Hà Giang: Tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số
(DTTG) Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và hướng dẫn thực hiện công tác dân vận, góp phần nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết, sự bình đẳng dân tộc, để bà con trên địa bàn tích cực phát triển sản xuất, thoát nghèo.
Hà Giang có 19 dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 87,7% dân số toàn tỉnh. Vùng đồng bào DTTS được tỉnh xác định là khu vực trọng yếu, giữ vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN. Cũng vi thế mà công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ Hoàng Su Phì. Ảnh TL |
Với quan điểm xuyên suốt: Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia làm nòng cốt; công tác dân vận vùng đồng bào DTTS của tỉnh Hà Giang đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Trong năm 2021, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang kịp thời ban hành 17 nghị quyết, chương trình, 50 kế hoạch, đề án phát triển KT-XH; hoàn thành rà soát nhu cầu đầu tư theo Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn. Nhờ việc tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào DTTS của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội mà Hà Giang đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Từ đó góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Đơn cử như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá, đạt 5,06%; giá trị sản phẩm bình quân đầu người đạt 30,7 triệu đồng (tăng 1,2 triệu đồng so với năm 2020); 23/32 chỉ tiêu phát triển KT-XH đạt và vượt kế hoạch…
Người dân xã Tả Lủng (Đồng Văn) thu hoạch sâm Khoai. Ảnh TL |
Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận hơn nữa, Hà Giang đặc biệt coi trọng việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trước khi xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách về phát triển KT-XH, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân được kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện của các cấp, ngành.
Trong đó, thường xuyên tổ chức tiếp xúc, đối thoại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Cụ thể, trong năm 2021, người đứng đầu chính quyền các cấp, ngành đã tổ chức hơn 1.000 cuộc tiếp xúc, đối thoại thu hút trên 28.400 lượt người tham gia với tổng số gần 5.900 ý kiến, kiến nghị. Các buổi tiếp xúc, đối thoại được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo phương châm “dân chủ, công khai, an toàn, thiết thực và hiệu quả”; tạo được lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.
Người dân thôn Dính Lủng, xã Tả Phìn (Đồng Văn) góp sức mở đường liên thôn. Ảnh TL |
Với vai trò nòng cốt trong công tác vận động quần chúng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đã xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức, tập hợp, đoàn kết đoàn viên, hội viên, đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng. Tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sát cơ sở, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, thiết thực của đoàn viên, hội viên; kịp thời đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống; thể hiện rõ chức năng, nhiệm vụ trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, tỷ lệ thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên và nhân dân vào các tổ chức: Ủy ban MTTQ đạt 85%, Đoàn Thanh niên 73%, Hội Nông dân 80%, Hội Cựu chiến binh 91%, Hội Liên hiệp phụ nữ 65%; Liên đoàn Lao động 84%...
Đối với lực lượng vũ trang, công tác dân vận vùng đồng bào DTTS được tăng cường, góp phần phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân. Cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang đã xây dựng thành công 271 mô hình “Dân vận khéo”; duy trì hiệu quả 587 mô hình tự quản về an ninh trật tự. Các Đồn Biên phòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền 34 xã, thị trấn biên giới củng cố, kiện toàn 318 tổ an ninh tự quản tại các thôn biên giới; duy trì 107 tập thể, 856 cá nhân, gia đình tham gia tự quản đường biên, mốc giới.
Múa hát tại Lễ cầu an của người Giáy xã Nậm Ban (Mèo Vạc) . Ảnh TL |
Cùng với đó, các lực lượng vũ trang thường xuyên giúp đồng bào dân tộc trên địa bàn phát triển kinh tế, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai. Qua đó, ngày càng tăng cường tình đoàn kết, tạo mối quan hệ gắn bó quân dân. Trong năm 2021, lực lượng vũ trang đã tham gia ủng hộ xây dựng nhà ở cho 135 hộ người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng và gần 860 công lao động…
Xác định “Cán bộ là gốc của công việc”, “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, hiện nay, tỉnh Hà Giang tiếp tục xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức vùng đồng bào DTTS thực sự là công bộc của dân, “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” theo phương châm: “Chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, hiệu quả”.
Tiêu biểu trong công tác dân vận khéo trên địa bàn tỉnh phải kể đến huyện Đồng Văn. Huyện có 17 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 97,15% dân số toàn huyện. Xác định người có uy tín trong đồng bào DTTS giữ vị trí, vai trò quan trọng, là lực lượng nòng cốt, “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Do đó, cấp ủy huyện không ngừng đổi mới công tác dân vận thông qua việc phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Hiện nay, huyện Đồng Văn có 225 người được 225 thôn, tổ dân phố suy tôn là người có uy tín. Đây chính là những hạt nhân tích cực trong tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Mô hình liên kết trồng rau sạch ở thôn Quang Vinh, xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì. Ảnh TL |
Người có uy tín tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2021 của huyện đạt 20 triệu đồng, tăng 12,8% so với năm 2011.
Trong phong trào thi đua chung sức xây dựng Nông thôn mới, người có uy tín vận động nhân dân đóng góp trên 194.000 ngày công lao động, hiến tặng gần 256.000 m2 đất, đóng góp trên 35 tỷ đồng tiền mặt. Đặc biệt, mô hình “Hội nghệ nhân dân gian” có sự tham gia của người có uy tín đã góp phần giảm các hủ tục trong đám hiếu, ký cam kết với các thôn trong việc bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh.
Có thể nói, làm công tác dân vận đã khó, làm công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS còn khó khăn hơn. Bởi để thực hiện thành công đòi hỏi sự hiểu dân, gần dân, gắn bó với nhân dân của mỗi cán bộ làm công tác dân vận. Thời gian tới, để công tác dân vận đạt hiệu quả cao, tỉnh Hà Giang tiếp tục chú trọng bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ dân vận các cấp; nâng cao chất lượng, hiệu quả các Tổ dân vận tại các địa phương. Đặc biệt, ưu tiên đội ngũ người có uy tín, già làng có tiếng nói trong nhân dân để công tác dân vận ngày càng có chiều sâu và đạt nhiều hiệu quả tích cực.