Những nét văn hóa đặc sắc của người Mường
(DTTG) Trong 54 dân tộc Việt Nam, người Mường (còn có tên gọi Mol, Mual, Moi) có dân số hơn một triệu người. Họ có cùng nguồn gốc với người Việt cổ, cư trú ở nhiều tỉnh phía Bắc, nhưng tập trung đông nhất là ở tỉnh Hòa Bình, và một số huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa và Phú Thọ. Đây cũng là một trong những dân tộc hết sức giàu bản sắc văn hóa.
Nhà sàn của người Mường |
Độc đáo nhà sàn
Theo các nhà dân tộc học, người Mường có quan hệ hết sức gần gũi với người Kinh vì họ có nguồn gốc chung là Việt – Mường. Sự chia tách Việt – Mường thành Kinh và Mường diễn ra ở thời điểm nào và quá trình chia tách ấy ra sao thì đến giờ vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau.
Tổ chức xã hội truyền thống của người Mường là Lang Cun và Lang Đạo điều hành. Đứng đầu mỗi Mường là Lang Cun, dưới là các xóm, Lang Đạo cai quản. Cải cách hành chính của Vua Minh Mạng đã phá bỏ cơ cấu tổ chức này, thành lập các xã, do Lý trưởng đứng đầu. Mặc dù vậy, chế độ nhà Lang vẫn tồn tại song hành cho đến sau Cách mạng Tháng Tám 1945.
Đồng bào Mường định canh định cư ở miền núi, nơi có nhiều đất sản xuất, gần đường giao thông, thuận tiện cho việc làm ăn. Người Mường có truyền thống làm ruộng và cây lúa nước là cây lương thực chủ yếu. Nghề phụ của dân tộc này trong những tháng nông nhàn là dệt vải, đan lát, ươm tơ và khai thác nguồn lợi từ rừng.
Nhà của người Mường là nhà sàn, thường được dựng và bố trí hết sức khéo léo, không gian rất thoáng đãng và đặc biệt tiện lợi. Với đặc trưng kiểu nhà này, người Mường đã tạo nên cho mình một tập quán riêng trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong lao động sản xuất, vừa trồng lúa, làm nương rẫy, vừa chăn nuôi gia súc gia cầm.
Nhà sàn của người Mường ngoài chức năng để ở, cất trữ tài sản, phòng tránh thú dữ và phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở vùng núi, còn là nơi giữ gìn bản sắc văn hóa, giáo dục các thành viên trong gia đình.
Có một điều đặc biệt là khi làm nhà mới, dựng cột bếp, người Mường có tục làm lễ nhóm lửa. Gia chủ lấy bẹ chuối cắt hình 3 con cá to, kẹp vào thanh nứa buộc lên bếp, ở cột cái đặt thêm quả bí xanh. Trước lúc đun nấu ở nhà mới, gia chủ làm lễ nhóm lửa xin thần bếp đặt 3 hòn đầu rau và hòn đá cái. Đêm đó gia chủ mời mọi người uống rượu cần dưới ánh sáng của ngọn lửa bập bùng trên bếp.
Tuy cùng là dân tộc Mường, nhung nhà sàn của người Mường ở mỗi vùng lại có chút ít khác biệt. Nhà sàn của người Mường ở Hòa Bình phổ biến là 4 mái (2 mái đầu hồi và 2 mái dài), sàn nhà thấp giống sàn nhà người Thái. Nhà sàn người Mường Thanh Sơn, Yên Lập, Phú Thọ lại là nhà 2 mái, mái đốc vẩy gần sát sàn.
Nhà sàn người Mường không có thềm bên ngoài như nhà sàn người Thái. Sàn thường được làm bằng bương, pha thành dát ghép lại, hoặc bằng gỗ. Từ mặt đất lên sàn cao từ 2 – 2,5 m. Mỗi ngôi nhà thường có từ 3 đến 5 gian. Thảng hoặc có từ 7 đến 12 gian là những nhà đông con, khá giả. Cầu thang được bắc ở bên trái.
Không gian nhà của người Mường được chia thành gian nhà gốc dành cho nam giới. Đây là không gian linh thiêng, nơi đặt bàn thờ trong những ngày lễ quan trọng như hôn lễ, ma chay thì nam giới và những người có vai vế trong dòng họ mới được ngồi ăn uống. Gian thứ hai, kế theo gian gốc là nơi dành cho nam giới ngủ nghỉ. Đây cũng là nơi để thóc và đặt bếp.
Người Mường thường có hai bếp. Một bếp để nấu nướng thức ăn và dùng cho phụ nữ, trẻ em ngồi sưởi. Một bếp khác ở gian gốc dùng cho đàn ông sưởi, đun nước uống và tiếp khách. Gian cuối cùng là dành cho phụ nữ sinh hoạt, chứa đồ dùng sinh hoạt, nơi sửa soạn cơm nước.
Trang phục của phụ nữ Mường hết sức tinh tế |
Cầu kỳ riêng biệt
Trang phục cũng như tạo hình và phong cách thẩm mỹ trên trang phục của người Mường có đặc trưng riêng. Đàn ông thường là mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, có hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực trái. Quần của của đàn ông thường có ống rộng và dùng khăn thắt giữa bụng (còn gọi là khăn quần). Đàn ông đầu thường cắt tóc ngắn hoặc quấn khăn trắng. Khi nhà có lễ hay dịp Tết, đàn ông Mường thường mặc áo lụa tím hoặc tơ vàng, khăn màu tím than, ngoài khoác đôi áo chùng đen dài tới gối, cài cúc nách và sườn phải.
Trong khi đó, trang phục truyền thống của người phụ nữ dân tộc Mường có hai màu chủ đạo, đó là màu xanh và trắng, cũng có một số địa phương sử dụng thêm áo màu hồng (như người Mường ở Hòa Bình). Đối với loại áo này, người Mường thường sử dụng các loại sợi dệt mảnh, có thân ngắn đến chấm eo lưng, xẻ ngực, ống tay dài.
Còn ngày thường, phụ nữ Mường thường mặc áo pắn (áo ngắn) kết hợp với váy. Đây là loại áo cánh ngắn, xẻ ngực, ống tay dài, áo màu nâu hoặc trắng, bên trong mặc áo yếm trắng. Đầu thường đội khăn trắng, xanh với phong cách không cầu kỳ như một số tộc người khác.
Đối với váy, có 3 bộ phận chính, đó là đầu váy, thân váy và cạp váy. Trong đó, đầu váy là chi tiết quan trọng nhất bởi đây là điểm nhấn đại diện cho sự sáng tạo của người dệt, thường là các họa tiết hoa văn cực kỳ tinh xảo không bị lệ thuộc vào các mẫu có sẵn. Các hoa văn trên đầu váy chủ yếu được thêu hình long, phượng và các khối hình khác, nhưng nổi bật và mang tính phổ biến của sự ảnh hưởng văn hóa trên mặt trống đồng Đông Sơn.
Thân váy được dệt từ một tấm vải tơ tằm, màu sắc được nhuộm theo ý thích của người mặc. Cạp váy là phần cuối cùng của chiếc váy, được vắt và khâu bên trong thân váy thường có màu đỏ hoặc đen. Bên ngoài cạp thêu các hoa văn với nhiều màu sắc để khi mặc lên những mảng hoa văn nổi bật giữa cơ thể người phụ nữ. Đặc biệt, phần cạp váy thể hiện sự tinh tế, khéo léo, sâu sắc của người dệt.
Ngoài áo, váy người Mường sử dụng thêm thắt lưng được làm bằng chất liệu vải, lụa tơ tằm, có màu xanh lục hoặc màu xanh lá mạ, có chiều dài khoảng 160 cm, chiều ngang 35 cm, khi mặc phụ nữ Mường thường thắt dây lưng bên ngoài váy, quấn tầm ngang hông.
Theo chị Quách Thị Lan, ở xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình thì nét đặc sắc nhất trên trang phục của người Mường chính là những mảng hoa văn nổi lên giữa trang phục và cạp váy, thắt lưng. Kỹ thuật dệt cạp váy rất khó, bao gồm nhiều khâu, thao tác phức tạp hơn dệt vải thông thường, do vậy, đòi hỏi sự khéo léo cao.
Đặc biệt, tài năng của người dệt còn thể hiện ở việc bố cục, sắp xếp hoa văn trên từng bộ phận sao cho hợp lý, đẹp mắt, để các họa tiết có thể hỗ trợ, làm nổi bật lẫn nhau mà không phá vỡ bố cục chung.
Thầy mo Bùi Văn Xiên: “Mo Mường thực sự là một di sản văn hóa đặc sắc” |
Hấp dẫn Mo Mường
Do người Mường có nguồn gốc gần với người Kinh nên ngôn ngữ của họ thuộc nhóm Việt - Mường. Từ lâu, những nhân sỹ, trí thức của dân tộc này đã có ý thức tạo dựng cho mình một bộ chữ viết ghi lại tiếng nói của tổ tiên mình.
Hiện nay, trong cộng đồng người Mường vẫn còn lưu lại một số văn bản người xưa sử dụng chữ Hán để ghi lại tiếng Mường. Sau 1945, Việt Nam chính thức sử dụng bộ chữ Quốc ngữ là bộ chữ cho tiếng Việt. Cũng từ đây các bậc trí giả người Mường bắt đầu sử dụng chữ Quốc ngữ để ghi lại tiếng Mường. Kết quả là hàng vạn câu thơ Mo Mường được sưu tầm, nhiều ấn phẩm được xuất bản và được thực hành trong đời sống cộng đồng, góp phần gìn giữ tiếng Mường trong đời sống cộng đồng.
Theo thầy mo Bùi Văn Xiên, xóm Sơn Phú, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình thì Mo Mường thực sự là một di sản văn hóa đặc sắc, phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan độc đáo của dân tộc Mường, hàm chứa nhiều ý nghĩa giáo dục đối với cộng đồng và thể hiện đậm đặc giá trị về tiếng nói, chữ viết của dân tộc Mường.
Thống kê cho thấy có tới 23 nghi lễ của người Mường được thực hiện sử dụng Mo. Vai trò của ông Mo gắn liền với vòng đời của con người. Từ khi sinh ra cất tiếng khóc chào đời, ông Mo cầu cho trẻ hay ăn, chóng lớn. Khi đau yếu, lạc vía, Mo làm vía mụ sao cho trẻ được khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thông minh. Tuổi trưởng thành, khi đau yếu, Mo làm vía giải hạn, trừ tà ma.
Vai trò của ông Mo còn thể hiện qua đám cưới, trong lễ cúng gia tiên hai họ đến đón dâu hay lễ mừng nhà mới, lễ mát nhà, cầu sức khỏe, bình an... Đến tuổi già sức cạn, ông Mo làm lễ kéo si mong cho sức khỏe, minh mẫn, sống lâu. Khi nhắm mắt xuôi tay về với Mường Trời, ông Mo đóng vai trò là cầu nối tiễn hồn người chết sang thế giới bên kia.
“Tiếng Mường không chỉ trường tồn cùng Mo Mường mà còn trường tồn cùng vốn văn hóa dân tộc Mường nói chung, trong các làn điệu dân ca, hát ví của người Mường nói riêng”, thầy mo Bùi Văn Xiên chia sẻ.
Trong vài năm gần đây, ý thức về giá trị của dân ca Mường nói riêng, bản sắc văn hóa dân tộc Mường nói chung, đồng bào, đặc biệt là các nghệ nhân đã rất nỗ lực giữ gìn tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. Song trong bối cảnh hiện nay, thì việc bảo tồn và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể là tiếng nói và chữ viết của dân tộc Mường đang được coi là một việc làm cấp bách và thường xuyên.
Cùng với việc các nghệ nhân và cộng đồng bà con dân tộc Mường tích cực lưu truyền tiếng mẹ đẻ qua vốn văn hóa dân gian, mới đây tỉnh Hòa Bình, nơi được xem là “thủ phủ của người Mường”, đã ban hành Đề án “Dạy và học tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường”. Đề án đó mở ra nhiều hy vọng cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc địa phương cũng như phát huy tiềm năng, lợi thế nội lực trong bản sắc văn hóa dân tộc Mường.