Sơn La: Đặc sắc nét đẹp trang phục dân tộc Mông hoa

23/11/2022 13:00

(DTTG) Trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông đều có tạo hình hoa văn bằng những màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, còn riêng người Mông hoa ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La lại mang tính nghệ thuật với những ký tự đặc biệt giống như ngôn ngữ hình tượng thể hiện tư tưởng, tình cảm, tâm lý trong đời sống sinh hoạt, tâm linh.

Phụ nữ bản dân tộc Mông hoa thêu tạo hoa văn trên trang phục truyền thống.
Phụ nữ bản dân tộc Mông hoa thêu tạo hoa văn trên trang phục truyền thống

Cộng đồng dân tộc Mông hoa hiện sinh sống ở 15 bản, thuộc các xã Tân Lập, Chiềng Sơn, Chiềng Hắc và thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Theo bà Vàng Thị Ly, bản Tà Số 2, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, chia sẻ: “Gái đẹp không biết cầm kim cũng hư, gái xinh không biết thêu thùa cũng hỏng”, nên việc thêu thùa được truyền từ đời này qua đời khác, cứ là phụ nữ Mông hoa thì ai cũng biết thêu, may, tự làm trang phục truyền thống. Những bộ trang phục truyền thống này được sử dụng hằng ngày trong đời thường, vào những dịp lễ hội, ngày tết, ngày cưới thì mặc những bộ phục trang mới nhất, đẹp nhất, nên toàn bộ trang phục của các thành viên trong gia đình sẽ do người phụ nữ kỳ công chuẩn bị.

Bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mông hoa với phái nữ có áo, váy, thắt lưng, tạp dề, xà cạp; với phái nam có áo, quần lanh rộng, đầu dùng khăn tổ ong quấn hình đầu rìu. Điểm nhấn trên trang phục truyền thống là những hoa văn trang trí trên áo (thân, tay, cổ), trên toàn thân váy, xà cạp, thắt lưng, khăn đội đầu, mũ… Kỹ thuật tạo hình hoa văn trên trang phục được phụ nữ dân tộc Mông hoa khéo léo thực hiện bằng phương thức thêu, chắp ghép vải, vẽ sáp ong hoặc đính hạt cườm, bạc độc đáo...

Hoa văn trên trang phục được sáng tạo và lấy cảm hứng từ thiên nhiên, cuộc sống lao động và thể hiện những khát vọng cao đẹp của người Mông hoa, gồm các họa tiết: Hình học, hình núi, hình rẻ quạt, hình răng cưa, chấm tròn kích thước to nhỏ khác nhau hay những đường gạch dài và ngắn song song; hoa văn hình rích rắc, hình ô trám, hình xoắn ốc... Màu thêu chủ đạo là các màu: Đỏ, vàng, trắng, xanh lơ. Các màu được phối trộn bắt mắt, rực rỡ nhưng lại rất hài hòa, nền nã, tạo tổng thể đẹp mắt, nét đặc trưng riêng có ở trang phục truyền thống đồng bào dân tộc Mông hoa.        

Mỗi hoa văn trên trang phục đều được thêu tay.
Mỗi hoa văn trên trang phục đều được thêu tay

Trong cuộc sống hiện đại, giao thoa về văn hóa, kinh tế - xã hội nên trang phục của người Mông hoa ở huyện Mộc Châu đã có nhiều biến đổi, kể cả chất liệu, kỹ thuật tạo hoa văn, cắt may trang phục, mỗi sự cách tân đều làm nổi bật thêm những nét độc đáo, riêng có của bộ trang phục. Việc in hoa văn bằng sáp ong trên vải không còn phổ biến, chủ yếu dùng kỹ thuật thêu hoa văn trên vải ở váy, áo. Trang phục truyền thống được phụ nữ và đàn ông sử dụng thường ngày, tuy nhiên do áo truyền thống của phụ nữ và đàn ông dân tộc Mông hoa xẻ ngắn, cài cúc cạnh, bất tiện trong lao động sản xuất, sinh hoạt, nên thường nhật phụ nữ, đàn ông mặc áo phông hoặc áo sơ mi và mặc đầy đủ trang phục truyền thống vào các ngày lễ, tết.      

Bà Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa từ nghệ thuật tạo hình hoa văn trên trang phục của đồng bào Mông hoa ở huyện Mộc Châu, cần tìm kiếm những hạt nhân có năng khiếu, tổ chức lớp tập huấn truyền dạy nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục cho phụ nữ; tổ chức các hoạt động cho đồng bào các dân tộc Mông, giao lưu, học hỏi và quảng bá các nét văn hóa của dân tộc đặc sắc.        

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo tồn văn hóa, lồng ghép phát triển du lịch cộng đồng để du khách trải nghiệm những kỹ thuật tạo hoa văn, mặc trang phục truyền thống... giúp đồng bào dân hiểu được giá trị để tự nguyện gìn giữ để bảo tồn và giới thiệu văn hóa dân tộc Mông hoa đến với công chúng, để văn hóa dân tộc Mông sống mãi với thời gian.

Hoài Thương