Buôn Đắk Tuôr – Bảo tồn di tích lịch sử để phát triển du lịch

24/06/2021 03:05

(DTTG) Buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắk Lắk chủ yếu là đồng bào M’Nông sinh sống. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào nơi đây, cùng với những di tích lịch sử hào hùng thời kháng chiến, vùng căn cứ cách mạng Đắk Tuôr được chính quyền địa phương chọn làm điểm phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa – lịch sử, nhờ đó đời sống đồng bào đang dần cải thiện và nâng cao.

vb
Các cô gái M'Nông vui vẻ bên thác Đắk Tuôr.

Đắk Tuôr là một trong số ít buôn làng của huyện Krông Bông, sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Nơi đây có dòng thác Đắk Tuôr nguyên sơ chảy trên ghềnh đá, đẹp như suối tóc sơn nữ.

Đặc biệt, Di tích lịch sử Quốc gia hang đá Đắk Tuôr là nơi cơ quan Tỉnh ủy đứng chân xây dựng vùng căn cứ cách mạng Krông Bông, lãnh đạo, chỉ đạo quân dân trong vùng lập nên những chiến công vang dội trong giai đoạn 1965 - 1975; Bia di tích lịch sử Quốc gia - nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III (tháng 7/1966) và Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Y Ơn Niê, với nhiều hiện vật của người Anh hùng liệt sĩ này được trưng bày.

Du khách tham quan bia di tích lịch sử Quốc gia - nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III (tháng 7/1966).
Du khách tham quan bia di tích lịch sử Quốc gia - nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III (tháng 7/1966).

Ẩn sâu sau những di tích lịch sử, là nhiều những câu chuyện hào hùng của quân và dân vùng căn cứ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những tư liệu lịch sử quý giá ấy, nếu được kể lại bằng thông tin, hình ảnh trực quan sinh động sẽ là những sản phẩm du lịch "đắt giá" đối với những du khách đam mê tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc nơi đây.

Từng tham gia kháng chiến, bà H’Blay Niê, buôn Đắk Tuôr luôn tự hào về bề dày lịch sử nơi mình sinh sống. Bà H’Blay khẳng định: Các Di tích lịch sử ở buôn Đắk Tuôr là minh chứng hào hùng của quân và dân Đắk Lắk trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nay trở thành lợi thế để khai thác, phát triển du lịch văn hóa - lịch sử.

Ông Y Kho Niê, Bí thư Chi bộ buôn Đắk Tuôr tự hào chia sẻ, đời sống của người dân trong buôn hôm nay đã khấm khá hơn trước, vì bà con biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi và làm du lịch. Các con đường từ trung tâm xã đến buôn Đắk Tuôr, đường vào khu di tích, thác Đắk Tuôr, đường nội buôn sạch đẹp là do các hội, đoàn thể của xã, buôn thường xuyên chỉnh trang, vệ sinh, dọn dẹp, trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh. Phía đầu nguồn, người dân cũng dần chuyển đổi trồng sắn, bắp lai sang trồng rừng, không dùng thuốc hóa học để bảo vệ nguồn nước.

“Chúng tôi hy vọng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của bà con buôn Đắk Tuôr, nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch lịch sử - văn hóa - sinh thái hấp dẫn, thu hút du khách”- Ông Y Kho Niê chia sẻ thêm.

Với bề dày lịch sử, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, buôn Đắk Tuôr còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào M’nông như nhà sàn, ghế kpan, chiêng đồng; lễ hội cồng chiêng, lễ hội cầu mưa, lễ cúng bến nước, lễ cúng thần lúa, lễ cúng mừng thọ...

Nhà sàn dài truyền thống của đồng bào M’nông buôn Đắk Tuôr.
Nhà sàn dài truyền thống của đồng bào M’nông buôn Đắk Tuôr.

Đi đầu trong việc giữ gìn, truyền dạy văn hóa truyền thống dân tộc M'Nông cho các thế hệ con cháu trong buôn là già làng Ama Hoa. Già đã truyền dạy cho các thế hệ con cháu cách đánh chiêng và bảo tồn, gìn giữ những di sản văn hóa, ngay trong sinh hoạt đời thường như, ăn mặc, giao tiếp; cách thức tổ chức các lễ hội truyền thống; gìn giữ cồng chiêng, trống cổ, ché đựng rượu cần...

Già làng Ama Hoa gìn gìn chiếc trống cổ.
Già làng Ama Hoa gìn gìn chiếc trống cổ.

Hiện trong buôn Đắk Tuôr còn lưu giữ khoảng 60 ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào M’Nông; hơn 20 ghế kpan, 17 bộ chiêng, hàng chục cối giã gạo bằng gỗ… Trong buôn, ngày càng có nhiều người biết cúng, biết múa, hát dân ca, đánh chiêng...

Thời gian qua, xã Cư Pui cũng đã  liên kết với một số địa phương lân cận để hình thành tuyến, Tuor du lịch, tạo thuận lợi cho du khách có thể tham quan, chiêm ngưỡng nhiều điểm du lịch trên cùng hành trình như: Thác buôn H’Ngô bên dãy núi Yang K’lơ xã Hòa Phong; buôn căn cứ cách mạng Mnăng Dơng; khu nuôi cá tầm buôn Hàng Năm và thác Ea Kar ở buôn Mghí, xã Yang Mao...

Phong cảnh hoang sơ, hùng vĩ của thác Dray Nur, Đắk Lawsk thu hút du khách.
Phong cảnh hoang sơ, hùng vĩ của thác Dray Nur, Đắk Lắk thu hút du khách.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui cho biết: Địa phương đã rất nỗ lực trong việc chỉnh trang cảnh quan, làm sạch môi trường, khôi phục một số hoạt động văn hóa và phát triển một số nghề truyền thống ở buôn Đắk Tuôr. Những năm gần đây, lượng khách đến buôn Đắk Tuôr ngày một đông, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán. Năm 2020, trong 4 ngày Tết, buôn Đắk Tuôr đã đón khoảng 15.000 lượt du khách. Điều quan trọng nhất là, đồng bào M’Nông đã nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, di tích lịch sử để vận dụng, phát triển vào hoạt động du lịch.

Với một quyết tâm rất cao, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm quả quyết: “Buôn Đắk Tuôr đã được các cấp có thẩm quyền đưa vào Đề án phát triển tiềm năng du lịch của huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Trong một tương lai không xa, buôn Đắk Tuôr sẽ chính thức trở thành điểm Du lịch - Lịch sử - Văn hóa độc đáo, thân thiện, thu hút du khách trong và ngoài nước, tìm hiểu về thiên nhiên và địa danh truyền thống anh dũng của người dân Tây Nguyên.

Anh Tuấn