Người phụ nữ Mông đưa trang phục dân tộc đến với bạn bè quốc tế

22/11/2022 01:00

(DTTG) Khởi nghiệp từ chính các sản phẩm trang phục truyền thống của dân tộc, Vừ Thị Phương, người con gái dân tộc Mông tại huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La) không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng chục công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn đưa trang phục dân tộc mình đến tay nhiều khách hàng quốc tế.

Vừ Thị Phương giúp đỡ những người phụ nữ đồng bào dân tộc trên địa bàn có thu nhập tốt hơn từ kỹ thuật may vá vốn có.
Vừ Thị Phương giúp đỡ những người phụ nữ đồng bào dân tộc trên địa bàn có thu nhập tốt hơn từ kỹ thuật may vá vốn có

Từ bao đời nay, đồng bào dân tộc Mông vẫn truyền nhau một câu nói: “Gái xinh không biết làm lanh cũng xấu/Gái ngoan không biết cầm kim cũng hư”. Như bao người con gái Mông khác, Vừ Thị Phương cũng được các bà, các mẹ truyền dạy về kỹ thuật thêu thùa, may vá từ khi còn bé. 

Nhưng Vừ Thị Phương không dừng lại ở việc may thêu trang phục cho bản thân và gia đình. Trong Phương luôn cháy bỏng giấc mơ khởi nghiệp từ chính những bộ trang phục dân tộc quen thuộc ấy.  

Vừ Thị Phương nhớ lại, năm 2014, khi vẫn đang công tác tại một trường tiểu học trên địa bàn, Phương bắt đầu dùng mạng xã hội Facebook để chia sẻ hình ảnh những bộ trang phục cách tân do cô tự thiết kế và hoàn thiện. Bất ngờ Phương nhận được những đơn hàng đầu tiên đến từ bạn bè quốc tế. Nhận thấy được tiềm năng từ sản phẩm, Vừ Thị Phương luôn tranh thủ thời gian ngoài giờ làm việc để may đồ đăng bán. Dần dần, những đơn hàng đến với cô ngày một nhiều lên. 

Mạnh dạn theo đuổi ước mơ khởi nghiệp, Vừ Thị Phương đầu tư máy móc, trang thiết bị, thuê công nhân may và liên kết với một công ty ở Hà Nội để cách tân các bộ trang phục dân tộc Mông sao cho vừa phù hợp với xu thế hiện đại.

Các thiết kế cách tân của Vừ Thị Phương có sự phá cách ở kiểu dáng, nhấn nhá các chi tiết phụ, thêm phụ kiện và sử dụng thổ cẩm truyền thống làm yếu tố chủ đạo. Sự kết hợp này đảm bảo yếu tố hài hòa, tôn trọng thuần phong mỹ tục, nhất là làm nổi bật các hoa văn, họa tiết cổ truyền dân tộc, nhờ vậy, cơ sở sản xuất của Phương luôn có những bộ trang phục độc đáo, đẹp mắt, được khách hàng yêu thích.

Vừ Thị Phương chia sẻ, có những đơn hàng lớn đặt 700 - 800 bộ, đa số đều là khách nước ngoài và đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Ban đầu Phương phải dùng Google dịch để giao tiếp với khách hàng nên còn gặp nhiều khó khăn. Sau thời gian tự học và chăm chỉ luyện tập các kiến thức tiếng Anh thông dụng, giờ đây Phương đã có thể tự tin giao tiếp với khách hàng, từ đó mở ra nhiều cơ hội hơn trong kinh doanh. 

Trong suốt 5 năm qua, Vừ Thị Phương đã tạo ra hàng nghìn bộ trang phục, thu về lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/ năm. Cơ sở sản xuất của Phương đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. 

Nói về dự định tương lai, Vừ Thị Phương cho biết bản thân đang nỗ lực hết mình để sớm mở thêm một xưởng may, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho bà con địa phương. Đồng thời, Phương mong muốn các sản phẩm của mình sẽ góp phần quảng bá nét đẹp trang phục Mông đến nhiều bạn bè quốc tế hơn nữa, từ đó giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. 

Phương Huyền