Phật hội Tứ ân Hiếu nghĩa đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa của tỉnh An Giang

14/06/2021 01:32

(DTTG) Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước nói chung, tỉnh An Giang nói riêng. Tôn giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa là một trong những tập thể được Huyện ủy Tri Tôn giới thiệu là tấm gương điển hình tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cùng lãnh đạo Huyện Tri Tôn chúc mừng Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cùng lãnh đạo Huyện Tri Tôn chúc mừng Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Tứ Ân Hiếu Nghĩalà tôn giáo nội sinh, do Đức Bổn sư Ngô Lợi sáng lập vào năm 1867. Trải qua 154 năm hoạt động và phát triển, đến nay, đã có trên 78.000 tín đồ tham gia Đạo ở nhiều tỉnh, thành phố miền Nam. Với tôn chỉ hành đạo là “Hành tứ ân – Sống hiếu nghĩa – Vì đại đoàn kết toàn dân tộc”, với giáo lý là “Tu nhân – Học Phật”, tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa vừa nghiêm chỉnh hành đạo, vừa chú trọng giúp đời.

Để truyền tải tôn chỉ “Tu nhân - học Phật”, Đức Bổn Sư đã biên soạn các bộ kinh hoặc chuyển thành các thể thơ với lời lẽ bình dị, mộc mạc, dễ nhớ và dễ đi vào lòng người, rất phù hợp với trình độ của người dân nên nhanh chóng được tín đồ hưởng ứng. Cùng với kính thờ và phụng sự tứ ân (ân tổ tiên, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào - nhân loại), tín đồ phải hành xử hiếu nghĩa, trong đó “hiếu” là hiếu thảo với ông bà tổ tiên, còn “nghĩa” là nghĩa vụ với đất nước, đồng bào và nhân loại.

Là một tôn giáo ra đời từ phong trào yêu nước nên trong quá trình phát triển, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Rất nhiều tín đồ đã tích cực tham gia các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.

Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ tặng hoa chúc mừng Đại hội Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa tỉnh An Giang.
Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ tặng hoa chúc mừng Đại hội Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa tỉnh An Giang.

Trưởng ban Đại diện Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa Nguyễn Ngọc Trác cho biết, toàn đạo có 5 mẹ Việt Nam Anh hùng, 3 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 430 gia đình có công với cách mạng. Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, vùng Ba Chúc, An Giang gắn với lịch sử đau thương. Trong 12 ngày chiếm đóng Ba Chúc (từ ngày 18 đến 30/4/1978), quân diệt chủng Pol Pot đã giết hại 3.157 dân thường vô tội, phần lớn là tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Sau khi đánh đuổi Pol Pot ra khỏi biên giới, vào cuối năm 1979, chính quyền và đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, cùng nhân dân, tín đồ đã xây dựng quần thể chứng tích tội ác, trong đó có nhà mồ là công trình chính chứa đựng 1.160 bộ sọ cốt của những nạn nhân thu gom được. Công trình Chùa Tam Bửu và Nhà mồ Ba Chúc đã được công nhận Di tích kiến trúc và lịch sử cấp quốc gia.

Trải qua hơn 150 năm hình thành và phát triển, tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa vẫn nghiêm chỉnh thực hành tôn chỉ “Tu nhân - học Phật” của Đức Bổn Sư Ngô Lợi. Cùng với hành đạo, bà con tín đồ luôn chăm lo lao động, sản xuất, thi đua yêu nước cũng như tham gia các hoạt động có ích cho cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước trao tặng Bằng khen của tỉnh cho các cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp tích cực trong hoạt động của Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa nhân dịp Đại hội đại biểu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước trao tặng Bằng khen của tỉnh cho các cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp tích cực trong hoạt động của Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa nhân dịp Đại hội đại biểu.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo mô hình “Tôn giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đoàn kếtgiữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn thị trấn Ba Chúc”, phối hợp UBMTTQ thị trấn vận động quỹ Cây mùa xuân được 315,5 triệu đồng để hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn, người cao tuổi, người già neo đơn vui xuân, đón Tết; vận động cấp 680 phần quà cho hộ cận nghèo với trị giá 190 triệu đồng. Bà con tín đồ thường xuyên hỗ trợ đổ cột bê-tông để xây nhà cho các hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Đạo hội còn thường xuyên kết hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội, tổ chức các mô hình giữ gìn an ninh trật tự, thu gom rác thải, nếp sống văn hóa…

Qua vận động, 405 hộ trong đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa trên địa bàn thị trấn Ba Chúc tự nguyện ký cam kết xây dựng khóm đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống ma túy, phòng chống cháy nổ, xây dựng gia đình đạt chuẩn văn hóa và cam kết thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường.Trong nhiệm kỳ hoạt động 2015-2020, Phật hội đã đóng góp to lớn vào phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo bền vững; vận động, quyên góp cho các chương trình thiện nguyện trên 6 tỷ đồng (tiền và hiện vật).

Ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp tích cực của Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa trong sự phát triển của vùng đất Tri Tôn, đặc biệt là hoạt động xã hội - từ thiện, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, “Tốt đời, đẹp đạo”, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội của địa phương, Huyện ủy Tri Tôn, An Giang đã giới thiệu Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa là gương tập thể điển hình tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang chúc mừng và tặng quà cho Ban Trị sự, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang chúc mừng và tặng quà cho Ban Trị sự, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Với nội dung hoạt động đúng với quy định của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và Hiến chương đã được phê duyệt, cùng với sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Cấp ủy và chính quyền các cấp của tỉnh An Giang, Phật hội Tứ Ân Hiếu nghĩa sẽ tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho tín đồ, đồng bào thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận công dân, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tri Tôn và tỉnh An Giang.

Anh Tuấn