Nhà lá của người miền Tây Nam bộ xưa

20/10/2022 00:00

(DTTG) Nhà lá không chỉ đơn giản là đặc trưng của kiến trúc nhà ở miền Tây Nam Bộ mà còn là đặc sản, là nét đẹp văn hóa của con người nơi đây được lưu giữ từ bao đời nay và đến giờ là trong nhịp chảy của cuộc sống hiện đại.

Nhà ở miền Tây Nam Bộ sử dụng lá dừa nước để xây dựng nhà lá.
Nhà ở miền Tây Nam Bộ sử dụng lá dừa nước để xây dựng nhà lá

Ở miền Bắc bà con thường lợp bằng lá cọ còn ở Đồng bằng sông Cửu Long thì thường chọn những vật liệu có sẵn để cất nhà như là các loại gỗ, tràm, đước, lá dừa nước...

Các loại cây này được xử lý qua quá trình hóa sinh tự nhiên bằng phương pháp ngâm nước dưới hầm, ao sẽ rất chắc chắn, dẻo dai, ít bị mối mọt đục khoét và lâu mục trong môi trường có độ ẩm cao. Một bộ cột bằng tràm được xử lý theo kinh nghiệm dân gian sẽ có khả năng sử dụng lâu đến hàng chục năm.

Lá cây dừa nước lợp nhà là nguyên vật liệu sẵn có tại chỗ, phù hợp với điều kiện môi trường và điều kiện kinh tế của những người nông dân. Loại cây này có sức sống mãnh liệt, thích nghi được ở cả môi trường nước ngọt hoặc nước lợ. Có lẽ người xưa cũng đã tìm nhiều loại lá lợp nhà, cuối cùng mới chọn lá dừa nước làm vật liệu chính, bởi vì loại này tương đối bền trước sự thay đổi của thời tiết và khí hậu đặc thù miền nhiệt đới gió mùa ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Vào mùa khô, lớp lá dừa nước bao bọc ngôi nhà, nhất là mái nhà trở thành lớp vật liệu cách nhiệt rất tốt. Những buổi trưa nóng bức, biên độ nhiệt giữa trong nhà và ngoài trời chênh lệch rất lớn nên trong nhà luôn rất mát mẻ. Do vậy, khi đời sống vật chất được nâng cao, nhiều ngôi nhà hiện đại được xây lên nhanh chóng, nhưng người ta vẫn cất thêm một mái lá để nghỉ trưa như một kiểu nhà hóng mát. Nếu như lá được chọn lọc và lợp kỹ, ngôi nhà có thể sử dụng được trung bình là năm năm mới phải thay lá mới.

Từ lá cây dừa nước, người ta có thể làm ra các kiểu lá dùng để lợp mái hay làm vách khác nhau. Mỗi một kiểu lá đều có cách buộc dây riêng khi sử dụng. Dây buộc gọi chung là dây lạt, chúng được làm từ bẹ hoặc chối lá non của cây dừa nước.

Kiến trúc nhà Miền Tây Nam Bộ với những ngôi nhà được lợp bằng lá dừa nước nhìn có vẻ mong mạnh yếu ớt nhưng với bàn tay khéo léo của bà con nơi đây nó vô cùng dẻo dai, kiên cường.

Một trong những điểm nổi bật là kỹ thuật đóng kèo và đòn tay theo kiểu guốc chèo. . Chỉ có những người thợ mộc thời xưa giỏi và nhiều kinh nghiệm mới thi công được kỹ thuật này.

Mỗi ngôi nhà là không gian riêng của từng gia đình, nên tùy vào sở thích và khả năng kinh tế mà người ta có cách bày trí cho ngôi nhà khác nhau. Thông thường, người ta chia ngôi nhà ra thành nhà trên và nhà dưới. Mỗi gian như vậy có chức năng khác nhau.

Bên cạnh đó, nếu không quá gần sông nước họ thường kết hợp làm nhà bằng gỗ với mái lá để tạo sự chắc chắn. Chính vì thế những ngôi nhà mái lá dừa đước còn tồn tại nơi đây.

Và có một điều để lí giải tại sao kiến trúc nhà ở miền Tây Nam Bộ lại phổ biến kiểu nhà lá, đó là: miền Tây là đất sinh bùn, đất không đóng gạch và làm ngói được, một ngôi nhà bê tông ở đó rất công phu tốn kém. Bên cạnh đó, phải đối mặt nhiều với thiên tai nên việc xây những mái nhà lá như vậy giúp họ tiết kiệm được một khoản chi phí lớn trong việc xây dựng một ngôi nhà kiên cố.

Nhà lá là một nét văn hóa đặc trưng, mang đậm chất quê hương của miền Tây Nam Bộ. Mặc dù có vẻ ngoài khá đơn giản và mộc mạc nhưng nó lại có một ý nghĩa văn hóa cực kỳ quan trọng đối với người dân nơi đây. Cho dù điều kiện kinh tế, chất lượng cuộc sống đang ngày một phát triển, nhà lá miền Tây đang dần được thay thế bởi những ngôi nhà hiện đại, kiên cố. Tuy nhiên, nhà lá vẫn là một phần không thể thay thế và tiếp tục tồn tại trong tâm trí của các thế hệ kế tiếp như một nét đặc trưng, nét đẹp văn hóa của con người nơi đây.

Đinh Ngọc