tín trong dân làng.
Các gia đình người Raglai thường có nhiều thế hệ chung sống trong một ngôi nhà gọi là Nhà dài. Ngôi nhà này có kết cấu vững chắc, thông thường các cột chính có đường kính hơn ba gang tay, cao hơn 4m. Riêng phần thềm - phần sàn từ sân đất lên hết cầu thang trước khi bước vào các gian nhà chính bên trong - rộng hơn 3m chạy suốt hiên mặt trước nhà đủ để dàn mã la diễn tấu cùng các sinh hoạt khác mỗi khi gia đình có lễ hội (việc cưới, việc tang, lễ bỏ ma, lễ đền ơn đáp nghĩa mẹ cha…) và cả khi phân xử sự việc theo luật tục. Thềm trước nhà còn là nơi nghỉ ngơi thư giãn, ăn trầu hút thuốc.
Trong khu đất ở của một gia đình, Nhà dài được gọi là cơ ngơi to và chung quanh là hệ thống kho tàng. Tùy gia đình ít hay nhiều lao động, biết tính toán làm ăn hay không mà xây dựng những nhà kho: kho lúa, kho bắp, kho bông vải hay nhà kho bên ngoài bông vải chứa khung cửi dệt và là nơi may vá thêu thùa dành cho đàn bà con gái trong gia đình.
Các khu nhà ở của gia đình Raglai thường xây dựng trên sườn đồi về một bên của dòng suối và có tập quán xây dựng cách xa nhau. Quanh khu nhà ở có hàng rào chắc chắn, có một hoặc hai cửa ra vào và luôn có máng nước bằng tre nứa dẫn từ suối về bảo đảm sinh hoạt hàng ngày và có chỗ tắm giặt cho đàn bà, con gái, trẻ em. Máng dẫn nước từ suối về nhà đã đi vào tập quán nên khi dựng nhà mồ luôn phải làm máng nước giả cho người đã khuất. Ngoài ra, trên đám rẫy đang canh tác, người Raglai còn có nhà rẫy để ăn uống nghỉ ngơi trong những ngày lao động mùa vụ, có kho tạm chứa hoa lợi trước khi mang về nhà.
Nhà dài Raglai là nơi sinh sống quây quần của ít nhất ba - bốn thế hệ (bà - ông, mẹ - cha, các con gái - các chàng rể, các cháu, chắt) dưới sự cai quản của chủ nhà, thường là người già, cao tuổi nhất trong gia đình, trong dòng họ. Gia đình được coi là cơ sở của cộng đồng làng.
Người Raglai đề cao vai trò của người phụ nữ, được chủ động trong hôn nhân từ lựa chọn người mình yêu cho đến việc chọn địa điểm làm hôn lễ |
Duy trì chế độ mẫu hệ
Tuy chỉ có số dân chưa đến 147 nghìn người, song dân tộc Raglai vẫn giữ gìn được rất nhiều nghi lễ, tập tục, tín ngưỡng văn hóa dân gian vô cùng phong phú và đa dạng. Trong đó phải kể đến tập tục cưới hỏi.
Người Raglai quan niệm có vợ có chồng là có sự sống giống nòi, do vậy việc cưới được tiến hành trang trọng với rất nhiều lễ tục mang đậm tính nhân văn và là ngày hội vui của cả cộng đồng. Đồng thời, xã hội nghiêm khắc lên án những hành vi trái với phong tục tập quán mà luật tục Raglai nêu lên nhiều sự việc sự vụ cụ thể liên quan đến hôn nhân gia đình và quan hệ nam nữ. Ví dụ như phải chịu “cưới phạt” do quan hệ tình dục trước hôn nhân; lên án mạnh mẽ việc ngoại tình, cưỡng dâm, đàn bà lớn tuổi dụ dỗ con trai mới lớn…
Đến nay, người Raglai là một trong số ít các tộc người duy trì chế độ mẫu hệ. Họ quan niệm rằng, con gái cưới chồng giống như “Chặt cây rừng về làm nhà, bắt người ta về làm người nhà mình”. Người vợ quyết định những công việc lớn, con gái sinh ra mang họ mẹ và luôn giữ mối quan hệ huyết thống theo dòng họ mẹ suốt 7 đời. Quyền thừa kế tài sản ưu ái người con gái, nhất là người con gái út. Tuy vậy, hôn nhân của người Raglai được hình thành trên cơ sở tình yêu, tự nguyện, có sự chấp thuận của cha mẹ, họ tộc, cộng đồng.
Hiện người Raglai vẫn tuân thủ nguyên tắc ngoại hôn dòng họ và chế độ một vợ một chồng. Sau lễ hỏi, đôi trai gái người Raglai có thể “ngủ thảo” trong thời gian không hạn định, nghi thức có ý nghĩa giúp đôi bạn trẻ nuôi dưỡng tình yêu bền chặt. Tục lệ này còn là sự thử thách bản thân cũng như sự tôn trọng nhau của đôi bạn trẻ.
Trong thời gian “ngủ thảo”, nếu đôi trai gái thấy thực sự yêu nhau sẽ xin hai bên gia đình cho phép làm đám cưới. Nếu không ưng thuận thì chia tay nhau êm đẹp, không oán giận hay ghét bỏ nhau. Khi hai gia đình đã đồng ý cho đôi bạn trẻ làm đám cưới thì nhà trai tìm ông mai, bà mối, họ là những người đứng tuổi, am hiểu luật tục, có khả năng giao tiếp sang nhà gái để tiến hành lễ hỏi và thực hiện các nghi thức cưới hỏi truyền thống.
Các thầy cúng đang thực hiện nghi lễ tại Lễ bỏ mả |
Lễ bỏ mả - Di sản Văn hóa phi vật thể
Không có Nhà dài và tập tục hôn nhân rất riêng biệt so với những dân tộc khác, người Raglai còn có một kho tàng lễ hội dân gian phong phú và độc đáo. Đáng chú ý như lễ bỏ mả, lễ hội ăn đầu lúa mới, lễ cưới, lễ cầu mưa thuận gió hòa, lễ trưởng thành, lễ xuống giống… Trong đó, lễ bỏ mả của đồng bào Raglai ở xã Ba Cụm Bắc (Khánh Sơn, Khánh Hòa) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ bỏ mả là nghi lễ quan trọng nhất trong các nghi lễ vòng đời của người Raglai - lễ chia tay vĩnh viễn giữa người sống và người chết để người chết được trở về thế giới vĩnh hằng. Lễ được thực hiện từ năm thứ ba đến năm thứ năm, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh gia đình có thể tổ chức sớm hơn. Lễ bỏ mả của đồng bào Raglai được thể hiện bằng nhiều loại hình nghệ thuật như: Kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, múa, trình diễn...
Lễ thường được tổ chức vào khoảng tháng ba, tháng tư dương lịch. Thời gian tổ chức từ 3 - 5 ngày, quy mô rộng lớn, thu hút cả làng và nhiều làng khác tham gia. Đây cũng là dịp để người Raglai thể hiện tình cảm trách nhiệm của người sống với người chết. Đồng thời là dịp để thể hiện sự đền đáp công lao ông bà, báo hiếu cha mẹ, tăng thêm tình cảm làng xóm, thể hiện văn hóa ứng xử giữa con người với con người...
Nghi lễ bỏ mả xuất phát từ quan niệm: Có hai thế giới song song tồn tại. Đó là thế giới của người sống và thế giới của người chết. Khi một người khuất núi, dù đã được chôn cất thì vẫn còn mối quan hệ với người sống. Bởi linh hồn của họ vẫn còn lẩn khuất trong cõi nhân gian. Chính vì thế mà phải làm lễ bỏ mả để chấm dứt mối quan hệ này để người chết có thể trở về với thế giới vĩnh hằng.
Theo luật tục, khi tổ chức Lễ bỏ mả cho người thân, gia đình phải mời những người đã từng tham dự lễ tang người quá cố để họ chia tay lần cuối với người đã chết. Đồng thời để bày tỏ lòng tri ân của gia đình đối với cộng đồng. Vì vậy, để tổ chức cho Lễ bỏ mả, gia đình phải chọn ngày giờ, sau đó phải bỏ ra hàng tháng trời để chuẩn bị cho việc ủ rượu cần, làm Nhà mồ, thuyền Kagor và mời họ hàng, thân thuộc cùng tham dự.
Khi Lễ bỏ mả đã kết thúc, mọi người cùng trở về nhà. Thầy cúng và các phụ lễ đã cởi bỏ trang phục hành lễ. Họ ngồi trên sàn nhà cùng người chủ gia đình và đại diện khác có liên quan trực hệ với người chết (thông thường là con gái, chị, em gái) và làm lễ “Dặn dò người sống không buồn nữa”. Dặn dò xong tất cả cùng quây quần bên nhau uống rượu cần và trò chuyện.
Trải quá trình giao lưu, cộng sinh với những dân tộc khác, một số nét văn hóa của đồng bào Raglai đã dần thay đổi. Ví dụ như một số nghi thức trong Lễ bỏ mả của người Raglai có dấu hiệu của sự ảnh hưởng các nền văn hóa tộc người khác (trong đó có người Kinh), nhiều nghi thức cúng lễ đã được tinh giảm để phù hợp hơn với điều kiện về kinh tế cũng như thời gian của mỗi gia đình. Thiết nghĩ, đó là điều đáng mừng. Bởi văn hoá là một dòng chảy, ở đó bao giờ cũng có sự truyền thừa và tiếp biến. Những giá trị tốt đẹp sẽ được lưu giữ, bảo tồn, còn những cái chưa phù hợp sẽ dần được loại bỏ.